Trường học ở biên giới mở 'kho gạo Thạch Sanh' giúp người nghèo

Thứ sáu - 14/05/2021 17:53
Sáng chế và lắp đặt thành công “cây ATM gạo” đầu tiên ở tỉnh biên giới Lào Cai, kho gạo của Trường THPT số 1 Lào Cai (tỉnh Lào Cai) được ví như “kho gạo Thạch Sanh”.
Người nghèo đến lấy gạo từ "cây ATM gạo" của Trường THPT số 1 Lào Cai (phường Cốc Lếu, TP.Lào Cai)
Người nghèo đến lấy gạo từ "cây ATM gạo" của Trường THPT số 1 Lào Cai (phường Cốc Lếu, TP.Lào Cai)
Gạo trong kho không những vơi đi mà ngày một đầy hơn nhờ sự ủng hộ của người dân, các nhà hảo tâm, để giúp người nghèo vượt qua dịch Covid-19.
 

Chế “ATM gạo” từ téc nước

 
“Cây ATM gạo” đầu tiên của tỉnh Lào Cai là sản phẩm sáng tạo của một nhóm học sinh CLB nghiên cứu khoa học Trường THPT Lào Cai (phường Cốc Lếu, TP.Lào Cai), được lắp đặt và vận hành trong ngày 16.4.
 
Trưởng nhóm sáng tạo sản phẩm này, em Lê Hoàng Quốc, học sinh lớp 12B1, cho biết sau khi đọc báo, xem truyền hình về mô hình “cây ATM gạo” có ở nhiều nơi để giúp người nghèo vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, Quốc đã dành 3 ngày đêm để tham khảo cách làm được chia sẻ trên mạng.
 
Sau đó, Quốc mày mò nghiên cứu lập trình để sáng tạo bảng điều khiển điện tử tự động ngắt, mở van khi đủ một lượng gạo nhất định chảy qua van. “Cây ATM gạo không quá phức tạp và nguyên lý hoạt động đơn giản, chỉ gồm 1 téc nước để chứa gạo, hệ thống van và đường ống để gạo chảy ra ngoài. Em chế van tự động, mỗi lần người lấy gạo ấn nút thì lượng gạo chảy ra đủ 3 kg là van tự đóng”, Quốc nói.
 
Cũng theo Quốc, khi em chia sẻ ý tưởng làm “cây ATM gạo” với bạn bè và cô giáo, mọi người rất ủng hộ. Người đi vận động xin téc nước, người đi xin ống nhựa, người vận động phụ huynh góp gạo. Ngay trong ngày đầu tiên thử nghiệm, “cây ATM gạo” đã phân phối được hơn 700 kg đến người nghèo, lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Trao đổi với Báo Thanh Niên, cô giáo Hà Thùy Linh, Bí thư Đoàn trường THPT số 1 Lào Cai, tự hào cho hay, bản thân cô khá bất ngờ khi học sinh chia sẻ về ý tưởng sáng chế “cây ATM gạo”, rồi bắt tay triển khai luôn. Nhiều giáo viên trong trường đã tự nguyện bỏ tiền túi mua gạo ủng hộ trong ngày chạy thử nghiệm.
“Những cây ATM gạo được mở ở đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM còn có nhiều người cần gạo, thì tại Lào Cai sẽ rất hữu ích khi có hàng nghìn người lao động mất việc làm. Cũng từ ý tưởng của học sinh, ban giám hiệu nhà trường quyết định cử 1 tổ giáo viên cùng các em học sinh duy trì hoạt động của “cây ATM gạo” trong mùa dịch Covid-19”, cô Linh chia sẻ.
 

“Kho gạo Thạch Sanh” giúp người nghèo vượt khó

 
Chỉ sau 3 ngày vận hành, “cây ATM gạo” của Trường THPT số 1 Lào Cai là địa chỉ của nhiều người nghèo, lao động tự do mất việc làm tìm đến nương nhờ hỗ trợ. Hàng ngày, “cây ATM gạo” bắt đầu mở van hoạt động lúc 8 giờ, nhưng từ khoảng 6 giờ 30 phút, đã có nhiều người tìm về xếp hàng chờ lấy gạo.
 
Cô giáo Hà Thùy Linh kể, ấn tượng nhất trong ngày đầu tiên, có 2 vợ chồng người Yên Bái (là lao động tự do khu vực cửa khẩu vừa hoàn thành cách ly tập trung) mất việc làm, đã tìm về xin gạo ăn qua ngày. Ở TP.Lào Cai cũng có trường hợp, 1 phụ nữ tự nhận mình 1 ngày có 3 lần đến lấy gạo chỉ vì đang nuôi 3 con nhỏ, 1 mẹ già. Chị mất việc nhiều ngày, gia đình cơm không đủ ăn. “Mỗi lần ấn nút, gạo chảy ra chỉ có 3 kg, nhưng với trường hợp đặc biệt khó khăn, chúng tôi đều tặng gạo nhiều hơn”, cô giáo Linh kể.
 
Trong 3 ngày qua, mỗi ngày, “cây ATM gạo” lại tuôn ra gần 2 tấn gạo để giúp người nghèo, nhưng kho gạo của Trường THPT số 1 Lào Cai không vơi đi mà ngày một đầy hơn, nhờ sự chung tay ủng hộ của nhiều người, mà mọi người thường ví là “kho gạo Thạch Sanh”. Trong đó, có trường hợp bà Phạm Thị Thu (73 tuổi, nhà ở tổ 20, phường Bắc Cường, TP.Lào Cai) dù chân bị đau nhưng đã đi bộ tập tễnh đến trường, còn chồng bà chạy xe máy chở theo 500 kg gạo ủng hộ.
 
“Gia đình tôi không giàu có gì cả, nhưng thấy chương trình của trường ý nghĩa quá nên muốn đến tận nơi ủng hộ ít gạo cho người nghèo”, bà Thu nói. Tương tự, chị Đào Thị Hoà, nhà ở đường Hoàng Văn Thụ, phường Cốc Lếu, sau những ngày chứng kiến cảnh người dân đến lấy gạo, đã mua 500 quả trứng gà chở đến để trường tặng kèm mỗi suất gạo. Chị Hoà mở quán bán tạp hóa ở nhà, do dịch bệnh, thu nhập khó khăn nhưng thấy còn nhiều người khó khăn hơn mình nên quyết san sẻ khó khăn với đồng bào trong đại dịch.
 
Theo cô giáo Hà Thùy Linh, từ số gạo ban đầu do phụ huynh, giáo viên ủng hộ, đến nay có nhiều nhà hảo tâm, người dân địa phương chở gạo đến ủng hộ. Ngoài gạo, người dân ủng hộ rất nhiều trứng, nước rửa tay, khẩu trang… Những phần quà này được chia đều tặng người đến lấy gạo.
 
“Đến cuối ngày 18.4, “cây ATM gạo” đã phân phối được gần 6 tấn nhưng trong kho vẫn còn hơn 9 tấn gạo, và các nhà hảo tâm, người dân góp gạo ngày một nhiều. Nhà trường tiếp tục duy trì chương trình này đến khi kho hết gạo, để giúp người nghèo vượt khó trong đại dịch Covid-19”, cô Linh cho biết.
Theo Thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây