Nép mình trong một con hẻm nhỏ nằm trên đường Lê Quốc Hưng, thuộc phường 13, quận 4, hơn 1 tuần qua ngôi nhà nhỏ của chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh luôn đông đủ tất cả các thành viên. Từ ông bà đến con cháu, gia đình 3 thế hệ này cùng quây quần bên nhau để làm tấm chắn giọt bắn.
Chỉ trong vòng 1 tuần, hơn 6.500 tấm chắn giọt bắn hoàn thiện đã được gửi đến các bệnh viện, cơ sở y tế như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học; các "điểm nóng" dịch bệnh trên địa bàn TP HCM như quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh...
Chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Y sinh - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, là người khởi xướng ý tưởng này với gia đình. Chị cho biết: "Tôi cũng là bác sĩ tham gia phòng chống dịch nhưng vì đặc thù công việc nên tôi chỉ ở trung tâm để làm xét nghiệm các mẫu đưa về. Tôi hiểu được mức độ lây nhiễm của dịch bệnh ra sao và biết được mọi người đang cần những vật dụng bảo hộ bản thân như thế nào, đặc biệt là những bạn đang làm việc tại các "điểm nóng" của Gò Vấp. Những tấm chắn giọt bắn này có thể giúp các y - bác sĩ và các bạn tình nguyện viên an toàn hơn".
Ngay sau khi TP HCM tiến hành giãn cách, chị Thanh và gia đình mình đã đi mua vật liệu để tiến hành làm ngay những tấm chắn nhanh nhất. Hơn 200 tấm chắn đã đến tay các tình nguyện viên, y - bác sĩ tại quận Gò Vấp ngay trong đêm đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16.
Bà Phạm Thị Thơm (mẹ chị Thanh) vừa làm vừa chia sẻ: "Cô cũng lớn tuổi, ngồi lâu lại đau lưng, thỉnh thoảng lại đóng nhầm vào tay là chuyện thường. Dù vậy, cô luôn động viên cả nhà, mỗi người góp một ít sức, tích tiểu thành đại, gia đình đoàn kết với nhau thì mới có thật nhiều tấm chắn để gửi đến các y - bác sĩ".
Chia sẻ về hành trình trở thành "bà hoàng tấm chắn" của mình, chị Thanh cho biết giai đoạn đầu mọi người trong gia đình rất nản vì ngồi từ sáng đến tối mịt chỉ làm được 80 tấm. Số tiền từ các mạnh thường quân hỗ trợ rất nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu khiến chị Thanh cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, sau nhiều lần nghiên cứu, chị cũng thành công với quy trình làm tấm chắn của mình. Mỗi người sẽ phụ trách 1 công đoạn, ai giỏi việc nào thì làm việc đó. Đàn ông thì làm việc nặng, phụ nữ thì làm những việc tỉ mỉ, trẻ con thì ngồi đóng gói sản phẩm vào túi giấy kiếng.
"Con làm cái này không cảm thấy mệt gì hết, ngược lại còn cảm thấy rất vui và tự hào vì mình đã góp được một phần công sức vào công cuộc chống dịch, con mong mình có thể làm thật nhiều tấm chắn để giúp nhiều người an toàn hơn" - cháu Đỗ Phạm Nguyệt Thy (12 tuổi) chia sẻ.
Cô Phạm Thị Hường tâm sự: "Nhìn cực vậy thôi chứ vui lắm, cả nhà cười nói suốt ngày, cả nhà ngồi làm từ 8 giờ sáng đến tối khuya mới nghỉ, vừa làm vừa kể nhau nghe những chuyện bên ngoài. Vừa làm việc giúp ích cho cộng đồng, vừa gắn kết những thành viên trong gia đình lại với nhau".
Cô Hường đang tỉ mỉ kiểm tra lại dây đeo của tấm chắn.
Bằng sự sẻ chia, tình người với nhau trong mùa dịch, hàng ngàn tấm chắn đã được hoàn thiện và đến tay những người đang ở tuyến đầu chống dịch.
Cả nhà cùng hô vang "Việt Nam chiến thắng đại dịch".
Những tấm chắn giọt bắn "nhà Thanh làm" đến tay đội ngũ y - bác sĩ và các bạn tình nguyện viên.
Trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào năm 2020, gia đình chị Thanh cũng đã gửi 15.000 tấm chắn giọt bắn đến các y - bác sĩ khắp thành phố.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự