Chùa Bổ Đà từ hàng trăm năm nay đã được ca ngợi là một trong 3 ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của vùng đất Bắc Giang - Kinh Bắc. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 1992, chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Năm 2016, chùa Bổ Đà được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Nguyên bản kiến trúc Việt cổ
Tọa lạc trên núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chùa Bổ Đà (còn gọi là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà sơn Quán Âm tự) được xây dựng từ thời nhà Lý và trùng tu, mở mang vào thời Lê Trung Hưng cũng như các giai đoạn sau này.
Đứng trên đỉnh núi Phượng Hoàng, ta có thể quan sát toàn bộ phòng tuyến sông Như Nguyệt vang danh một thời trong sử sách. Người xưa có câu "Bắc Bổ Đà - Nam Hương Tích" (phía Bắc có chùa Bổ Đà, phía Nam thành Thăng Long có chùa Hương Tích) để ngợi ca Bổ Đà, vốn không chỉ là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc mà còn là trung tâm Phật giáo lớn của Phật phái Lâm Tế - một dòng thiền có ảnh hưởng rộng rãi nhất ở Việt Nam.
Tương truyền, xưa có cặp vợ chồng tiều phu nghèo hiếm muộn con cái nên được Quán Thế Âm thương tình cứu giúp. Một ngày, người chồng đốn gốc thông già trên đỉnh núi thì 32 đồng tiền vàng bật ra, hỏi cao tăng thì mới biết đó là phép ứng hiện của Quán Âm Bồ Tát. Tiều phu cầu khẩn rằng nếu sinh được con trai thì sẽ dựng chùa thờ. Điều ước linh ứng, tiều phu bèn dựng chùa thờ Phật. Người dân trong vùng tìm về cầu linh hiển ứng nên gọi là chùa Quán Âm hay chùa ông Bổ.
Chùa Bổ Đà vừa là nơi thờ Phật vừa là nơi tu tập của tăng, ni thiền phái Lâm Tế qua nhiều thế kỷ. Di tích này gồm chùa cổ Bổ Đà sơn, chùa chính Tứ Ân tự, am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê), vườn tháp và ao miếu. Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ, độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam.
Chùa Tứ Ân trong khu di tích được thiết kế theo lối kiến trúc đặc biệt kiểu "nội thông ngoại bế" với 16 khối kiến trúc liên hoàn thông nhau, hình thành hệ thống các tòa ngang dãy dọc, tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại. Xung quanh chùa có tường đất cao 2-3 m. Đây là nét kiến trúc độc đáo, đặc sắc không chỉ riêng trong tỉnh Bắc Giang mà các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc cũng rất hiếm thấy.
Theo các chuyên gia, sự độc đáo, khác biệt trong lịch sử, kiến trúc nghệ thuật chùa Bổ Đà còn thể hiện qua sự bài trí tượng thờ. Nếu chùa Cao chỉ thờ tượng Quán Âm Tống Tử thì trong chùa Tứ Ân lại bài trí cả một hệ thống tượng thờ gồm: tượng Phật, Khổng Tử, Lão Tử và Thạch linh thần tướng, cho thấy sự dung hợp tam giáo (tam giáo đồng nguyên) với tín ngưỡng dân gian bản địa.
Chùa Bổ Đà hiện còn lưu giữ vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam với gần 100 ngôi tháp. Vườn tháp rộng 7.784 m2, được xây dựng theo những quy định riêng, rất chặt chẽ của thiền môn, chứa xá lị, tro cốt nhục thân của hơn 1.200 vị tăng, ni. Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó tạo nên bức tường bao quanh để giữ gìn giấc ngủ ngàn thu cho các nhà tu hành. Các ngôi tháp được xây 3-4 tầng bằng đá và gạch chỉ, được bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản.
Vườn tháp chùa Bổ Đà được xây dựng trong khoảng 300 năm, kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch. Mỗi ngôi tháp chứa xá lị, tro cốt của 4-26 vị tăng, ni. Đặc biệt, ngôi tháp an táng 26 nhà sư là anh em cùng sơn môn, cùng tu một thầy, khi sống gắn bó với nhau nên khi qua đời vẫn muốn được nằm cạnh nhau.
Mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới
Chùa Bổ Đà cũng đang lưu giữ một bảo vật quốc gia, đó là bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị (loại gỗ rất bền và nhẹ). Theo Thượng tọa Thích Tục Vinh, trụ trì nhà chùa, mộc bản được lưu giữ tại chùa Bổ Đà do các thiền sư phái Lâm Tế san khắc thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này. Đến nay, mộc bản vẫn còn khá nguyên vẹn với gần 2.000 bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn.
Các ván kinh hiện nay được xếp trên 10 giá gỗ. Một số ván kinh lớn được xếp bên ngoài để khách tham quan dễ xem. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, tiêu biểu có các bộ kinh Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… Trên các mộc bản không chỉ có văn tự mà còn nhiều hình ảnh chạm khắc rất tinh xảo như hình khắc Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán… Những họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo, tác động trực diện đến việc truyền thụ và tiếp nhận.
Trải qua gần 3 thế kỷ, mộc bản với gần 2.000 bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Vì thế, mỗi mộc bản còn được xem như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ hoàn chỉnh. Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận "Mộc bản chùa Bổ Đà" là bảo vật quốc gia.
Lo mất cắp bảo vật
Theo Thượng tọa Thích Tục Vinh, một số cây lâu năm trong khuôn viên chùa như thị, vối đều có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là những bảo vật có tính lịch sử, văn hóa cũng như đấy ý nghĩa với Phật giáo Việt Nam.
Ngay khi chùa Bổ Đà được xếp hạng đặc biệt, pho tượng quan trọng nhất của chùa bị đánh cắp, đến nay vẫn chưa tìm được. Dù là di tích rất quan trọng nhưng cơ sở vật chất của Bổ Đà khá sơ sài. Tường rào, các hạng mục công trình bảo vệ chưa bảo đảm.
Nguồn tin: Nguoilaodong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự