Cách trung tâm thành phố Hà Nội 20km về phía Nam, chúng tôi tìm về gia đình ông Trần Văn Bản - người duy nhất của làng mộc Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) còn tâm huyết, lặng lẽ giữ gìn nét truyền thống của nghề làm khuôn bánh Trung thu bằng gỗ.
42 năm “giữ hồn” tinh hoa dân tộc
Dù đã gần 60 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc đến lịch sử của làng mộc Thượng Cung thì ông Bản lại chẳng thể nào quên. Ông chia sẻ: “Năm 1963, Hợp tác xã mộc Định Quán được thành lập tại làng Thượng Hồng, nay thuộc xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội). Đến năm 1989, Hợp tác xã mộc Định Quán giải tán, các xã viên tách ra sản xuất riêng và duy trì cho đến nay”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống nghề mộc, chàng thanh niên Trần Văn Bản đã bén duyên với những chiếc đục, mảnh gỗ. Nghề đục đẽo đã ngấm vào sâu con người ông. Ngày bé, mỗi khi tan học là ông Bản lại cần mẫn theo chân các cụ đục đẽo từng chiếc khuôn bánh Trung thu bằng gỗ, dần rồi cũng học theo và thạo nghề lúc nào không hay.
Bước qua thời kỳ vàng son bởi những chiếc khuôn nhựa Trung Quốc nhưng ông Bản vẫn “giữ hồn” được nét đẹp của tinh hoa dân tộc Việt Nam. Theo ông Bản, khuôn nhựa Trung Quốc đã giải quyết được tất cả các vấn đề khách hàng mong muốn. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chúng và khuôn truyền thống chính là hoa văn, họa tiết truyền thống cùng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông tâm sự: “Các họa tiết long, ly, quy phượng hay tùng, cúc, trúc, mai được khắc trên những khuôn bánh là di sản vô giá của dân tộc Việt Nam, gắn liền với nghệ thuật điêu khắc Việt qua bao thế hệ. Khi xã hội ngày càng phát triển, sự hỗ trợ của công nghệ máy móc vẫn không thể so sánh bằng điêu khắc truyền thống. Người nghệ nhân điêu khắc sẽ giữ hồn của từng tác phẩm, thể hiện dấu ấn văn hóa riêng biệt và niềm tự hào dân tộc. Nét đục, nhát dao, nhát búa mạnh khỏe, vững chãi và thần tốc giúp tạo ra những chi tiết mềm mại đầy tinh xảo và những đường nét uốn lượn sống động”.
So với khuôn nhựa, khuôn gỗ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn vì sử dụng gỗ xà cừ và gỗ thị - những loại gỗ an toàn nhất dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất ra khuôn bánh trung thu. Những chiếc bánh trung thu được làm từ những khuôn đúc truyền thống sẽ có hương thơm, mùi vị khác hẳn. Bởi trong đó không chỉ có vị ngọt của đường, mà còn chan chứa cả hương thơm của gỗ, của sự kiên nhẫn, sự dung dị và tình người qua năm tháng giữ hồn dân tộc.
Nghệ nhân “thổi hồn” tài ba
Đôi bàn tay thoăn thoắt tay dùi, tay đục, xung quanh ông là cả trăm loại đục đủ kích cỡ khác nhau, ông tâm sự: “Giữ được lửa hồn của cái nghề đã khó, thổi hồn vào chúng lại càng đòi hỏi người thợ phải là một nghệ nhân tài ba. Mỗi tác phẩm hoàn thiện phải có hồn, chắc chắn nhưng phải đẹp, tỉ mỉ sắc nét từng chi tiết”.
Mẫu khuôn bánh hoa cúc - loài hoa tượng trưng cho sức sống, sự trường thọ và cả phúc lộc, niềm vui.
Từ một khúc gỗ trở thành một khuôn bánh có hồn phải trải qua nhiều công đoạn, từ xẻ gỗ, xử lý độ ẩm để tránh hư hỏng gỗ, cắt phôi theo yêu cầu của khách hàng, bào nhẵn, kẻ mực rồi ngâm mỡ. Tuân thủ trình tự các bước như vậy thì bánh làm ra sẽ đẹp mắt và không bị dính. Khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất, được làm hoàn toàn bằng thủ công chính là công đoạn đục đẽo hình thù trong khuôn. Việc này đòi hỏi người nghệ nhân phải thật tỉ mỉ, sáng tạo, cẩn thận trong từng đường nét. Nhưng nếu làm thuần thục thì chỉ mất 3 tiếng cho 1 khuôn thành phẩm.
Tuy nhiên, chỉ cần sai 1 nét là khuôn bánh sẽ bị bỏ đi. Với chi tiết cần sắc, nét, độ nông sâu theo yêu cầu, cần có dụng cụ đủ nhọn, đủ sắc. Với những chi tiết cần uốn dẻo cầu kỳ, lưỡi đục cần cùn đủ độ, lưỡi bào cần vừa phải.
Ngồi cạnh ông Bản là bà Phạm Thị Tâm (vợ ông Bản) đang xé giấy ráp để đánh cho mịn từng họa tiết dưới khuôn. Đây là công đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện khuôn bánh. Những hoa văn mảnh, sâu, bà phải gấp nhỏ mảnh giấy, cẩn thận đẩy xuống và đánh. Bà Tâm vừa đánh giấy ráp vừa giải thích: “Khuôn bánh nướng và khuôn bánh dẻo làm khác đấy nhau. Bánh nướng phải làm đều nét, để khi nướng lớp vỏ bên ngoài bắt lửa đều không bị cháy hay vàng không đều”.
Bà Tâm - người phụ nữ quanh năm phụ chồng làm mộc, chăn lợn, trồng rau màu cùng chồng miệt mài trổ vào khuôn bánh những nét tài hoa làng nghề truyền thống.
Cứ mỗi mùa Trung thu, ông Bản làm ra khoảng 200-300 khuôn bánh. Giá khuôn dao động từ 150.000 đến 500.000 nghìn đồng một chiếc, tùy kích cỡ. Có những chiếc khuôn bánh cỡ to, cầu kỳ có giá lên tới cả triệu đồng. Các sản phẩm của ông bán chạy kể từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch với nhiều mẫu khuôn mà bánh nặng đến cả tạ.
Yêu nghề, gắn bó với nghề vì đam mê, là cái nghiệp ông “trót” mang vào thân. Thế nên nhiều khi cũng phải đánh đổi bằng sức khỏe. Một ngày ông Bản dành đến gần 20 tiếng đồng hồ cho công việc, bước vào mùa Trung thu thì phải làm đến 3 giờ sáng rồi chợp mắt một chút đến 6 giờ lại dậy làm để kịp trả đơn cho khách. Trước nỗi lo về sự mai một của nghề truyền thống này, ông Bản tâm sự: “Gìn giữ gần nửa đời người. Được các cụ truyền lại thì phải cố gìn giữ và bảo tồn cho con cháu. Chỉ bao giờ tôi “nhắm mắt xuôi tay” thì mới thôi, còn sống ngày nào thì còn yêu nghề, quý nghề, truyền dạy cho con cháu ngày đó”.
Theo Báo QĐND Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự