Thay vì mỗi nhà tự gói và nấu bánh chưng, dân cư ở các ngõ phố, khu tập thể lại góp gạo, đỗ, thịt và tổ chức gói bánh tập thể, thay phiên nhau canh nồi bánh, tạo nên không khí ấm cúng, rộn ràng ngày Tết.
Gạo, đỗ, thịt được các gia đình đóng góp. Các mẹ, các chị dậy sớm ngâm gạo chuẩn bị gói bánh. Ảnh: Hoàng Tuấn
Những chiếc bàn dài được xếp dọc khoảnh sân rộng, phụ nữ ngồi quây tròn gói bánh. Hoạt động gói bánh chưng tập thể ở các khu phố được gìn giữ từ nếp sinh hoạt lâu đời của các khu tập thể dân sinh xưa. Ngày nay, không chỉ các khu phố mà nhiều cơ quan, đơn vị cũng duy trì hoạt động này. Ảnh: Hoàng Tuấn
Dưới bàn tay khéo léo của các mẹ, từng chiếc bánh chưng vuông vắn hình thành. Ảnh: Hoàng Tuấn
Bánh chưng gói tập thể vẫn đầy ắp nhân thịt, đỗ. Một số gia đình còn gia giảm riêng phần nhân theo sở thích. Ảnh: Hoàng Tuấn
Trong lúc đó, đàn ông chuẩn bị củi, bếp, bắc nồi để luộc bánh. Ảnh: Hoàng Tuấn
Thanh niên trong phố thay phiên nhau canh nồi bánh, tiếp nước xuyên đêm. Những nồi bánh sôi tỏa hương thơm trên bếp lửa bập bùng là hình ảnh đẹp mang đậm hương vị Tết ở từng ngõ phố. Ảnh: Hoàng Tuấn
Bánh chín được chia đều cho từng gia đình trong phố. Ảnh: Hoàng Tuấn
Một chiếc chiếu nhỏ được trải ra ở cuối ngõ để các mẹ, các chị gói bánh chưng. Bánh chưng tập thể sau khi phát cho các hộ gia đình sẽ được dùng để liên hoan chung tối 29 Tết. Ảnh: Hoàng Tuấn
Đám trẻ con là những người háo hức hơn hết thảy mỗi khi Tết đến, cả xóm bắt đầu gói, nấu bánh chưng cùng nhau. Ảnh: Hoàng Tuấn