Từ đầu tháng 6 đến nay, cứ đến thứ Sáu cuối tuần, trước Ban Bảo vệ dân phố phường 3 (quận Tân Bình) lại nhộn nhịp hẳn khi mô hình xe “Bánh mì 2.000 đồng” đi vào hoạt động.
Sau khi mua được ổ bánh mì thịt, bà Trinh nhanh chóng bắt tay vào việc. "Ước mong ngày nào cũng có bánh mì 2.000 đồng để tôi được ăn no, có sức làm việc" - bà tâm sự.
Các cán bộ ở nhiều đoàn thể như Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên, Hội LHPN phường 3 liên tục xắt thịt, chả, hành, dưa leo… nhét đầy ổ bánh mì, bán với giá 2.000 đồng. Khách hàng đều là những người lao động khó khăn, học sinh, sinh viên...
Đây là mô hình trên do Hội Chữ thập đỏ cùng các đoàn thể phường 3, quận Tân Bình thực hiện. Mỗi lần, khoảng hơn 200 ổ bánh mì nhanh chóng bán hết chỉ trong vòng một giờ đồng hồ khi mở bán.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 3, bà Lê thị Tuyết Mai cho biết: “Để hỗ trợ người lao động, công nhân khó khăn có được bữa ăn sáng với chi phí thấp, có thêm kinh phí dành dụm cho gia đình, chúng tôi đã lập ra xe bánh mì này. Bán bánh mì với giá hỗ trợ để người mua không cảm thấy ngại khi đến nhận bánh. Mô hình được duy trì vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Chúng tôi cũng sẽ tăng số lượng bánh trong những lần tới để ai cũng có thể mua được”.
Quán cháo "1.000 đồng" có cái tên dễ thương "Về đây em" nằm ở địa chỉ 221/10 Phan Văn Khỏe (phường 5, quận 6, TPHCM). Tại đây, vợ chồng ông Phan Công Minh (68 tuổi) luôn tay kho thịt, làm cá, nấu cháo... để phục vụ khách mỗi buổi chiều. Được biết khi mở quán vào năm 2003, giá bán mỗi tô cháo trắng là 500 đồng, nhưng đến năm 2012, tờ 500 đồng không còn phổ biến nên ông bà thống nhất tăng giá bán lên 1.000 đồng/tô và giữ giá đó đến bây giờ.
Tại đây, một tô cháo trắng giá 1.000 đồng, các món ăn kèm, khách tùy chọn như trứng vịt muối, dưa mắm, kho quẹt, cá kho… dao động 2.000-10.000 đồng. Khách của quán đa số là công nhân, người bán vé số, nhặt ve chai, thợ hồ, học sinh, sinh viên… Sau này cũng có cả những người thu nhập khá hơn tới ăn. Theo khách ăn cháo, đây là quán cháo “bao no” vì giá rẻ, đến là no bụng.
Ông Minh tâm sự, gia đình ông cũng từng có giai đoạn khó khăn nên thấu hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của người lao động, sinh viên… Dù bán ít lời nhưng thấy ai cũng khen ngon miệng, no bụng thì ông cũng thấy hạnh phúc.
“Mỗi đợt xăng lên giá, thịt trứng lên theo, khách hỏi tôi có tăng giá bán cháo không? Nói thật, tôi không có ý thay đổi gì cả. Xăng dầu tăng nhưng giá gạo không lên, mình cũng không tốn tiền thuê mặt bằng, nhân viên nên chúng tôi muốn bán rẻ cho mọi người ăn no bụng. Nếu cần, tôi giảm lượng thức ăn kèm, giữ nguyên giá để phục vụ bà con” - ông Minh nói.
Trong khi đó, quán Bún mắm trên đường Hoa Sứ (quận Phú Nhuận) còn treo hẳn biển “Quán không tăng giá” ngay trước tiệm tạo nhiều thiện cảm với thực khách.
Chị Nguyễn Thị Minh, quản lý quán bún mắm cho biết, từ khi xăng tăng giá kỷ lục lên 30.000 đồng/lít thì nguyên liệu đều tăng theo từ 30-50%. “Mặc dù chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn nhất quyết không tăng giá trong suốt 2 năm qua. Muốn giữ giá, chúng tôi mỗi ngày đều đến chợ đầu mối để mua thực phẩm giá sỉ, liên hệ với nhà vườn để mua thực phẩm trực tiếp không thông qua thương lái. Thôi thì mình lời ít lại một chút để giữ khách, cũng là chung tay giúp khách hàng yên tâm khi đến ăn uống” - chị Minh trải lòng.
Theo Tienphong online