Tìm hiểu tại sao ông Trần Gia Hòa lại được người đời gọi bằng cái tên Bát Xì thì chúng tôi được người nhà ông cho biết, những người có tiền của thời đó nếu có đóng góp nhiều cho xã hội thì đệ đơn lên triều đình xin phong chức.
Ông Trần Gia Hòa đã được triều đình Huế phong chức Bát Phẩm (một tước phong như huân chương ngày nay).
Tên gọi Bát Xì là từ ghép của chức Bát phẩm và Xì là tên tục của ông (từ đây trở đi gọi ông Trần Gia Hòa là Bát Xì theo tên tục của ông).
Tại góc đường Lê Thị Hồng Gấm - Yersin (trước công ty lâm nghiệp Bình Thuận) có cây cầu bê tông nhỏ mà ngày nay người ta quen gọi là cầu Bát Xì là do ông bà Bát Xì xây dựng bắt qua con rạch từ phía Phú Tài chảy ra sông Cái (Cà Ty).
Nhiều tài liệu ngày nay có ghi nhận vợ chồng ông Bát Xì đã tham gia ủng hộ “Tuần lễ vàng” cho chính phủ Hồ Chủ tịch năm 1946. Đặc biệt ông Bát Xì là cổ đông lớn của Công ty Liên Thành, một công ty được thành lập từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh và vài công ty khác.
Lo cho mình và cho người
Năm 1941, Ông Bát Xì mua một thuộc đất khá lớn tại làng Ngọc Lâm (nay thuộc khu nghĩa trang Phan Thiết) để xây dựng khu mộ gia tộc.
Ông cho xây tường rào đá bọc quanh khu mộ và một ngôi nhà lầu đúc với đầy đủ vật dụng sinh hoạt của người dương thế: bàn ghế, tủ giường, hồ chứa nước...
Với quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ”, ông dặn con cháu thuê người giữ mộ... Tiền trả công giữ mộ, lấy từ hoa lợi 20 mẫu đất và ruộng tại làng Lại An, Thiện Mỹ của mình (nay thuộc Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc).
Những ngày cuối đời ông chọn một người đàn ông bị tật ở chân làm người giữ mộ. Biết người giữ mộ sau này cho mình đơn độc, ông tìm chọn một phụ nữ nhan sắc bình thường, nhưng hiền lành, hay lam hay làm rồi tác hợp cho họ.
Một gia đình nhỏ ra đời. Đôi vợ chồng ấy coi ông như người thân, nhiều năm sau khi ông qua đời họ vẫn bên cạnh ông cho đến lúc người chồng mất đi vào năm 1983.
Sau khi người giữ mộ ấy mất, em trai ông này thay thế, cho đến một ngày cuối năm 2011, người này lặng lẽ bỏ ra đi cùng với 2 cây sứ cổ mà theo ông Trần Phan Ung Hoàng Vũ - cháu đích tôn của dòng họ Trần (con ông Trần Ngọc Thành- liệt sĩ cách mạng) kể là rất quý hiếm.
Ông Hoàng Vũ nhớ lại: “ Trước đó mấy ngày, người này dẫn một người lạ đến nhà ngỏ ý hỏi mua 2 cây sứ với giá 400 triệu đồng. Gia đình không bán vì đó là kỷ vật của ông cố để lại. Chẳng ngờ…”
Di chúc - Vật gia bảo
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu về ông Bát Xì, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi ông Trần Phan Ung Hoàng Vũ lấy từ két sắt ra một cuốn sách dày cũ kĩ.
Người cháu giải thích đây là cuốn phân chia tài sản của ông cố, là vật gia bảo của dòng họ. Người có thể mất nhưng gia bảo của dòng họ thì người họ Trần quyết tâm gìn giữ.
Ông Hoàng Vũ cẩn thận giở từng trang sách cho chúng tôi xem và quả thật bất ngờ là cuốn sách dày đến 32 trang, in rất đẹp trên khổ giấy A5, tại nhà in báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế.
Theo ngày tháng ghi trên chúc thư thì nó được lập vào năm 1933, đến nay 81 năm. Nội dung chúc thư chia làm 11 khoản. Trong mỗi khoản có nhiều mục nhỏ.
Có thể nói, toàn bộ tài sản nổi chìm, được ông liệt kê đầy đủ trong chúc thư, cũng như hoa lợi hàng năm có được.
Trong bản phân chia thừa kế của ông, có gần 70 căn nhà phố ở các đường: Gia Long (Nguyễn Huệ ngày nay), Trưng Trắc… Riêng tại đường Ngô Sĩ Liên hiện nay, ông có nguyên dãy nhà phố 15 căn, ngó mặt ra chợ lớn Phan Thiết.
Về ruộng vườn, ông bà có hơn 4.000 ha ở các làng: Đại Tài, Đại Nẫm, Tầm Hưng, Thiện Mỹ, Phú Lâm, Phú Hội, Lại An, Tỳ Hòa, Vĩnh Hòa, Phú Tài, Phú Long… Có thể nói từ thập kỷ 20 - 40 của thế kỷ XX, vợ chồng ông Trần Gia Hòa là người sản xuất nước mắm (hàm hộ) quy mô lớn nhất tại Bình Thuận.
Trong số tài sản đó, ông trích một phần hoa lợi; căn dặn con cháu dành cho việc hương hỏa cho cha mẹ ông, người thân của ông đã mất…
Phần còn lại ông chia hết cho tất cả con cháu, kể cả người ông chưa thật hài lòng trong cuộc sống. Ông cũng không quên phân chia một phần tài sản (nhà phố, sở lều,...) cho những người có công giúp ông gầy dựng cơ nghiệp.
Đặc biệt, trong chúc thư có một phần mà chúng tôi gọi là di huấn của người cha, người ông để lại cho thế hệ sau của mình.
Một di huấn đầy tình yêu thương, thấm đẫm chất nhân văn, là bài học làm người của con người đã kinh qua không biết bao nhiêu khổ nhọc, gầy dựng cơ nghiệp để lại cho con cháu họ:
“Này các con! Đạo làm người lấy hiếu để làm đầu, con có hiếu cha mẹ mới vui lòng, anh em có hòa thuận thì gia đình mới đầm ấm, mà lại còn vẻ vang lâu dài tổ tông nữa.
Cha mẹ hai bàn tay trắng mà làm nên sự nghiệp, đã hao biết bao nhiêu tinh thần, trải biết bao nhiêu khó nhọc mới có chút của này, để lại cho các con, của ít công nhiều, các con nên trân trọng công ơn, không nên so hơn tính thiệt. Anh em như tay chân, cũng một máu mủ, phải thương yêu nhau, phải đùm bọc nhau, phải nhường nhịn nhau, ...”.
Văn bia cuộc đời ông Bát Xì.
Và ông phân tích: “... Cha mẹ đã suy cùng nghĩ kỹ, vẫn biết con nào cũng đồng con cả, lẽ phải chia đồng nhưng xét theo lẽ chí công thì đích mẫu các con là Phạm Thị Trí, từ lúc phối hiệp cùng cha, vẫn còn hàn vi, của tiền chưa có mấy, chẳng may người này đã qua đời, vợ nầy là Nguyễn Thị Trụ, là kế mẫu của các con, từ ấy đến nay, người cùng cha chịu bao khó nhọc, trải biết mấy tinh thần, mới có chút của này mà chia cho các con đây.
Cha nghĩ nếu đem của này mà chia cho đồng đều, thì mất lẽ công vì thế phần mấy em các con là Do, Ngẫu, Thành có phần lấn hơn chút đỉnh, để cho thỏa lòng người cha chịu đều cực nhọc trong mấy lâu. Nếu các con là con có hiếu của cha mẹ và là anh em hòa thuận cùng nhau, dẫu tiền tài có hơn kém nhau chút ít, cũng đừng tính toán thiệt hơn làm gì.
Này các con hãy nghĩ như thú rừng mấy của để lại mà cũng sống trọn đời huống chi loài người so hơn tính thiệt làm gì. Nếu các con biết giữ lời khuyên bảo đây, thì gia đình hạnh phúc biết dường bao. Dẫu cha mẹ có khuất mặt rồi cũng vui lòng hả dạ, ngậm cười nơi chín suối”.
Thời gian cùng bao biến cố của lịch sử, con cháu của ông Bát Xì đã không giữ lại được nhiều tài sản, nhưng lời khuyên trong di chúc của ông vẫn được họ làm theo và xem đó là một tài sản lớn.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự