"Ông Bụt", "bà Tiên" của chim trời, thú hoang

Thứ tư - 09/06/2021 06:39
Mỗi người đều có số phận và hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều chung một tình yêu trọn vẹn với chim trời, thú hoang. Ông lão, đã xem đàn bồ câu là con, chưa bao giờ thôi chăm sóc, lo lắng. Bà cụ, vui vẻ ăn cơm với nước mắm và nhường phần thịt ngon nhất cho mèo hoang...
Niềm vui của ông Út là mỗi ngày được chăm sóc đàn bồ câu.
Niềm vui của ông Út là mỗi ngày được chăm sóc đàn bồ câu.

“Ông Bụt” của chim trời

Ông là Nguyễn Văn Chương, thường gọi ông Út (60 tuổi). Suốt 9 năm qua, người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh của người đàn ông ngày 2 cữ ôm bịch thóc lúa, bánh trái ngồi trên góc vỉa hè đại lộ Hòa Bình (P. Tân An, Q. Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ) làm một công việc lặng lẽ, âm thầm với đàn chim bồ câu hàng trăm con.

10 năm về trước, ông Út làm nghề bán bánh bò dạo khắp phố phường Cần Thơ. Mỗi khi rảnh, ông lại lấy bánh bò ra vê thành từng miếng nhỏ thả cho vài chú chim bồ câu bên vệ đường. Con nọ mách con kia, dần dần hình thành một đàn bồ câu đông đúc, ngày ngày tìm người đàn ông bán bánh bò xin ăn. Chúng ăn bánh riết đâm ra nghiện mùi, không bỏ được. Ông Út gọi chúng là “bồ câu bánh bò”.

Một ngày, ông Út nhận ra, mình và bồ câu chính là định mệnh của nhau. Năm 2012, ông Út chính thức “làm cha” của đàn bồ câu và nguyện sẽ chăm sóc, bảo vệ chúng đến hơi thở cuối cùng. Từ ngày có đàn con đông đúc, ông Út không dám đi đâu quá 2 ngày vì sợ bồ câu đói. Ngày nào cũng vậy, dù mưa ngập trời hay nắng chói chang, ông Út không bao giờ lỡ hẹn bữa sáng và bữa chiều của đàn bồ câu.

Tuổi ngày càng cao, ông Út bỏ bán bánh bò, tập trung bán cây kiểng. Tiền kiếm được từ việc bán cây kiểng không ổn định, bữa nhiều bữa ít nhưng đàn bồ câu thì chưa một ngày nào phải chịu đói. Để duy trì quỹ bồ câu, ông Út bán thêm vé số. Mỗi ngày ông dành ra 20 ngàn tiền lời đút vào ống công đức. Mỗi tháng tiền quỹ được 600 ngàn, ông dùng nó để mua thức ăn cho chim trời. Sau này nhiều người biết tới ông Út, họ cho tiền, cho lúa gạo để ông nuôi bồ câu. Điều đặc biệt là, đàn bồ câu chỉ sà xuống ăn khi ông Út ở đó. Nếu ai khác, không bao giờ chúng xuống, dù bụng đang đói và dưới kia thức ăn đổ đầy.

Vì quá thân thuộc, gần gũi nên chim và người đã như có thần giao cách cảm với nhau, hiểu được tiếng lòng của nhau. Hàng trăm chú bồ câu, ông Út nhớ rõ từng con. Nó đến vào thời gian nào, sở thích đi chơi ở đâu, giờ nào thì đói...

Ông quan sát và nhận ra, chúng thường chia theo tốp đi ăn và nhường nhau từng miếng bánh, từng hạt thóc. Chúng chưa bao giờ đánh nhau trước mặt ông. Có lẽ vì ông mà đàn bồ câu yêu thương và bảo vệ nhau như một gia đình.

Có câu chuyện thế này. Chả là có đợt, bồ câu bay tràn vào một số cơ quan, đậu trên mái nhà rồi thải phân xuống khuôn viên và xe. Mọi người rầu rĩ, khó chịu. Anh bảo vệ gọi ông Út tới nhắc nhở: "Ông nuôi bồ câu mà để nó phóng uế ra cơ quan thế này không ổn đâu". Ông Út xin lỗi rồi cầm chổi quét dọn, lau chùi thật sạch. Sáng hôm sau lại tiếp tục, ông buồn lòng quá, không biết phải làm sao với bồ câu. Ông lấy tờ giấy, viết mấy dòng chữ đặt trên mái tôn: "Sáng mai bồ câu ra phía ngoài vỉa hè bên kia đường ăn sáng". Chỉ là viết vu vơ trong lúc bí bách, nào ngờ, 5 giờ sáng hôm sau, ông Út ra vỉa hè đã thấy đàn bồ câu đậu kín sân, không con nào ở lại mái nhà của cơ quan. Ông Út mừng muốn rơi nước mắt, càng trân trọng yêu thương "đàn con" của mình.


9 năm qua, không một ngày nào đàn bồ câu bị bỏ đói.

60 năm cuộc đời, không vợ con, không mái nhà, ông Út dành tất cả tình yêu thương, nhung nhớ cho đàn chim này. 9 năm, đó là khoảng thời gian hạnh phúc, bình yên nhất trong quãng đời khổ đau, cơ cực của ông Út. Ông ngồi ở ngã tư đường, ngắm nhìn đàn bồ câu, tâm sự với nó mọi hỷ, nộ, ái, ố của trần gian. Nơi này, còn là địa chỉ để những người phụ nữ gặp oan trái tìm tới, trút nỗi lòng cùng ông Út và đàn bồ câu. Họ nói với ông rằng: “Kiếp sau, tôi ước mình là cánh chim trời, được sống đời tự do tự tại mà không phải phiền não chuyện thế gian". Rồi cô gái thất tình, chẳng biết làm gì bèn mua một bịch thóc ra ngồi với ông Út, cùng ông tâm sự và cho bồ câu ăn. Sau khi cởi bỏ được nỗi buồn, tự nhiên cô gái vui vẻ, thanh thản trở về.

Nằm ngay đại lộ Hòa Bình là khách sạn Ninh Kiều 2 tráng lệ. Đàn bồ câu ngày được ăn no, tắm mát, đêm về ngủ trên các vòm mái của khách sạn. Ông Út luôn đùa rằng, ông đã thuê 3 mặt tiền của khách sạn cho "đàn con" ngủ, rồi thuê luôn con đường thênh thang và bầu trời bao la cho các con thỏa sức sải cánh.

Có thời điểm, đàn bồ câu bị phường săn tìm cách giết hại. Một số con không may trúng phải đạn ngã nhào xuống đường bị xe cán chết. Ông Út đau đớn đi nhặt từng phần của bồ câu vương vãi trên đường rồi mang tới bãi đất trống gần đó chôn cất. Nơi an nghỉ của bồ câu, ông Út gọi là nghĩa trang Hòa Bình. Nhiều con bị thương gãy cánh, cụt chân, ông Út mang về chăm sóc cho tới khi lành lặn mới mang ra đại lộ thả chúng. Tuổi thọ của bồ câu không dài, trung bình chỉ từ 3 đến 7 năm. Trong đàn bồ câu ở đây, có con đã sống quá 10 năm rồi mà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ông Út thường gọi nó bằng “sếp” và mong muốn nó sống lâu hơn nữa để dìu dắt, dạy dỗ đàn em. Ông Út vẫn nhớ như in, hình ảnh của “sếp” bồ câu ngày đầu xuất hiện. Nó bị người ta cột chặt hai chân, vết thương bị hoại tử, các ngón chân đứt gãy. Ông Út phát hiện đã giải cứu nó nhưng không cứu được đôi chân. Nó trở thành bồ câu tàn phế suốt một thập niên.

Ông Út thương nhất chú bồ câu đó, vì nó vừa kiên cường, lại vừa trung thành, hiếu nghĩa. 10 năm, nó vẫn cố sống để bên cạnh ông Út, làm điểm tựa cho ông những ngày mệt mỏi, chông chênh.

Những ngày này, khi phố phường Cần Thơ vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì đàn bồ câu vẫn bay lượn chao nghiêng trên bầu trời rợp nắng. Hình ảnh đàn bồ câu mổ thóc trên vỉa hè tạo nên một bức tranh phố phường quá đỗi yên bình. Rất nhiều du khách đã ngỡ ngàng hạnh phúc khi nhìn thấy đàn chim hòa bình giữa thành phố sông nước thơ mộng, ai cũng mong muốn chụp ảnh kỷ niệm.

Nếu một sớm mai nào đó, không thấy ông xuất hiện, hẳn đàn bồ câu sẽ dáo dác kiếm tìm, hoảng sợ mà gào thét inh ỏi. Ông Út bảo rằng, quỹ thời gian của mình chẳng còn bao lâu nữa. Tâm nguyện cuối cùng và duy nhất của ông là tìm được hậu bối truyền lại. Vì thế, mỗi ngày, ông luôn ngồi thật lâu cùng “đàn con”, luôn tiếp chuyện, chia sẻ với bất cứ ai quan tâm đến bồ câu. Biết đâu trong số hàng ngàn con người lướt qua, sẽ có một người dừng lại, mở rộng tấm lòng và trái tim với chim trời, để thay ông gánh vác “sứ mệnh hòa bình”.

“Bà "khùng" của thú hoang

Nếu như đất Tây Đô có “ông Bụt” của bồ câu thì đất Sài Thành có “bà khùng" nuôi thú hoang.

“Bà khùng" tên thật là Hồng Tuyết Mai (67 tuổi), chân đã mỏi, gối đã chùn và mắt cũng nhập nhòe mờ ảo. Trời chiều vần vũ cơn mưa, bà Mai nép mình dưới tấm ni lông, co ro, rúm ró nhưng vẫn không quên ngước mắt về phía những tán cổ thụ của Thảo Cầm Viên (Q.1, Tp. Hồ Chí Minh) xem lũ chim trời, sóc hoang có biết trốn mưa hay không. Trên tay bà, còn dở miếng cơm trộn nước mắm. Hỏi sao bà ăn uống đạm bạc vậy? Bà cười, chỉ vào hũ thịt gà vàng ươm dưới cánh tủ: "Cơm với thịt gà nhưng mình chỉ ăn nước thôi, để dành thịt cho mấy con mèo".


Bà Mai tỉ mỉ bón sữa cho một chú sóc non.

Bà Mai không nhớ chính xác mình yêu chim trời, thú hoang từ khi nào. Chỉ biết là, cơ duyên bắt đầu từ khi thằng con trai học lớp 7. Ngày đó, nó bắt được mấy chú chim non, về nhà xin tiền bà để mua lồng nuôi. Nhìn những chú chim ngày một lớn khôn, bà Mai thấy nhen lên niềm hạnh phúc. Hai mẹ con bà cùng nhau nuôi lứa đầu tiên đủ lông đủ cánh rồi mang đi thả. Hết lứa này đến lứa khác, không hiểu sao nó cứ tìm tới hai mẹ con bà để nương tựa. Trong nhà của bà, mọi thứ đều liên quan đến chim trời, thú hoang. 

Bà Mai bán đồ chơi ở cổng Thảo Cầm Viên, tiền lời được bao nhiêu, bà dành mua thóc lúa cho chim trời, mua cơm thịt cho thú hoang. Người ta nhìn thấy bà, gọi bà là khùng điên. Bà chỉ cười, bảo: "Khùng cũng được, tôi đâu quan tâm đến điều đó. Miễn sao chim trời và đàn sóc hoang kia được ăn no mỗi ngày".

Những chú sóc còn non hoặc bị thương, bà Mai đều có sẵn một chiếc lồng sắt nhỏ để cho chúng nghỉ ngơi, dưỡng thương. Chúng theo bà cút kít trên chiếc xe đẩy từ phố về nhà. Khi nào chúng khỏe lại, chân tay cứng cáp thì bà thả ra. Đối với các loại sóc, rất khó để con người tiếp cận, riêng bà Mai, chẳng hiểu sao chỉ cần bập bập môi là chúng lao tới. Chúng nhảy lên tay, sà vào lòng bà như con trẻ.

Tình thương với loài vật của bà Mai là không có biên giới, không phân biệt. Con nào bà cũng đối đãi công bằng, đều yêu thương và bảo vệ hết lòng. Chim trời, vào tháng 7 (âm lịch) thường bị cánh bẫy chim chuyên nghiệp tìm bắt rồi mang bán cho người phóng sinh. "Ơ, chúng đang tự do mà, sao lại đi bắt rồi thả", bà Mai thảng thốt lên. Chứng kiến cảnh bẫy chim, lòng bà đau như dao cứa nhưng chẳng thể làm gì được. Chúng đâu phải của bà, chúng là chim trời, bà không có quyền và cũng chẳng đủ sức để ngăn cản. Rồi đám sóc, tung tăng bay nhảy tự tại như thế, đùng một cái trúng đạn ná thun, buông mình xuống đất chết tức tưởi. Sau đó, vào quán nướng với những cuộc nhậu.

Đau lòng trước những việc vây bắt chim trời, sóc hoang, có thời gian bà Mai đưa về nhà nuôi nhốt nhưng nhiều quá, bà làm không xuể. Thôi thì người bắt cứ bắt, người nuôi cứ nuôi. Việc ai người nấy làm, phước ai người nấy hưởng. Nghĩ như vậy, bà Mai bớt buồn rầu hơn.

Không chỉ đàn chim trời được bà Mai chăm bẵm. Khoảng 6 năm trước, khi chuẩn bị dọn hàng buổi sáng, bà Mai nghe tiếng mèo con kêu ở góc cổng Sở thú. Lần theo tiếng kêu, bà thấy 3 chú mèo con bị ai đó vứt bỏ thật thương tâm. Bà đã tìm mọi cách giữ lại chúng, hằng ngày nhịn miếng cơm, miếng cá nuôi lớn lũ mèo.

Các chú mèo hoang khác, thấy một "bà tiên" ở đây liền tìm tới. Thế là, bà Mai lại có thêm một đàn mèo. Không đủ tiền mua thức ăn, bà Mai chạy khắp các hàng quán xin thức ăn thừa, gặp ai bà cũng chìa tay xin, bà bỏ ngoài tai lời bàn tán, dị nghị, gièm pha, không ngại ngùng, xấu hổ.

Chăm sóc chim trời, thú hoang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà Mai. Có những ngày bệnh, phải nằm viện, thì con trai của bà sẽ thay mẹ cho chúng ăn. Hai mẹ con xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Thành phố, sau những ngày mệt mỏi lao động, sau tiếng còi xe và khói bụi ngột ngạt, người ta vẫn có thể nghe được tiếng chim hót dưới vòm cây, vẫn nhìn ngắm bầy sóc tung tăng chuyền cành, để luôn yêu thương và vị tha với cuộc đời. 
Theo Antg.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây