“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi

Thứ bảy - 05/06/2021 15:56
Dự án “Rạp hát cổ tích” được thực hiện bởi câu lạc bộ Bé Khỏe Bé Ngoan (thuộc trường ĐH Y Dược TP. HCM) nhằm lan tỏa niềm vui đến các bệnh nhi đang điều trị trên địa bàn TP. HCM. Dự án vừa là tâm huyết của những bạn trẻ đối với cộng đồng và là giải pháp tinh thần hổ trợ bệnh nhi trong quá trình điều trị bệnh.
“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi

Sáng tạo cùng “Rạp hát cổ tích”

CLB Tình nguyện Bé Khoẻ Bé Ngoan (CLB) với những hoạt động nhằm giáo dục sức khoẻ và nâng đỡ tinh thần cho các bệnh nhi và người thân đang điều trị lưu trú tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP. HCM. Câu lạc bộ trực thuộc Hội Sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM. Đồng thời, đây chính là nơi hoạt động của các bạn sinh viên – thanh niên yêu trẻ, với mong muốn đem lại những giá trị tốt đẹp cho trẻ thơ, đặc biệt là các bệnh nhi.

“Rạp hát cổ tích” được thành lập vào tháng 10/2016. Đây là một dự án dài hạn của câu lạc bộ, chuyên tổ chức các buổi rối bóng và chiếu phim cho các em nhỏ bệnh nhi và thân nhân tại các bệnh viện và mái ấm. Ý tưởng sử dụng rối bóng để kể chuyện khởi phát từ chị Trần Thụy Đông Hòa - khi đó là sinh viên của trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Đối tượng dự án hướng đến bao gồm các em bệnh nhi và thân nhân bệnh nhi đang chữa trị tại các bệnh viện và mái ấm như Bệnh viện Nhi đồng 2, Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp và một số cơ sở khác. Đồng thời, dự án hướng đến các bạn sinh viên là cộng tác viên và các bệnh viện, mái ấm nơi các bạn sinh viên đặt chân đến.

“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi ảnh 1
Các bạn tình nguyện viên của CLB Bé Khỏe Bé Ngoan đang thực hiện các thao tác rối bóng.

Chia sẻ về mục đích dự án, anh Hồ Lê Trung, hiện đang là quản lý và cố vấn của dự án “Rạp hát cổ tích” chia sẻ: “Các em bệnh nhi và thân nhân hằng ngày ở trong bệnh viện, thường xuyên tiếp xúc với thuốc men, kim tiêm, nên đa phần tinh thần không thoải mái, thiếu sự giải trí thuần túy. Dưới vai trò là sinh viên Y Dược, chúng mình hiểu rõ sức khỏe tinh thần quan trọng như thế nào đối với các em nhỏ và người nhà. Một tinh thần tốt giúp các em có thêm sức mạnh chiến đấu với bệnh tật, một tinh thần tốt giúp các em vui vẻ tiếp nhận hiệu quả phác đồ điều trị, một tinh thần tốt giúp cha mẹ các em đủ mạnh mẽ tiếp tục hành trình cứu chữa bệnh cho con. Dự án mong muốn đem đến một món ăn tinh thần bổ ích và vui vẻ, xoa dịu nỗi đau bệnh tật, giải tỏa tâm lý, khích lệ tinh thần của các em và cha mẹ”.

“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi ảnh 2
Những rối bóng được tạo ra từ các anh chị tình nguyện viên sinh viên đằng sau màn ảnh.

Chia sẻ về chủ đề mà dự án thường chọn để trình diễn trước mọi người, anh Hồ Lê Trung cho biết, thông qua khảo sát, các bạn trong câu lạc bộ nhận thấy kịch cổ tích nói luôn là tiết mục được mong chờ và gây hứng thú cho các khán giả nhỏ trong những sự kiện. Đồng thời, các câu chuyện cổ tích dân gian ẩn chứa những bài học của ông cha để lại, mang tính dạy dỗ nhẹ nhàng mà sâu đậm trong suy nghĩ. Điều đó đã thúc đẩy dự án thực hiện nhiều câu chuyện cổ tích dưới dạng kịch.

“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi ảnh 3
Rất đông khán giả cùng xem những chương trình do CLB Bé Khỏe Bé Ngoan thực hiện.

Bốn năm một chặng đường

Dự án ban đầu là một rạp chiếu phim đơn giản, chị Trần Thụy Đông Hòa, khi đó là một cộng tác viên của câu lạc bộ đã sử dụng rối bóng để kể các câu chuyện cổ tích. Thông qua đó, các bạn sinh viên mong muốn đem đến niềm vui cho những em nhỏ thông qua một hình thức nghệ thuật mới độc đáo. Chị Đông Hòa cũng là người bắt tay vào việc viết kịch bản, tập hợp những bạn có cùng sở thích và nhiệt huyết để dựng nên vở rối bóng đầu tiên. Qua bốn năm hoạt động cùng nhiều đời quản lý, “Rạp hát cổ tích” dần định hình phong cách hoạt động và tạo nên giá trị cũng như thể hiện sứ mệnh của mình đối với bệnh nhi và trong bức tranh chung của câu lạc bộ. Anh Hồ Lê Trung chia sẻ: “Chúng mình đã tự cung tự cấp trong hai năm với tần suất trình diễn nhỏ giọt do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Cho đến khi vào ngày 23/9/2018, dự án "Rạp hát cổ tích" đã vinh dự đạt top 3 dự án xuất sắc nhất chương trình "Rút ngắn khoảng cách" do Trung tâm Phát triển cộng đồng LIN tổ chức với giải thưởng 150 triệu đồng. Từ đó chúng mình đã thực hiện được nhiều show diễn với tần suất dày hơn”.

“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi ảnh 4
Những màn rối bóng cuốn hút các em nhỏ và người xem.

Cũng theo lời chia sẻ của anh Hồ Lê Trung, dự án ban đầu khi bắt tay thực hiện cũng gặp phải không ít những khó khăn. “Khó khăn ban đầu là kinh nghiệm của chúng mình về hình thức nghệ thuật này chưa nhiều. Chúng mình cố gắng bắt chước theo trên mạng hoặc ký ức về những vở kịch rối trước đó từng coi. Sau đó chúng mình phải tự sáng tạo, tự mày mò tự làm rối, dựng cảnh, lắp đặt đèn và màn bóng, tự học cách mùa rối, thoại kịch bản và may mắn là thành quả đầu tiên không tệ”, anh cho biết thêm. Ngoài ra, một khó khăn mà dự án gặp phải là kinh phí thực hiện. Các bạn thành viên câu lạc bộ phải tự tạo các con rối theo các thủ công, kinh phí eo hẹp nên các bạn sinh viên phải tự góp tiền thực hiện. Sau khi có sự đồng hành của LIN Center thông qua chương trình "Rút ngắn khoảng cách", dự án đã có cơ hội thể hiện nhiều hơn, thực hiện được nhiều ý tưởng mới, đầu tư cho hình thức rạp quy mô của show và các con rối.

“Rạp hát cổ tích”: Mang niềm vui đến với bệnh nhi ảnh 5
Dự án đã thực hiện nhiều buổi diễn rối và chiếu phim tại các bệnh viên, mái ấm, nhà mở trên địa bàn TP. HCM.

Cho đến nay, dự án đã thực hiện hơn 30 buổi diễn rối, 20 buổi chiếu phim. Các bạn trong câu lạc bộ đã có 8 vở rối được sản xuất, 10 bộ phim được trình chiếu. Các vở rối của dự án tập trung ở các câu chuyện cổ tích và ngụ ngôn của Việt Nam lẫn nước ngoài như: Sự tích cây nêu ngày Tết, Sự tích hoa cúc, Sự tích quả thơm, Rùa và thỏ, Hằng Nga - Hậu Nghệ, Cóc kiện trời… Hình thức làm rối của dự án đa dạng từ rối bòng tĩnh, rối bóng động, rối que, rối dây, rối bàn tay... Ngoài ra, những bộ phim hoạt hình được chọn chiếu cũng là các bộ phim chất lượng về hình ảnh và ý nghĩa về nội dung. Bên cạnh công chiếu và trình diễn, dự án còn lồng ghép thêm các hoạt động trước show như dạy các bé làm rối, vẽ tranh, ca hát, nhảy. Kết thúc buổi diễn sẽ là những câu hỏi lượng giá giúp các em nhỏ hồi tưởng về câu chuyện, vở kịch, bộ phim được xem và cũng là những bài học mà Ban Tổ chức muốn truyền đạt.

“Từ nhỏ, chúng ta đã từng được đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích, mơ mộng về những chiếc hài lọ lem, nàng tiên, quả thị cô Tấm... Thế nhưng, đối với các bé bệnh nhi đang lưu trú tại bệnh viện thì không có điều kiện được đón nhận với những điều giản dị ấy mà thay vào đó, các em phải liên tục chịu đau đớn mỗi lần chạy thận, vào thuốc... Chúng mình mong muốn đem các câu chuyện cổ tích đến với các em, là món quà truyền tải thông điệp sống tích cực, cổ vũ tinh thần, đồng hành cùng các em trên con đường chiến đấu với bệnh tật”, anh Hồ Lê Trung bày tỏ.

Theo Tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây