Những yêu quý nhất đời
Nếu mỗi ngày bước ra khỏi cửa nhà, bạn vẫn còn được nghe tiếng nói của mẹ với theo: "Nhớ mang áo mưa", "Cơm hộp để trên bàn", "Xem áo khoác bỏ cốp xe chưa"... Thì xin chúc mừng, bạn đang là một trong những người hạnh phúc nhất thế giới.
Thành Khoa cũng thế. Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, Khoa lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ. Kí ức tuổi thơ của cậu có đôi tay mẹ dìu dắt trong những ngày đầu đến trường, vỗ về mỗi khi đau ốm.
Cô Ngọc Chinh (mẹ của Khoa) chia sẻ: "Ngay từ nhỏ, tôi luôn muốn dạy các con những điều tử tế nhỏ nhất từ cuộc sống xung quanh. Như hãy dừng lại giúp đỡ khi thấy ai ngã trên đường, mang vỏ chuối, túi nilon đi vứt để tránh làm người khác trượt té". Có lẽ vậy mà lớn lên, Khoa lại là gương mặt quen thuộc của nhiều chuyến thiện nguyện lớn nhỏ.
Tháng 8/2020 đánh dấu cột mốc đáng nhớ của thành thành phố Đà Nẵng. 99 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, người dân cả nước đang tận hưởng nhịp sống “bình thường mới”.
Thế nhưng sự xuất hiện của ca nhiễm số 416 đã khiến mọi thứ như tạm dừng lại. Số người nhiễm tăng dần theo từng ngày, người dân không khỏi lo lắng và Đà Nẵng chính thứ bước vào một “cuộc chiến mới” với COVID-19. Phố xá không bóng người, những bãi biển lặng im, các khu cách li tập trung được thiết lập, Thành Khoa là một trong những tình nguyện viên trong đợt dịch ấy.
Khi dịch bệnh trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của người Đà Nẵng, cô Ngọc Chinh lại nghe con trai mình thông báo muốn được trở thành tình nguyện viên trong khi cách li.
Tin nhắn của Khoa xin làm tình nguyện viên.
Trong đầu mẹ Khoa lúc ấy là hàng trăm nỗi lo, hàng nghìn cảm xúc. Hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân F1 nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao, Khoa sẽ sống thế nào trong khu cách li, nếu lỡ bị mắc COVID-19 thì thế nào... Và đương nhiên, với bản năng của người làm mẹ, bà đã từ chối. Khoa chia sẻ: "Lúc mình báo sẽ đi, mẹ phản đối dữ dội lắm. Khi ấy, nhắc đến COVID-19 ai cũng có nỗi sợ, đặc biệt là khi mình xin vào khu cách li".
Nhưng rồi sau thời gian dài thuyết phục, động viên, mẹ Khoa cũng gật đầu trước câu nói của con: "Nếu ai cũng ở nhà thì ai sẽ đi chống dịch hả mẹ? Dù biết công sức của con rất nhỏ, nhưng nó sẽ góp phần tạo nên sức mạnh, lời động viên cho những ai cần".
"Thưa mẹ, con đi"
Trải qua nhiều đợt dịch bệnh, Khoa đã nhiều lần xin vào đội ngũ tình nguyện viên. Trước ngày Khoa đi, mẹ cậu cũng trải qua vô vàn cảm xúc khác nhau. Có lo lắng, có hồi hộp, có sợ, có sự tin tưởng, có niềm yêu thương... Bà chuẩn bị từng chiếc áo, từng tấm khăn, từng chai dầu gội. "Thưa mẹ, con đi" là câu nói trước khi Khoa đẩy vali ra khỏi nhà.
Thành Khoa chia sẻ thêm: "Lớn lên với vòng tay mẹ, ai trong anh em tụi mình cũng rất lo lắng cho gia đình. Nhưng càng lo lắng, mình lại càng thận trọng hơn trong công việc, hạn chế khả năng mình bị nhiễm và để gia đình yên tâm hơn.
Khi mình tham gia vào công tác tình nguyện chống dịch thì được gặp gỡ quen biết nhiều bạn bè, các anh chị cũng như các y bác sĩ.
Sau những giờ làm việc, mình có cơ hội được lắng nghe về cuộc sống của mỗi người, được hiểu hơn về họ. Sau mỗi chuyến đi, mình có thêm được nhiều bạn bè. Khi hết dịch, ra ngoài cuộc sống, mình vô tình gặp lại các cô chú đã từng là F1 được tụi mình phục vụ, họ nhận ra mình, chào mình và mời mình vào nhà chơi, nói lời cảm ơn. Đó là những điều rất quý giá".
Ở khu cách li, có nhiều lương thực, thức ăn nhưng đối với Khoa, món mẹ nấu luôn là món ăn ngon nhất. "Có những ngày mình cảm thấy rất thèm món ăn mẹ nấu. Gọi về nhà chia sẻ, mẹ nói con về mẹ sẽ nấu cho ăn, nhưng ngay hôm sau mẹ đã nấu và gửi vào khu cách li cho mình. Bao nhiêu mệt mỏi như dần tan biến hết!", Khoa tâm sự.
Trong suốt quá trình ở khu cách li, mẹ Khoa không ngày nào là không lo lắng. Bởi nhỡ với một chút sơ sót, con mình có thể mắc COVID-19 thì sao. Những ngày Đà Nẵng "căng mình" chống dịch, các khu chợ được triển khai hình thức tem phiếu để hạn chế số lượng người quá đông đúc, hàng quán đóng cửa. Mỗi lần bước ra khỏi nhà, bà luôn cố gắng lắng nghe tình hình tại những khu cách li, số ca mắc, số ca bị lây nhiễm...
Phập phồng lo sợ là thế, nhưng bao giờ gọi điện cho con, bà cũng dành những lời động viên, sự san sẻ. Chống dịch ở Đà Nẵng là một hành trình dài, có sự đóng góp, nỗ lực của biết bao người. Và Khoa lại khiến mẹ có thể mỉm cười khi biết con mình là một phần trong đó.
"Khoa là đứa sống rất tình cảm. Có lần, tôi thấy Khoa khệ nệ mang về nhà một túi bánh lớn. Mỗi tối, Khoa cho bánh vào từng túi nhỏ, bỏ vào đó một vài lời chúc được viết ra giấy. Rồi anh chàng lại dong xe, đạp qua các phố phường để tặng cho người khó khăn, các cô bác chạy xe ôm, bán vé số... Tôi hạnh phúc khi thấy con trưởng thành từng ngày, có tấm lòng với mọi người xung quanh", cô Ngọc Chinh chia sẻ thêm.
Như hàng triệu người mẹ khác trên đời, cô Ngọc Chinh cũng đã mang bao lo lắng khi thấy con đi vào nơi nguy hiểm, nhưng cũng hạnh phúc khi chứng kiến từng bước chân trưởng thành của con. Mỗi lần Khoa trở về nhà, điều đầu tiên cậu làm luôn là lời cảm ơn mẹ. Bởi trái tim ấm áp của mẹ, chính là là điều vĩ đại nhất trên đời.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự