Ai cũng muốn an vui và hạnh phúc

Thứ ba - 30/11/2021 15:29
Con người sống trên đời ai cũng muốn sống an vui hạnh phúc và không ai muốn mình sống đau khổ.
"Kẻ thù đích thực của ta không phải ở ngoài ta mà là ở trong ta".
"Kẻ thù đích thực của ta không phải ở ngoài ta mà là ở trong ta".

Người cũng muốn an vui hạnh phúc, đó là chỗ gặp nhau. Dựa trên điểm chung này chúng ta có thể dễ dàng đến gần nhau hơn, nhưng người đời hầu như không tìm thấy được ý nghĩa này. Chính do mê lầm chấp ngã, chỉ thấy mình không thấy người nên trở thành ngăn cách. Chúng ta chỉ thấy có mình muốn vui, mình muốn hạnh phúc và chỉ mình mới được vui được hạnh phúc mà không cần biết đến người, đó là chỗ không thể gặp nhau.

Sống như vậy là thu hẹp lại bản thân, là rào cản ngăn cách với mọi người, mà sống ngăn cách với người thì đâu có vui gì! Tức là mình chỉ biết có mình vui, thành ra cái vui của mình cũng nhỏ hẹp, vì thiếu người cùng vui với mình.

Thời Phật, có ông trưởng giả giàu sang nhưng rất keo kiệt. Một hôm, ông thèm một bữa ăn ngon mới sai vợ giết con gà làm thức ăn. Ông lại sợ người thấy rồi xin bớt nên bảo đóng cửa kín để hai vợ chồng với đứa con nhỏ ngồi ăn thôi.

Phật biết ông có túc duyên nên đến giáo hóa. Ngài đến nhà ông khất thực và dùng thần thông hiện đứng trước bàn ăn của ông. Thấy vậy, ông bực bội nói: "Ông là tu sĩ mà không biết hổ thẹn, nhà người ta đang ăn uống sao lại đường đột đi vào đây?". Vị Sa-môn do Phật hóa ra đáp:

- Ông mới thật ngu si không biết hổ thẹn, tôi là khất sĩ (người đi xin) thì đâu có gì mà hổ thẹn.

Ông hỏi lại:

- Sao tôi phải hổ thẹn chứ?

Vị Sa-môn đáp:

- Con gà mà ông đang ăn đời trước là cha ông, còn vợ ông hiện tại đời trước là mẹ của ông; và đứa con là oan gia mà ông không biết nên tôi mới nói ông không biết hổ thẹn.

Vị Sa-môn bèn dùng thần thông khiến Trưởng giả nhớ lại đời trước, ông tỉnh ngộ mới ngồi nghe thuyết pháp và ngay đó đắc đạo.

Để thấy người giàu sang có của cải mà lòng keo kiệt, nhỏ hẹp nên chỉ biết cái vui của mình, ăn mà đóng cửa lại sợ người ta thấy xin bớt thì đâu có vui gì! Trong khi đó, có những người tuy nghèo nhưng tâm rộng rãi nên cuộc sống thoải mái.

Như câu chuyện được kể trong quyển Hoa Sen Trong Tuyết về bà già đi ăn xin. Xin được khúc bánh mì thừa, bà đang cầm ăn thì thấy con chó ngoắc đuôi xin, bà liền bẻ làm đôi cho nó, cả hai ăn vui vẻ. Tuy nghèo nhưng tâm hồn cởi mở, vậy cuộc sống nào vui hơn?

Cho nên, chúng ta cần phải hiểu tinh thần này để mở rộng lòng khiến cuộc sống thêm vui vẻ. Phải cởi mở bớt cái ta nhỏ hẹp này để sống gần nhau. "Nếu ai cũng muốn an vui, tại sao lại làm cho nhau đau khổ?", đây là điều mỗi người phải suy nghĩ lại.

Chẳng hạn như khi chúng ta nổi sân không làm chủ liền nói ra những lời làm tổn thương ai đó, liền phải quán xét ngược trở lại: "Nếu trường hợp người nói lời ấy với mình thì mình sẽ nghĩ sao?". Nhờ vậy mới có sự cảm thông và bớt làm tổn thương cho nhau.

1
Con người sống trên đời ai cũng muốn sống an vui hạnh phúc và không ai muốn mình sống đau khổ.

Thông thường khi chúng ta giận tức ai liền muốn làm cho người đó khổ, nói cho người ta khổ, nhưng khi người ta khổ thì mình được vui sướng gì? Đâu ngờ khi làm cho người ta khổ tưởng là mình được vui, nhưng chính chúng ta là người khổ trước mà không hay. Bởi vì khi giận tức là tâm mình bứt rứt nóng nảy thì tự khổ trước người kia rồi. Lúc đó, nếu ai tỉnh táo đến soi gương xem gương mặt mình thế nào? Có tức cười không?

Có câu: "Kẻ thù đích thực của ta không phải ở ngoài ta mà là ở trong ta". Kẻ thù là người hại mình thì có phải là kẻ thù của mình không? Vậy mà chúng ta không biết lại nuôi kẻ thù. Cho nên cần trừ kẻ thù trong tâm thì mới giải quyết tận gốc, khi hết hận thù sẽ được an vui

Theo Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây