7 năm qua, thầy giáo tin học Đỗ Hoài Nam (sinh năm 1991, giáo viên trường Trung học cơ sở Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) dạy võ và bơi miễn phí cho học sinh, sinh viên, với mong muốn lan tỏa tinh thần thể dục thể thao, dạy kĩ năng sống cho các em.
“Khi đối phương đá ta, thì ta có thể dùng tay nắm chân và điểm chân trụ của ta rất quan trọng, phải vững, chỉ cần nâng hông lên là đối thủ có thể ngã…”, thầy giáo Đỗ Hoài Nam hướng dẫn kĩ thuật phòng thủ trong môn võ Penkatsilat cho học trò tại khu vực sân chơi xóm Trầm (thôn Duyên Trường, Duyên Thái).
Kết thúc buổi tập, thầy Nam lại nhắc nhở điều mà anh thường nhắc nhở học trò: “Tập võ là để rèn luyện sức khỏe của bản thân và để tự vệ. Giờ ra ngoài đường chỉ cần một va chạm giao thông nhỏ là cũng có thể dẫn đến ẩu đả, mình là người tập võ nên nhẫn nại, tránh va chạm, đừng vì hơn thua một vài câu nói…”.
Trong 7 năm qua, lớp võ miễn phí của thầy Đỗ Hoài Nam đào tạo được hàng trăm học sinh, sinh viên. Không chỉ dạy Penkatsilat, thầy Nam còn dạy cho các em những môn võ khác như Vịnh Xuân Quyền, Boxing hay Thể dục dụng cụ, bơi lội. Tuy nhiên, giá trị mà thầy Nam mang đến cho các em không chỉ là sức khỏe mà còn là kỹ năng sống.
Tự học hỏi võ thuật
Khi học lớp 8, Đỗ Hoài Nam đã có đam mê võ thuật và cậu học từ người quen. Đam mê này ngấm vào “máu” Nam, sau giờ học căng thẳng, cậu lại lao vào đống sách, video dạy võ mà cậu mua để luyện tập. Không chỉ học trên sách vở, Nam còn đi giao lưu, tập luyện với nhiều đàn anh để nâng cao kỹ thuật.
Dù có đam mê võ thuật nhưng Nam không chọn con đường sự nghiệp này, bởi Nam yêu thích Công nghệ thông tin. Vì vậy, Nam thi ngành Công nghệ thông tin (hệ dân sự) của trường Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Nam tốt nghiệp loại giỏi thuộc Top 3 của trường, năm 2014, Nam thi đỗ viên chức giảng dạy Công nghệ thông tin của trường Trung học cơ sở Duyên Thái.
Về trường giảng dạy, được tiếp xúc với nhiều học sinh, Nam nhận thấy học sinh dùng điện thoại di động, máy tính nhiều nên mắt cận và chúng thiếu kĩ năng sống. Người thầy giáo này lên ý tưởng mở một lớp học võ miễn phí, tuyển các em từ lớp 4 trở lên. Ban đầu, lớp chỉ có khoảng vài em tham gia.
Lớp võ được dạy vào buổi tối ở khu vực sân trường, dưới ánh đèn cao áp lờ mờ, những hình bóng của thầy và trò tập luyện hăng say, có những đêm tập đến tận 11 giờ.
Thầy giáo Đỗ Hoài Nam hướng dẫn các học trò. Vào dịp nghỉ hè, lớp học có khoảng 30 em. Ảnh: M.Đ
“Nền sân là bê tông, khi đó không có đầy đủ dụng cụ như bây giờ nên các em bị ngã là trầy xước tay, chân”, thầy Nam nhớ lại.
Để các em có cơ hội cọ xát thực tế với nhau và tạo tiền đề đi thi đấu, thầy Nam hỏi các con: “Thầy thấy lớp mình cần mua hai bộ áo giáp để các con tập luyện. Giá tiền hai bộ là 450 nghìn đồng, các con thấy sao? Nếu được thì chúng ta đóng góp mua đồ”.
Nghĩ đến áo giáp, những cô, cậu học trò tròn mắt vui mừng, chúng mơ về cảnh có thể đánh, đấm không bị đau nữa và một ngày nào đó được đi thi đấu.
Chúng bàn nhau, rồi hô lớn: “Chúng con đồng ý”. Sau đó các em đóng góp, người thì 10 -20 nghìn đồng, em nào có điều kiện hơn thì 50 nghìn đồng, tổng được khoảng 300 nghìn đồng. Thấy còn thiếu hơn 100 nghìn đồng, thầy Nam đóng nốt.
Thầy Nam cùng các học trò tham gia thi đấu võ thuật do huyện Thường Tín tổ chức. Ảnh: NVCC
Thắng – thua không quan trọng
Năm 2017, huyện Thường Tín tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, trong đó có giải thi đấu môn võ Penkatsilat lứa tuổi Trung học cơ sở, hạng cân từ 35 đến trên 60kg. Thầy Nam đăng kí tham gia cho các con để chúng có thể cọ xát thực tiễn sau vài năm tập luyện.
Sau khi xếp hạng cân, các thí sinh bước vào sàn đấu. Lần đầu tham gia, các học trò của thầy Nam ra đòn khá “hiền” so với đối thủ nhưng các em luôn giữ vững thế thủ tốt.
“Thầy ơi, sao các bạn đánh mạnh và nhanh thế”, học trò hỏi thầy Nam.
Thầy Nam giải thích: “Lớp của mình thiên về hướng về rèn luyện sức khỏe, nên khi thi đấu khó tránh khỏi bỡ ngỡ”.
Trong cuộc thi năm đó, Long (học sinh theo học võ của thầy Nam từ ban đầu) bước lên sàn đấu, cậu ta bị cận nặng nhưng vẫn phải bỏ kính theo quy định. Ngày thi đầu tiên, Long vượt qua các đối thủ.
Sang ngày thi đấu thứ hai, cậu ta gặp đối thủ ra đòn nhanh và mạnh hơn, dù bị hạn chế do mắt cận thị nhưng cậu vẫn giữ được thế thủ tốt. Tuy nhiên, đối thủ tấn công kĩ thuật cao hơn nên giành được điểm tối đa, trọng tài tuyên đối thủ chiến thắng.
Long buồn vì thua cuộc, thầy đến động viên cậu học trò: “Các em dám lên sàn đấu thì nghĩa mình đã chiến thắng rồi, chứ thầy không phải là bảo các em là phải chiến thắng”.
Long được nhận giải Ba, còn ở hạng cân khác, các bạn của Long giành thêm được 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và hai giải Ba. Đó là thành công của các thầy trò sau hai ngày vất vả, phải ăn vội bánh mỳ thay cơm, hay phải loay hoay đi tìm nhà trọ.
Tại cuộc thi này, chi phí đi lại, ăn uống cho cuộc thi, thầy Long dành cả tháng lương hơn 3 triệu đồng để lo cho các em.
Nối tiếp thành công, năm 2018, thầy Nam và các trò lại giành được nhiều giải khi thi đấu võ thuật ở cấp huyện và Thành phố tổ chức.
Thầy Nam dạy bơi miễn phí cho các em học sinh ở khu vực ao xóm Trầm vào dịp hè. Ảnh: NVCC
Thầy giáo không chỉ là thầy mà còn phải làm bạn với học sinh
Dù là một người dễ tính, thân thiện nhưng thầy Nam lại khá nghiêm khắc. Năm xưa, có cậu học trò Phạm Thanh T. (sinh năm 2003, sống cùng ông bà nội) khi đó học lớp 7 là một học sinh khá nghịch ngợm, từng lấy trộm tiền của bà nội để đi chơi.
Thấy cháu hư, bà nội dẫn cháu đến lớp võ nhờ thầy Nam kèm cặp, dạy dỗ để cho cháu ngoan hơn. Tuy nhiên, đến lớp, T. tỏ vẻ là một người nóng tính.
Hôm đó vào thứ Bảy, T. và Sơn mặc áo giáp lên sàn đấu tập với nhau, do tức tối nhau từ trước, hai bên lao vào đấm đá bằng lực và đòn đánh khác với thầy dạy. T. cao to hơn và từng tập Boxing nên chiếm thế thượng phong.
Chứng kiến sự việc, thầy Nam bảo hai bên dừng lại và nhắc nhở: “ Tất cả mọi người trong lớp như anh chị em trong nhà, mỗi ngời có điểm mạnh riêng, nên các bạn hãy coi đây như ngôi nhà thứ hai để thoải mái đầu óc sau một tuần học tập. Việc đánh người khác, khiến họ thiệt mạng thì các em có thể vướng vào pháp luật…”.
Trải qua một thời gian được thầy Nam kèm cặp, T. trưởng thành hơn, bớt được tính nóng nảy. Khi lên lớp 10, cậu xin đi phục vụ nhà hàng để kiếm thêm tiền giúp đỡ ông bà nội.
Đó là ở lớp võ, còn trên lớp học tại trường cấp hai Duyên Thái, thầy Nam cũng luôn tôn trọng học sinh, coi học sinh là bạn để hiểu chúng hơn.
“Đối với môn Tin học mà tôi dạy, thì tôi đưa những bài toán thực tế, công nghệ vào cho học sinh. Tôi đặt cho học sinh vấn đề và yêu cầu các em về nhà tìm hiểu để làm bài, nếu ai làm được thì đạt điểm cao. Tôi đánh giá học sinh dựa trên sự công bằng”, thầy Nam chia sẻ.
Một thầy giáo năng nổ
Không chỉ tham gia công tác giảng dạy, thầy Nam còn năng nổ tham gia các hoạt động xã hội khác. Từ năm 2017-2021, thầy Nam là Bí thư đoàn trường Trung học cơ sở Duyên Thái (vừa qua thầy Nam đã nghỉ Bí thư đoàn trường) và có 1 năm làm Tổng phụ trách Liên đội của trường.
Mùa hè năm 2018, thầy Hoài Nam đưa ra ý tưởng và cùng bàn bạc với Ban Thường vụ Đoàn xã Duyên Thái tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở ao xóm Trầm, nhằm phòng chống tai nạn đuối nước. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ đông đảo bà con nhân dân trong xã và đến nay phong trào này vẫn hoạt động vào mỗi dịp hè.
Hay đó còn là những hoạt động thiện nguyện khác như rửa xe gây quỹ từ thiện được 4,8 triệu đồng để ủng hộ các em học sinh Trung học cơ sở Duyên Thái có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp 14,5 triệu đồng và sách cho 26 hộ gia đình và 15 em học sinh là con em quê hương xã Duyên Thái lên sinh sống, lập nghiệp ở huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn.
Năm 2018, thầy Hoài Nam được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu người tốt việc tốt. Bên cạnh đó, thầy Nam còn nhận được nhiều giấy khen của huyện Thường Tín, xã Duyên Thái, trường Trung học cơ sở Duyên Thái vì những đóng góp cho quê nhà.
Nói về mong ước tương lai, nam giáo viên chia sẻ, đối với lớp võ miễn phí, thầy Nam muốn lan tỏa quan điểm thể dục thể thao đến tất cả mọi người để cho học sinh tránh được việc bị cận thị, lưng gù hay thậm chí là tâm thần do dùng điện thoại, máy tính quá nhiều.
“Tôi hi vọng võ thuật và thể dục dụng cụ được đưa vào chương trình giảng dạy trong trường học cho các học sinh”, thầy giáo Đỗ Hoài Nam chia sẻ.
Chia sẻ về gia đình, thầy Nam cho hay anh chưa lập gia đình, tương lai khi chọn vợ, anh sẽ chọn người con gái hiểu và chia sẻ với công việc của mình hiện tại.
Nói về hoạt động lớp võ miễn phí của thầy Nam, ông Nguyễn Khắc Đại một người trong xã cho hay, ông rất ủng hoạt động cộng đồng của thầy Nam, việc này giúp cho các học sinh, sinh viên phát triển được năng khiếu, thế mạnh của bản thân về võ thuật, thể dục dụng cụ.
“Từ ngày Nam chuyển lớp võ xuống khu vực sân chơi xóm Trầm để tập luyện, thầy Nam có đề xuất được gửi đồ đạc tập võ vào nhà tôi, tôi ủng hộ luôn. Hoạt động này giúp cho học sinh rèn luyện sức khỏe, nâng cao tính kỉ luật”, ông Đại chia sẻ.
Là một học sinh tham gia lớp võ được 2 năm, em Đặng Đức Lộc (học sinh trường Trung học cơ sở Duyên Thái) cho biết, trong thời gian tập luyện võ thuật thì em phát hiện mình có sở thích môn Thể dục dụng cụ nên tham gia môn này nhiều hơn.
“Thầy Nam chỉ bảo bọn em rất tận tình, thầy rất thân thiện nhưng nghiêm khắc trong học tập giúp chúng em phát triển cả nhân cách”, Lộc chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự