Quả là lời tiên đoán trúng phóc! Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh, mở đầu triều Lê, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Viêt Nam. Ông lúc đó 43 tuổi, xưng là “Thuận thiên thừa vận Duệ văn Anh vũ đại vương”, đặt tên nước là Đại Việt, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban bài Cáo Bình Ngô.
Theo sử sách, Lưu Thanh là một trong những viên tướng của nhà Minh, từng nhiều phen đem quân đi đàn áp Lê Lợi. Năm 1427, Lưu Thanh là chỉ huy đồn Tam Giang. Giữa năm 1427, có một sự kiện khá độc đáo, gắn liền với vị tướng giặc này, đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư chép lại như sau: “Tháng 6, bọn Chỉ huy sứ (của quân Minh) là Lưu Thanh đóng ở đồn Tam Giang ra hàng. Nguyên trước kia, bọn lính Tam Giang từng vào Thanh Hóa để đánh Lam Sơn theo lệnh điều động của quan Tổng binh. Bại trận trở về, có tên ngụy binh buông lời khinh mạn nhà vua (tức Lê Lợi). Lưu Thanh liền mắng: Thằng man di vô lễ. Ông ấy (chỉ Lê Lợi) sẽ là Hoàng đế của chúng mày đấy…”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng, Vua nổi dậy, nghĩa binh đi tới đâu là quân Minh thua chạy đến đấy, nhưng đó có phải là vì quân ta đông mà quân giặc ít đâu? Đó cũng có phải là vì quân ta mạnh mà quân địch yếu đâu? Tất cả chỉ là vì đức của Vua hiệp với lẽ của trời, trời giúp Vua, Vua lại làm đẹp lòng người nên người theo về đó thôi. Bấy giờ, không những chỉ có người nước ta vui lòng theo phục, mà cả đến bọn phản nghịch cũng tôn kính, cho nên chúng không còn ý chí chiến đấu, cùng nhau ra hàng là phải lắm. Thì việc dấy quân nhân nghĩa của Vua nào có kém gì công trạng rực rỡ của Thang, Võ trước kia ? Và việc làm này của tướng Lưu Thanh càng tỏ rõ uy đức của Vua lớn lắm.
Trong khi đó, Nguyễn Khắc Thuần cũng viết trong Việt sử giai thoại: Lẽ được thua của Lê Lợi, sử thần Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn. Góp lời thô thiển với Ngô Sĩ Liên là vô lễ với bậc đại trí. Tuy nhiên, để hiểu thêm lời bàn của Ngô Sĩ Liên, có lẽ cũng phải cần ghi thêm một chú thích nhỏ: Thang, Võ tức vua Thang và vua Võ. Thang là Thành Thang, người đã diệt vua Kiệt tàn bạo của nhà Hạ mà lập ra nhà Thương (còn gọi là nhà Ân) của Trung Qu6c. Võ là Võ Vương, người đã diệt vua Trụ cũng rất tàn bạo của nhà Thương mà lập ra nhà Chu. Thang và Võ là hai vị vua cổ đại của Trung Quốc, rất được Nho gia tôn kính… Từ đó thấy được, uy đức của Lê Lợi to lớn và mạnh mẽ thay!
Lê Lợi sinh ngày 10/9/1385 tại Lam Sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình “đời đời làm quân trưởng một phương”. Năm Lê Lợi 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách. Rồi sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Mặc dù ở ngôi ngắn ngủi được có 6 năm nhưng những việc làm của ông vua này có ý nghĩa đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nên độc lập phồn vinh của quốc gia Đại Việt. Việc làm đầu tiên của Lê Thái Tổ là bàn định luật lệnh. Và nhờ cố gắng đó, hai năm sau (1430), Lê Thái Tổ đă cho ban hành những điều luật đầu tiên của triều đại mình.
Lê Thái Tổ đã chia đơn vị hành chính Đại Việt thành 5 đạo, đặt các chức vệ quân, tổng quản, hành khiển… Bộ máy hành chính này ngày càng được hoàn chỉnh vào các đời vua sau, nó thực sự giúp cho việc quản lý và điều hành đất nước. Nhà vua cũng đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp. Ngay từ năm đầu lên ngôi, ông đă cho kiểm kê hộ khẩu, làm sổ điền, sổ hộ, đặt cơ sở để tiến hành chế độ quân điền.
Để tuyển chọn nhân tài và củng cố bộ máy cai trị, nhà Lê không chỉ quan tâm đến việc cầu hiền bằng cách tiến cử mà còn đặt ra các khoa thi. Sau một năm khi lên ngôi vua, Lê Thái Tổ đã cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, thi khoa Hoành từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách…
Nhằm bình định và củng cố miền biên cương phía Bắc và Tây Bắc, Lê Thái Tổ từng đích thân cầm quân tiến thẳng vào tận sào huyệt một lực lượng chống đối, đặt đất đó thành châu huyện và ghi vào bản đồ quốc gia. Còn về mặt đối ngoại, Lê Thái Tổ nhiều lần cử các đoàn sứ bộ sang Trung Quốc để đặt mối giao bang bình thường với nhà Minh, khéo léo giải quyết những sách nhiễu của nhà Minh về việc lập con cháu nhà Trần và vấn đề tù binh chiến tranh…
Có thể nói, bên cạnh những công lao to lớn, Lê Thái Tổ cũng phạm một số sai lầm mà sử sách đương thời đã thẳng thắn phê phán. “Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp. Song, đa nghi, hay giết, đó là chỗ kém”, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Theo Đất Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự