Người sở hữu viên ngọc vô song đó là ông Mai Láo (84 tuổi, thôn 2, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Vượt hơn 20km từ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, chúng tôi tìm đến tận nhà ông Láo, để chứng kiến tài trị độc của ông. Quả thật danh bất hư truyền.
Lão nông cứu người
Trong ngôi nhà nhỏ của ông, mới sáng sớm đã có hàng chục người đang chờ đến lượt trị độc, họ đến từ nhiều nơi như Quảng Nam, Bình Định, Đăk Lăk,…Trong khi chờ, chúng tôi hỏi chuyện chị Võ Thị Thủy (Đại Tân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), chị cho biết: “Tôi đưa con gái Trần Thị Thủy Tiên đến để lấy độc do bé bị chó cắn. Tôi nghe người trong xã đồn nhau về tài trị độc của ông Láo, người thân của tôi cũng từng đến và trị khỏi, cho nên tôi tìm đến. Vừa ngồi đây, có mấy người ở Đăk Lăk cũng tìm đến chữa trị”.Bé Trần Thị Thủy Tiên bị chó cắn hôm 27/7, vì chủ quan nghĩ chó nhà cắn không sao. Mãi đến 2 hôm sau, vết thương sưng tấy đỏ, bé mới bảo mẹ là bị chó cắn.
Nhìn qua một lượt, cách trị độc của ông Láo rất đơn giản. Ban đầu, ông dùng thuốc sát trùng vết thương. Sau đó, sát trùng sạch “viên ngọc độc”, đặt ngọc lên chỗ bị cắn. Đợi chừng vài phút, ông lại lấy ngọc ra quan sát.
Ông nói: “Cái độc này không nặng, nhưng không để lâu, độc gì cũng đừng chủ quan, để tôi cho thuốc thêm về uống là khỏi”. Chị Na đến bàn, lấy thuốc và nghe hướng dẫn.
Ông Láo bảo: “ Ngày sát trùng 3 lần, không cần kiêng cữ ăn uống, đừng chích tiêm thuốc gì thêm, uống thuốc này lúc 1 giờ đêm, với lượng pha chế 18 muỗng cà phê, sáng mai sẽ khỏi”. Tùy từng nọc độc mà ông cho lượng nước thuốc khác nhau.
Gói thuốc nhỏ ấy là một dạng bột, theo lời ông Láo, đó là thuốc Bắc, ông mua tại các hiệu thuốc Bắc. Tuy nhiên, cái chính là “viên ngọc độc”. Ông nhấn mạnh: “Ngọc độc này là một chất độc, đây là cách lấy độc trị độc, đẩy độc tố ra ngoài cơ thể nhanh nhất, tiếp đó sát trùng chỗ bị cắn bằng loại bột có tính sát trùng mạnh”.
Không màng tiền bạc
Kể về lai lịch của “viên ngọc độc”, ông Láo nói, hồi những năm 60 ông đi hành quân ở vùng Nam Lào, đơn vị ông hạ trại sát sông Sekong nghỉ ngơi. Lúc đó, ông được phân công đi vào rừng hái rau dại. Tình cờ, ông đi ngang qua căn cứ luyện tập của Lào thấy người ta chữa bệnh cho lính bằng viên thuốc lạ, ông lại vô tình nhặt được một viên như vậy ở căn cứ Lào.
Chúng tôi đã biết về tài trị độc của ông Láo. Hiện nay, chưa có trường hợp nào do ông Láo chữa trị, bệnh nhân phải nhập viện gấp. Việc làm của ông là hành thiện. Theo tôi, “viên ngọc” trị độc của ông Láo vẫn là một sự bí ẩn, có nhiều điều đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được”, ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cho hay.
Ông kể: “Tôi tìm vài già làng hỏi họ, mỗi già làng chỉ cho một ít, tự tôi góp lại rồi học”. Trong thời gian chiến tranh, ông đã không ít lần cứu sống những bộ đội chẳng may bị rắn cắn. Đến thời bình, nhiều người nhờ đến ông.
Ông Láo nhớ lại những ca bệnh khiến ông trắng đêm suy nghĩ. Chẳng hạn trường hợp một ngư dân bị rắn biển cắn. Ông cho biết: “Rắn biển là loài đánh không dễ gì chết, một số loài có nọc cực độc, người bị rắn cắn xước qua chỉ chưa đầy một tuần có thể mất mạng”.
Ông Láo cầm trên tay “viên ngọc độc”.
Trước độc tính quá mạnh, các bác sĩ Bệnh viện Quân y Đà Nẵng đã “mách nước” người nhà đến tìm ông Láo. Ông lập tức đến bệnh viện cứu chữa nạn nhân. Nhờ sự kịp thời của ông Láo, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Ông nghĩ lại: “Hồi đó, chậm tý là chết chắc rồi… Số anh ngư dân đó vẫn còn cao lắm”.
Ông Hồ Văn Minh, phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân, cho biết: “Xã biết ông ấy chữa nọc độc cứu người. Ông Láo vốn là cán bộ quân đội trước đây. Việc ông có viên ngọc rà hút chất độc không lạ gì với dân trong xã và chính quyền. Ông Láo có biệt tài chữa nọc độc rắn. Đến nay, vẫn chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Nếu bệnh nguy kịch, ông Láo đều bảo lên thẳng bệnh viện.
Ông Láo làm đức cứu người, ấy là việc nên làm. Tuy nhiên, có thông tin ông chữa cả bệnh do chó, mèo cắn sưng tấy thì có lẽ do may mắn không “dính” phải chó, mèo có virus dại. Nếu bị chó, mèo dại cắn, bà con nên đi tiêm phòng chứ không nên trông chờ vào phép màu”.
Ông khám bệnh không bao giờ lấy tiền người già, người nghèo và trẻ em. Ông tâm niệm: “Bản thân mình còn sống, còn giúp được thì hết lòng mà làm.” Còn về truyền nhân, ông Láo cho biết: “Tôi không truyền cho ai nữa, vì tôi sợ họ không có đức, có lòng, họ không hiểu cặn kẽ về ngọc độc, lại gây chết người cho người khác, thì tội của tôi lại càng nặng”.
Tuổi đã cao, sức đã yếu, ông Láo tranh thủ thời gian để chữa bệnh cứu người. Nhà ông có 3 sào ruộng, ngoài việc trị độc, ông vẫn vác cuốc ra đồng, người vợ cũng hay đau ốm, chỉ ở nhà chăm sóc vườn chuối, trồng đậu, 2 người con trai đã lớn và có gia đình riêng.
Chị Đàm Thị Phượng, bí thư chi bộ Trạm Y tế xã Duy Tân, cho biết: “Hiện tại, trạm ghi nhận chưa thấy trường hợp bệnh nhân do ông Láo cứu phải nhập trạm xá. Việc ông cứu người, dân hầu như tự nghe và tìm đến. Đó gọi là tiếng lành đồn xa”.