Tiền được nhiều nhà hảo tâm gửi đến, cả nhóm thống nhất dùng để mua đồ ăn, nguyên liệu và biếu tặng, còn tiền xe, tiền ăn uống cả chuyến thì mọi người đều tự chi. Nhiều người thắc mắc rằng đi nấu ăn chỗ khác còn được bồi dưỡng, sao nấu ở nhóm Tùy Duyên còn phải chi tiền ra để “được đi nấu ăn”. Vậy mà, mọi người trong nhóm đã gắn bó với nhau lâu thật lâu, những chuyến đi luôn rộn rã tiếng cười nói vui vẻ.
“Chỉ có khi nào kẹt quá, hay mệt mệt má mới nghỉ, chứ lần nào thằng Sang đi, má cũng đi với nó”, cụ Kim Quý, bà “má” 82 tuổi của cả nhóm nấu ăn cười nói.
Tuần này, bếp ăn Tùy Duyên dừng chân ở một viện dưỡng lão tại thành phố Vũng Tàu, một địa điểm khá quen thuộc với mọi người. Để quyết định nấu món gì, ông Sang đã liên hệ với quản lý ở đây, hỏi thăm các cụ thích ăn gì, rồi mới đi chợ mua đồ. Ngoài bữa ăn trưa với bún riêu, thức ăn bữa chiều cho các cụ cũng được mọi người tỉ mỉ chuẩn bị.
Làm việc với nhau lâu thành quen, tất cả đến nơi là tất bật mỗi người mỗi việc. Ông Sang tay đảo chảo hành trên bếp, luôn miệng dặn dò mọi người lau chỗ này, rửa cái kia. Bếp ăn bình thường yên ắng, hôm nay rộn ràng tiếng nói cười, xen lẫn mùi thức ăn sực nức.
Các cụ già ở viện hôm nay xuống nhà ăn sớm, không khí rộn ràng hơn hẳn mọi khi làm gương mặt ai cũng nhăn thêm nhiều nếp vì cười. Ngồi xung quanh từng cái bàn tròn, mỗi người được phát thêm một túi chà bông, được dặn là “để dành ăn với cháo”. Nhiều cụ, không kịp ăn, cứ ngồi nắm tay hết người này tới người kia trong nhóm nấu vì mọi người lại sắp đi về.
Đứng cạnh một cụ chỉ vừa kịp hỏi “Bà ơi, bà ăn có ngon không?” bà đã len lén lấy khăn tay ra lau mắt. Bà cụ là Đoàn Thị Phấn, quê ở Hà Nội, vào viện dưỡng lão vì gia đình chẳng còn ai. Bà nhỏ nhẹ bằng giọng Hà Nội: “Mấy cô chú nấu món gì cũng ngon, món nào tôi cũng thích, mấy cô chú vào đây là vui, mà thật lâu mới vào”.
Ông bếp trưởng đi bán trái cây
Ít ai nghĩ rằng bếp trưởng nấu cả triệu suất cơm trong suốt hai mươi năm qua là một người đàn ông lao động bình thường, sống độc thân, mưu sinh bằng chiếc xe đẩy bán trái cây. Ông Sang năm nay vừa qua tuổi 53, đã có hơn 20 năm đi nấu ăn từ thiện và 25 năm gắn mình với nghề bán trái cây.
Là người Sài Gòn gốc, khi ba mẹ và anh chị lựa chọn đến vùng kinh tế mới, ông Sang vẫn muốn ở lại gắn bó với mảnh đất quen thuộc mà mình lớn lên. Thời gian đầu sống xa gia đình, ông Sang đi phụ việc cho nhiều nơi, sau ông nghe lời một người chị, dành vốn liếng mua một chiếc xe đẩy, rồi gắn liền với nó suốt hơn hai thập kỷ.
“Bán trái cây có gì đâu mà kể, chỉ là cái nghề kiếm sống thôi. Chú chỉ quan niệm là mình làm gì cũng làm bằng cái tâm, bán trái cây cũng vậy, đi từ thiện cũng vậy. Có chăng là người ta thấy chú bán trái cây rồi đi làm từ thiện, nên nhiều người thương, liên hệ rồi kiếm nguồn tài trợ cho mình đi nấu được nhiều hơn nữa thôi, người ta bỏ của mình bỏ công”, ông Sang kể về công việc của mình. Cái xe bán trái cây của ông Sang không chỉ cho ông kế mưu sinh, phụ giúp gia đình mà còn là một phần nhỏ góp vào những bữa ăn từ thiện mỗi cuối tuần.
Con đường đi làm từ thiện của ông Sang vậy mà cũng gặp không ít chuyện buồn. Nhiều người nói ra nói vào chuyện ông bao đồng, nấu ăn dở rồi “nấu ăn từ thiện cũng bày vẽ lắm quy tắc này nọ"... Những lúc như thế, ông chỉ biết gạt nước mắt vì bản tính hiền lành nhút nhát của mình chẳng quen cự cãi ai. Nhưng rồi tình thương cho những mảnh đời bất hạnh đã để ông vượt qua những lời ra vào mà lựa chọn tiếp tục đi nấu cơm.
Vốn liếng lớn nhất mà người đàn ông không vợ con này tích cóp được cho mình là căn chung cư cũ chưa đầy 20 mét vuông. Khu vực sinh hoạt, ông Sang thu lại diện tích một cách nhỏ nhất, còn đâu ông tận dụng từng góc nhà để cất hết những dụng cụ nấu ăn, đồ làm bếp suốt chừng đó thời gian.
Hình ảnh tư liệu của những chuyến đi nấu cơm, phát quà suốt hai mươi năm qua được ông Sang trân trọng, cất kỹ ở một góc nhỏ. Ông tự hào kể rằng kỷ niệm 20 năm thành lập nhóm, ông sẽ in tặng mỗi người một tấm giấy khen lồng khung. “Không có gì nhiều, gửi cho mỗi người một tấm giấy khen, vừa cảm ơn mà cũng động viên mọi người đã gắn bó với mình tới bây giờ”.
Dậy sớm, đi xa, ôm đồm nhiều việc nhưng ít ai biết ông Sang phải uống thuốc tim và huyết áp mỗi ngày, bác sĩ cũng không cho phép ông làm quá sức hay làm việc nặng. Đã có lần ông bị mệt vì hoạt động quá sức phải nghỉ hẳn ở nhà, thế là mọi người trong nhóm từ thiện tìm đến, nhất quyết bắt ông truyền nước biển cho đến khỏe mới thôi. Nhưng từ dạo đó, sức khỏe của ông cũng chưa ổn định lại hẳn.
“Mình biết sức mình mà con ơi, chú không được làm chú khó chịu trong người lắm”, ông Sang kể về sức khỏe của mình. Thế rồi, tự mình động viên mình, ỷ vào cái “sức của mình” ông trở lại với guồng quay công việc, vẫn dậy sớm đi chợ, tay xách nách mang đủ thứ đồ đạc, lo lắng cho những bữa cơm từng nơi mình đến.
Thay vì nghĩ cuối tuần này sẽ nghỉ ngơi ở đâu, vui chơi những gì, người đàn ông đã qua ngũ tuần này cứ lẩn quẩn chuyện nấu cơm chỗ nào, trại tâm thần hay viện dưỡng lão. Tết này, ông Sang cũng vui vẻ kể rằng đã xin được 200 phần quà để đi tặng cho người nghèo. “Đâu có gì nhiều, cứ còn khỏe là còn đi, còn làm”.