Những thầy giáo vùng cao làm việc thiện

Thứ tư - 14/10/2020 05:53
Dù công tác ở địa bàn biên giới đầy khó khăn nhưng các thầy giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS Lâm Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) vẫn luôn làm từ thiện, mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Thầy giáo Tình (bìa phải) cùng với nhà tài trợ trao quà cho đồng bào dân tộc thiểu số N.M.T
Thầy giáo Tình (bìa phải) cùng với nhà tài trợ trao quà cho đồng bào dân tộc thiểu số N.M.T
Vận động được hàng tỉ đồng
Đó chính là thầy giáo Ngô Mậu Tình (41 tuổi), Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS Lâm Thủy. Khi được hỏi về hành trình thiện nguyện trong nhiều năm qua, thầy giáo Tình ngại ngần bảo: “Mình chỉ là người kết nối, bỏ công ra thôi mà. Thấy còn quá nhiều hoàn cảnh éo le trong xã hội, nhiều miền đất còn quá khó khăn nên mình làm được gì thì làm thôi”.

Nghĩ đơn giản và làm cũng đơn giản. Khi còn là giáo viên ở trường trung tâm huyện, biết có người nào nghèo khổ, tàn tật là thầy giáo Tình ngỏ lời xin mọi người, rồi thầy chuyển tiền quyên góp được đến cho những gia cảnh đó. Từ năm 2010, thầy giáo Tình vận động thành lập các nhóm từ thiện và làm trưởng ban các nhóm, như: Những trái tim hồng, Lửa Việt, Mái ấm tình thương, Đồng hành với trẻ khuyết tật Lệ Thủy, Hơi ấm biên giới... Theo ước tính, tổng giá trị tiền và hàng được các nhóm vận động đến năm 2018 khoảng hơn 5 tỉ đồng.

Năm 2018, thầy Tình được phân công lên xã miền núi biên giới Lâm Thủy giảng dạy và làm Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS Lâm Thủy. Ở đó, thầy giáo Tình tiếp tục hành trình thiện nguyện khi kết nối các chương trình từ thiện, như: Hành trình xe buýt, Yêu thương còn mãi, Áo ấm vùng cao, Vì mái tranh nghèo bên suối... với tổng giá trị huy động hơn 2 tỉ đồng cho bà con nhân dân xã Lâm Thủy.

Thầy Tình còn kết nối với các nhà hảo tâm tặng đồng phục, sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số của trường; giúp các em có áo đẹp đến trường và không còn co ro trong mùa đông lạnh giá. Mới đây là những chương trình từ thiện giá trị lớn như đỡ đầu cho các trường hợp ung thư: 50 triệu đồng; đỡ đầu bữa ăn cho 75 học sinh mầm non trong xã Lâm Thủy, mỗi em 2,5 triệu đồng/năm; xây 2 phòng học bản Tân Ly trị giá 500 triệu đồng...

"Mình chỉ là người kết nối, bỏ công ra thôi mà. Thấy còn quá nhiều hoàn cảnh éo le trong xã hội, nhiều miền đất còn quá khó khăn nên mình làm được gì thì làm thôi. Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS Lâm Thủy".

Từ những phần quà ý nghĩa đó, đời sống người dân, học sinh vùng biên có không ít đổi thay; nhất là lan tỏa tinh thần cộng đồng, góp sức với chính quyền đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Vì những đóng góp đó, thầy Tình được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lâm Thủy, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ của nhà trường khi mới chân ướt chân ráo lên miền biên viễn. Thầy Tình cho hay ngoài 5 lần tham gia hiến máu tình nguyện theo đợt thì thầy đã 11 lần hiến máu tự nguyện để cấp cứu bệnh nhân. Hiện thầy là thành viên hội hiến máu thường trực của Hội Chữ thập đỏ, ai cần máu là hiến ngay.

Nói về hiến máu tình nguyện của giáo viên ở Trường phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS Lâm Thủy, không thể không nhắc đến thầy giáo Trần Mạnh Cường (35 tuổi) với 20 lần hiến máu. Thầy quan niệm người hiến máu tình nguyện là những “cổ động viên” tiếp thêm niềm tin về lòng nhân ái, tạo sự yên tâm cho người bệnh. Cách đây 15 năm, khi còn là sinh viên năm nhất ở Đà Nẵng, lần đầu tiên thầy Cường đến với phong trào hiến máu. “Qua lần đó, tôi thấy sức khỏe bình thường, nhiều khi còn thấy ăn, ngủ nhiều hơn... Tôi tìm hiểu thêm về phong trào này và nhận thấy mình cần tích cực hơn, coi đó là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng xã hội, bởi cho giọt máu đào - trao niềm hy vọng”, thầy giáo Cường tâm sự.

Tốt nghiệp đại học, thây Cường về xã Lâm Thủy công tác và luôn đi đầu trong các phong trào Đoàn thanh niên; nhất là gương mẫu tham gia phong trào hiến máu, rồi vận động các giáo viên khác cùng tham gia. Thầy còn truyền lửa hiến máu tình nguyện cho người thân, thường xuyên vận động người trong gia đình tham gia hiến máu.

"Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Lệ Thủy, nói về những  thầy giáo của Trường phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS Lâm Thủy với giọng đầy cảm kích: “Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, đẩy mạnh chất lượng học tập ở vùng cao Lâm Thủy thì các giáo viên rất tích cực, tâm huyết trong hoạt động hiến máu trên địa bàn huyện, cũng như các chương trình từ thiện khác. Các thầy giáo là những tấm gương sáng, để mỗi đoàn viên, giáo viên, hội viên học tập".

Nguồn tin: Thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây