Xem những đứa trẻ khiếm khuyết như “con”
Đều đặn, cứ 5 giờ 30 phút sáng hàng ngày, ở các phòng của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) lại sáng đèn. Hơn 30 đứa trẻ khiếm khuyết tại đây đã thức giấc để chuẩn bị hành trang đến trường.
Đối với những cháu bị khiếm thính, mỗi sáng bà Phan Thị Hường (51 tuổi, nhân viên trung tâm) đều đến tận phòng đánh thức. Những cháu lớn có thể tự vệ sinh cá nhân, ăn sáng để chuẩn bị cho buổi học. Tuy nhiên, có những em nhỏ mới vào, chưa quen với cuộc sống nơi đây nên còn “nhõng nhẽo”, nhớ gia đình. Do đó, sáng nào bà Hường cũng sẽ dành thời gian để tắm rửa, lo cho các em đến lớp đúng giờ.
Bà Hường tâm sự, mỗi đứa trẻ tại trung tâm đều có một câu chuyện và hoàn cảnh khác nhau. Có những cháu bố mẹ ly hôn, có cháu người đồng bào dân tộc thiểu số… Nhưng tất cả các em nhỏ đều khiếm khuyết so với bạn bè cùng trang lứa.
Bà Hường nhớ lại, 15 năm trước khi chồng mất, bà lang bạt khắp nơi mưu sinh để nuôi 3 người con ăn học. Cách đây 5 năm, khi đang làm ở Đồng Nai bà được một người giới thiệu về Đắk Nông để chăm sóc trẻ.
Mỗi đứa trẻ tại trung tâm là một hoàn cảnh khác nhau nên bà Hường luôn quan tâm, chăm sóc và xem như con của mình.
Thấy công việc khá phù hợp, lại có thể đón người con út đang ở quê với ông bà vào cùng nên bà Hường khăn gói lên đường. Ngày đầu tiên đi làm bà khá bất ngờ khi những đứa trẻ mà mình sẽ chăm sóc bị câm điếc bẩm sinh, tự kỉ, tăng động… Có những trường hợp không thể kiểm soát được hành vi cá nhân. Khi đó, trung tâm chỉ có khoảng 20 đứa trẻ, nhưng trong suy nghĩ của bà loé lên ý nghĩ bỏ việc.
“Khi nhìn những đứa trẻ khiếm khuyết ở trung tâm tôi nhớ đến người con trai út đang ở quê với ông bà, thiếu thốn tình cảm của mẹ. Thương con, thương những đứa trẻ khiếm khuyết, ngây thơ nên tôi quyết định ở lại trung tâm để lo cho các cháu. Khi đó, tôi có thể chăm sóc, lo lắng để những đứa trẻ khiếm khuyết cảm nhận được tình yêu thương của gia đình”, bà Hường tâm sự.
Ngày đầu “làm mẹ” của những cháu bé ở trung tâm, bà Hường làm quen, nhớ tên của từng đứa trẻ. Dần dần bà nắm bắt tâm tư, tình cảm của từng trường hợp để có cách chăm sóc phù hợp.
Người phụ nữ tâm sự, những ngày đầu mới vào trung tâm, một mình bà chăm sóc cho 20 đứa trẻ. Mỗi cháu bé ở một độ tuổi và bị khuyết tật khác nhau, do đó bà gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc. Có đêm, những đứa trẻ đồng loạt ốm, gọi gia đình các cháu không được. Một mình bà luôn tay chăm sóc cho các “con”. Vừa chườm nước ấm cho đứa trẻ này hạ sốt, bà lại quay sang dỗ dành cháu khác nín khóc. Thế rồi, bà và “các con” cũng vượt qua những đêm khó khăn như thế.
“Có những lúc mệt mỏi, nản lòng nhưng khi được các cháu ôm chầm lấy tôi rất hạnh phúc. Những cái ôm ấm áp của các con là động lực để tôi gắn bó với trung tâm lâu dài. Tôi chỉ mong các con khoẻ mạnh, vui vẻ và mau chóng khỏi bệnh là bản thân cảm thấy vui lòng”, bà Hường chia sẻ.
Người phụ nữ hi vọng những đứa trẻ khiếm khuyết được khoẻ mạnh và mau chóng hoà nhập với cộng đồng.
Giúp các “con” mau chóng hòa nhập
Bà Hường tâm sự, trong 5 năm gắn bó tại trung tâm, bà nhớ như in hình ảnh cậu học trò thông minh, nhưng mắc căn bệnh tự kỉ. Mặc dù, cậu bé học giỏi nhưng trên lớp lại thường xuyên đánh bạn. Nhưng do gia đình không phát hiện sớm nên bệnh tình ngày một nặng. Khi cháu bé được đưa vào trung tâm thì lầm lì, ít nói và không chơi với bất kì ai.
Thương cháu bé, sau giờ học, bà Hường hay tìm đến tâm sự, kể chuyện cho cậu bé nghe. Những ngày đầu, cậu học trò không hợp tác cũng chẳng để ý đến lời bà Hường nói. Thời gian trôi qua, cậu bé cũng bắt đầu biết lắng nghe, có tình cảm.
“Tôi vẫn nhớ như in, ngày cậu bé chia tay trung tâm về nhà đã chạy đến ôm chầm tôi từ phía sau. Đôi tay nhỏ nhắn, run run của cậu bé khiến tôi vô cùng xúc động. Nhìn thấy bệnh tình của cậu bé thuyên giảm tôi rất vui và hạnh phúc. Do đó, tôi tự dặn bản thân phải cố gắng chăm sóc, dành tình cảm nhiều hơn nữa đối với những đứa trẻ bất hạnh ở đây. Tuy những cháu nhỏ khiếm khuyết nhưng có tình cảm và muốn được yêu thương”, bà Hường tâm sự.
Nói về dự định của mình, bà Hường cho hay, bà sẽ tiếp tục gắn bó, chăm sóc cho những đứa trẻ khiếm khuyết tại trung tâm. Bà cho rằng, những đứa trẻ đã bất hạnh rồi nên bản thân muốn góp chút sức lực của mình để bù đắp phần nào thiệt thòi của các cháu.
“Các cháu sinh ra đã khiếm khuyết, thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác. Không những vậy, các cháu lại thiếu thốn tình cảm của gia đình nên mình càng phải dành nhiều tình cảm ơn nữa cho những đứa trẻ bất hạnh. Tuy khiếm khuyết, nhưng mỗi đứa trẻ đều có một tài năng khác nhau. Do đó, người lớn phải dành nhiều thời gian quan tâm, giúp các con bộc lộ khả năng của mình.
Tôi hy vọng các bậc phụ huynh sẽ gần gũi, tạo điều kiện cho các con khám phá bản thân, thế giới. Tình yêu, sự gần gũi, sẻ chia sẽ giúp các cháu mau chóng khỏi bệnh. Còn đối với tôi chỉ cần các cháu khoẻ mạnh, sống hạnh phúc và mau chóng hoà nhập với cộng đồng và niềm vui đối với bản thân tôi”, bà Hường nói.
Ông Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đắk Nông cho biết, hiện tại trung tâm có 37 học sinh, nhưng chỉ có 20 em nội trú. Mỗi ngày, bà Hường sẽ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân cho các cháu nơi đây. Bên cạnh đó, hàng đêm bà Hường sẽ dỗ dành các cháu ngủ và chăm sóc khi những đứa trẻ ốm đau.
Ông Ảnh cho hay, việc chăm sóc cho trẻ con đã khó, ở đây các cháu đều là trẻ khiếm khuyết nên vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, với tình yêu thương và mong muốn những đứa trẻ bất hạnh được hoà nhập với cộng đồng bà Hường và các giáo viên trên lớp rất nỗ lực, cố gắng. Chính nhờ tình cảm, sự gắn bó của bà Hường đã hỗ trợ tích cực vào việc dạy dỗ các em học sinh tại trung tâm.