Gieo duyên Phật pháp bằng cách cứu người

Chủ nhật - 04/10/2020 04:07
Gieo duyên Phật pháp thiên hình vạn trạng, như lời Phật dạy: chúng sinh lắm bệnh, lắm căn cơ, phương tiện độ chúng cũng tùy duyên.
Gieo duyên Phật pháp bằng cách cứu người

Ngày nay quý bậc xuất gia hay thiện tri thức thuộc hàng cư sĩ, gieo duyên Phật pháp cho đồng bào tùy hoàn cảnh, căn cơ nhận thức: thông qua hoằng pháp ở các khóa tu, thuyết pháp qua công cụ điện tử hay mạng internet, thông qua các hoạt động từ thiện nhân đạo, các sinh hoạt có tính lồng ghép linh hoạt…

Nhân sinh hữu duyên, do thọ nhận dù chút xíu kinh điển phù hợp, thấu hiểu, tinh tấn hành tập và tiếp tục tìm cầu học Phật, như hạt giống nảy mầm trong tâm thức. Quần chúng thông qua những hoạt động Phật sự phong phú ngộ đạo từ những pháp thoại, trao đổi, trải nghiệm…

Chùa Hưng Quang là ngôi chùa 70 năm chữa bệnh, phát thuốc miễn phí.
Chùa Hưng Quang là ngôi chùa 70 năm chữa bệnh, phát thuốc miễn phí.

Tuy nhiên, vẫn có một phương pháp gieo duyên hiệu quả chưa được kể đến: hoạt động cứu người của các phòng thuốc đông y cổ truyền ở các ngôi chùa khắp mọi miền, miệt mài hành thiện bằng y học, và qua đấy lan truyền phật pháp.

Người viết từng được Đại đức Thích Thiện Phước - trụ trì Chùa Thiện Phước ở ấp 3, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau, nơi duy trì phòng thuốc đông y từ khi chưa lập chùa, chỉ mới ở am cốc niệm phật đường. Đại đức trụ trì chia sẻ: mình chữa trị cứu bệnh nhân, họ mang ơn mình và luôn nhớ đến Phật.

Quả thực, dù sơ cơ hay chưa biết gì về Đạo, đến chùa châm cứu, hốt thuốc, trong khi chờ đợi nghe tiếng niệm Phật văng vẳng, lời pháp, chứng kiến bậc Tăng Ni, Phật tử lui cui cần mẫn lao tác phơi thuốc, thực hành châm cứu, chẩn mạch kê toa…một hai ba ngày, nhiều tuần, có khi cả năm, đủ duyên lại thọ chay, dự Phật sự, lễ Phật ở chính điện, thành ra tiếp thu Phật pháp tự nhiên hồi nào không hay. Đấy là những khóa học Phật đặc biệt không khai giảng, không chứng nhận, hiệu quả có khi sâu sắc khó ngờ. Nhớ hoài câu đúc kết của Đại đức trụ trì đồng thời có nghề thuốc thâm niên: mình cứu người ta, họ nhớ ơn và nhớ Phật. “Lý luận” này thuyết phục. Ở đời khi bệnh hoạn ốm đau con người cần nương tựa giúp đỡ và dễ mở lòng nghe Phật pháp, bệnh tập lắm khi...thành cơ hội tiếp cận giáo lý khi đời sống bon chen đa đoan cuốn mãi không có chỗ ngừng nghỉ.

Không phải ngẫu nhiên khi bậc xuất gia từ xưa đã có kiến thức về đông y, chẩn mạch bốc thuốc cứu người, nghề y chính nghề nghiệp quan trọng bậc nhất đụng chạm sinh tử, y đức là phạm trù đạo đức cao quý bậc nhất trong các phạm trù đạo đức nghề nghiệp. Theo lẽ tự nhiên, nghề y gần gũi phật giáo trong hành tập, hành động, thực tế công việc nhân đạo. Không gì lý tưởng hơn khi ngôi chùa có một phòng thuốc, quý Tăng Ni, Phật tử có nơi hành tập tốt, thực hành giáo lý, lại hoàn thành sứ mệnh với xã hội, gieo duyên Phật pháp với bệnh nhân.

Ngày nay, chùa để có một phòng thuốc cũng không hề đơn giản do hạ tầng vật chất, nhân sự, tài chính, thủ tục hành chính chuyên môn…Khác ngày xưa muốn trị bệnh cứu người chỉ cần có nghề, tâm, am tranh cốc vắng vẫn hành nghề được. Ngày nay, cần có nhân sự đủ chuyên môn quy định, kết hợp kiến thức tây y, được cấp phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do thế nhiều chùa dù muốn cũng khó thành lập phòng thuốc.

Ở Tây Nam Bộ, người viết có duyên biết các chùa có phòng thuốc và hoạt động thường xuyên: Thiền viện Trúc lâm Phương Nam (Cần Thơ), Thiền viện Ngọc Hạnh (Vĩnh Long), Chùa An Thạnh Linh (Bạc Liêu), Chùa Kim Sơn (Cà Mau)...Các phòng thuốc đã kể bề thế, trang bị tốt và hoạt động hiệu quả như một cơ sở y tế trong cộng đồng. Đương nhiên, còn rất nhiều cơ sở Phật giáo ngoài Bắc trong Nam có phòng thuốc giúp đồng bào, gieo duyên Phật pháp.

Hàng ngày, từng thang thuốc, “đi” cùng lời Phật thầm thì bên tai, từng lời thăm hỏi ân cần của quý Tăng Ni làm nghề, trị liệu cứu người cả thân và tâm, dụng thuốc theo nghĩa đen và dụng pháp theo nghĩa sâu sắc.

Bệnh nhân khỏi bệnh mang ơn nơi cứu chữa mình và nhớ Phật.

Vi diệu lắm thay….

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây