Anh thợ cắt tóc 'nhận lương' bằng nụ cười: 'Ai cũng có thể tô điểm cho cuộc đời bằng những điều thật đẹp'

Thứ năm - 06/05/2021 21:23
Anh thợ cắt tóc tên Nguyễn Trung Dũng cứ miệt mài đi từ vùng núi hẻo lánh này đến vỉa hè nọ để phục vụ bà con nghèo.
Anh thợ cắt tóc 'nhận lương' bằng nụ cười: 'Ai cũng có thể tô điểm cho cuộc đời bằng những điều thật đẹp'

Góc nhỏ yêu thương giữa lòng Đà Nẵng

9 giờ sáng, trời Đà Nẵng hanh nắng, góc công viên 23/9 nhộn nhịp người qua lại. Đó cũng là lúc anh Nguyễn Trung Dũng cùng với các học viên của mình bắt đầu bày biện "tiệm tóc 0 đồng" ra để phục vụ bà con. 

"Khách hàng" của tiệm cũng thật đặc biệt, chú bán vé số cách đó hai ngã tư, anh chạy xe ôm, cô nhặt ve chai, đứa học trò nghèo... Cửa tiệm rộn ràng tiếng cười nói, nhộn nhịp niềm vui. Anh Dũng giũ mạnh chiếc khăn choàng, chải chuốt lại những mái đầu cho sạch sẽ, tươm tất rồi "nhận lương" bằng nụ cười của người dân. Công việc này được nhóm anh Dũng duy trì vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần.

1

Anh Dũng lớn lên ở vùng biển Quảng Bình. Kí ức thời thơ bé của anh gói ghém trong những chiếc xe cắt tóc "di động". Không có các cửa tiệm, quê anh chỉ có những bác cắt tóc dạo. Mỗi lần muốn tỉa tót mái tóc ngắn hơn, anh phải đợi đến khi các bác đi ngang.

1

Anh nhớ lại: "Mình nhớ như in hình ảnh bác cắt tóc đạp xe thong dong qua các nẻo đường quê. Khi được khách gọi, bác sẽ đặt chiếc ghế ở gốc cây cho khách ngồi cắt. Dụng cụ khi ấy cũng khá thô sơ, chiếc kéo sắt loại dùng để cắt vải, tông đơ bóp tay... Kỉ niệm tuổi thơ đó đã theo mình lớn lên. Học hết lớp 12, mình "rẽ" sang nghề tóc. Đối với mình, người giàu hay người nghèo, ai cũng xứng đáng có được mái tóc sạch sẽ, tươm tất. Điều này khiến mình ấp ủ những "tiệm tóc di động" đi phục vụ cho bà con nghèo, không có điều kiện làm tóc".

"Tiệm tóc 0 đồng" trên mọi nẻo đường

1

Không chỉ ở Đà Nẵng, trước đó anh còn cùng nhóm của mình thực hiện các chương trình cắt tóc miễn phí tại Bình Thuận, Quảng Nam, TP.HCM... Mỗi nơi anh đi qua đều để lại kỉ niệm đáng nhớ. 

Anh kể: "Trên vai anh em là bộ đồ nghề, chúng mình đã ngang dọc nhiều nẻo đường trên khắp đất nước. Đáng nhớ nhất là những em bé người dân tộc ở Bình Thuận, ở vùng núi cao Nam Trà My (Quảng Nam). Do trước giờ, các em chưa từng được ngồi vào cửa tiệm nào để cắt tóc nên gặp bọn mình có nhiều em sợ trông thương lắm. Hoặc có những em do chưa quen được cắt tóc nên không chịu ngồi yên, cứ loay hoay mãi. Đối với mình, thợ cắt tóc có tâm là phải thực hiện mọi thao tác chỉn chu, cho người được cắt cảm thấy dễ chịu, thoải mái nhất".

1

Hay có những lúc, anh cùng nhóm len lỏi vào các khu chung cư nơi có nhiều hộ gia đình có khó khăn đang sinh sống để hỗ trợ họ. "Nhiều người thấy bọn mình đứng đó, ngại không dám vào. Mình phải chủ động bắt chuyện, mời họ vào cắt. Mỗi lần thực hiện xong một mái tóc, thấy họ sảng khoái, dễ chịu, hay nở nụ cười với kiểu tóc mới thì anh em ai cũng thấy vui trong lòng. Theo mình, bất kì nghề nào trong xã hội cũng có thể điểm tô cho cuộc sống này bằng những điều thật đẹp, chỉ cần bạn có tấm lòng chân thật.

Mình tin rằng những điều từ trái tim sẽ đến được trái tim. Như lần nọ, mình cắt tóc cho một ông bác đi bộ đến cắt tóc tại công viên ở Đà Nẵng. Cắt xong, bác gửi tiền lại cho bọn mình nhưng không ai lấy. Một lát sau, bác quay lại trên tay cầm 4,5 hộp cơm tặng bọn mình. Bác còn nói dành tặng cho các cháu phải đứng cả ngày vừa đói, vừa mệt. Món quà nhỏ bé ấy đã khiến mọi người rất xúc động, cảm kích". 

Chuyện về nghề của anh Dũng

Có những mảnh đời khó khăn đến mức việc ngồi vào tiệm cắt tóc thôi cũng là một điều xa xỉ. Hiểu được điều đó, anh Dũng đã mang "tiệm 0 đồng" của mình đến với những cô chú, anh chị, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Anh chia sẻ: "Thỉnh thoảng, mình vẫn nhận được những bình luận trái chiều như cắt tóc miễn phí là "cắt cho có", hoặc cắt không cần đẹp... Mình thấy sai lắm! Bất kì nghề nào cũng có đạo đức nghề nghiệp riêng. Đối với nhóm, mình luôn dành thời gian quan sát các anh em học viên cắt cho khách. Bất kì ai cũng xứng đáng có mái tóc gọn gàng, tươm tất và ưng ý. Để khi bước ra khỏi chiếc ghế cắt tóc, họ thấy tự tin hơn, yêu đời hơn".

1

Có những ngày trời nắng như đổ lửa, "tiệm tóc 0 đồng" của anh vẫn hoạt động để phục vụ bà con. Hồi trẻ, anh Dũng hay theo những chuyến xe thiện nguyện của các đoàn từ TP.HCM đi những tỉnh vùng sâu, vùng xa để phục vụ bà con. 

"Mình không có khái niệm "cắt tóc từ thiện", mà khi họ ngồi vào chiếc ghế cắt tóc, họ là khách của mình. Vì vậy, mình rất tôn trọng họ, từ em bé vùng núi cao, cho đến anh chạy xe ôm, cô thu ve chai... Họ đều là "khách hàng" đáng quý. Cắt ở công viên không đầy đủ tiện nghi, được xả tóc, sấy tóc như ở tiệm, đa phần mình sẽ phủi sạch sẽ cho họ đi làm luôn. Mỗi ngày, nhóm hoạt động từ 9 giờ đến 3,4 giờ chiều, phục vụ được khoảng 40-50 người một ngày.

1

Mỗi khi thực hiện được mái tóc gọn gàng, sạch sẽ, được thấy họ hân hoan là mình càng cảm thấy yêu nghề, càng muốn gắn bó với nghề nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, mình mong muốn rằng "tiệm tóc 0 đồng" này sẽ góp được một hình ảnh đẹp cho thành phố Đà Nẵng, truyền cảm hứng cho mọi người hãy yêu thương và san sẻ với nhau nhiều hơn nữa".

1

Nếu theo dõi tuyến bài Chuyện nghề trên SAOStar, bạn sẽ biết về chàng lính cứu hỏa xông pha vào biển lửa, cô nhân viên hàng chục năm lặng thầm chăm sóc thú trong công viên, hay có anh thợ cắt tóc cứ miệt mài đi từ vùng núi hẻo lánh này đến vỉa hè nọ để phục vụ bà con nghèo. Họ khiến chúng ta tin rằng, bất kì nghề nào trong xã hội cũng có thể điểm tô cho cuộc đời bằng những điều thật đẹp.

Theo Saostar.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây