Nghe về hoàn cảnh khó khăn của nhiều người dân khu vực phong tỏa, đặc biệt là những công nhân ở trọ bị mắc kẹt, Nguyễn Văn Tự (sinh năm 1985, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng) bồn chồn không yên.
Ngày 18/5, anh quyết định đứng ra nấu khoảng 400 suất cơm, tặng những người khó khăn, cần kíp trong khu vực. Vì là hành động tự phát, anh thông báo trên trang cá nhân, nhờ người thân thông báo đến các khu trọ công nhân để mọi người được biết.
|
"Tôi vốn kinh doanh quán ăn nên dụng cụ đựng hay bếp có sẵn. Tuy nhiên, tiền nguyên vật liệu đều do tôi bỏ tiền ra chi trả", anh Tự nói với Zing.
Nghe về hoạt động ý nghĩa, một số hàng xóm, bạn bè và người thân cũng đến phụ giúp ông chủ quán cơm. Từ 5h, mọi người đã bắt đầu sơ chế lượng lớn rau củ, thịt cá rồi tiến hành nấu nướng cho kịp phát cơm vào khoảng 10h.
Ngoài mong đợi, 400 suất ăn anh Tự và mọi người chuẩn bị nhanh chóng được phân phát hết trong ngày đầu tiên.
Thậm chí, vì hơi "ngợp", anh định tạm nghỉ vào ngày 19/5, đợi hôm sau tiếp tục thì bao cuộc gọi, tin nhắn xin cứu giúp dội về khiến anh không đành lòng.
"Nhiều công nhân tội lắm. Họ là người từ tỉnh khác về làm việc, không có người thân ở đây. Việc phong tỏa gấp khiến nhiều người lâm vào tình cảnh khó khăn, có người kể mấy ngày qua toàn ăn mì tôm trừ bữa".
Cũng sau lần phát cơm đầu tiên, một số nhà hảo tâm biết đến hoạt động nên quyên góp chút tiền, nguyên liệu phụ anh Tự.
Các món ăn được chia nhỏ vào hộp cùng cơm nóng, phát tặng mọi người.
Ngày thứ 2 của hoạt động, nhóm anh Tự nấu kỷ lục 850 suất, chia làm 2 bữa, sáng 600, chiều 250. Mọi người có gì nấu nấy, thịt kho, rau xào, đậu rán, cá sốt... khoảng 20 món được xếp ngay ngắn, đầy ắp trên bàn đợi chia nhỏ cùng cơm.
Vì địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, anh Tự cũng khuyến cáo mọi người hạn chế tập trung, bố trí giãn khung giờ phát cơm cho từng khu vực. Anh cũng nhờ các chủ khu trọ đại diện đến lấy các suất ăn về phát cho công nhân.
"Có lúc cơm đã hết mà vẫn có người nhắn tin xin đồ ăn, tôi lấy luôn chỗ bún còn lại của quán cho mọi người, hy vọng có thể giúp họ qua bữa".
Không thể kinh doanh từ khi thực hiện giãn cách xã hội, nguồn thu nhập của anh Tự cũng bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, dù có lòng, anh sợ không thể tiếp tục được hoạt động tặng cơm quá lâu. Anh dự kiến duy trì trong vài ngày tới, ưu tiên những người chưa được nhận trong 2 ngày qua rồi tính tiếp.
"Có thể giúp được mọi người, dù là qua cơn đói 1, 2 ngày, tôi cũng rất vui. Phần lớn người dân, công nhân ở đây còn khó khăn, chẳng mấy ai có tiền tiết kiệm để xoay xở trong hoàn cảnh thế này. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi người trở lại nhịp sống cũ", anh bày tỏ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự