Phẩm cách của bậc quân tử: làm người, làm việc cốt ở hai chữ này

Thứ ba - 21/03/2023 16:15
Chúng ta đều biết, hạt giống chỉ có ở thời điểm thích hợp mới có thể nảy mầm; bông hoa chỉ có ở thời điểm thích hợp mới có thể nở rộ; rất nhiều lời chỉ có ở thời điểm thích hợp mới có thể nói ra; rất nhiều việc chỉ có ở thời điểm thích hợp mới có thể làm thành… Kỳ thực, vạn sự vạn vật trên thế gian đều tồn tại một điểm này, điểm này chính là “thích hợp”.
Phẩm cách của bậc quân tử: làm người, làm việc cốt ở hai chữ này

Phùng Mộng Long, nhà văn nổi tiếng đời nhà Minh, từng nói: “Sự vật, khi thăng lên đến cực điểm thì sẽ có dấu hiệu đi xuống, và khi xuống thấp đến cực điểm rồi thì sẽ có dấu hiệu thăng lên, mọi thứ đều như vậy cả”. Có thể thấy, điểm này cũng là tốt nhất. Bởi vậy, từ ý nghĩa này mà nói, “thích hợp” chính là tên gọi khác của tốt nhất, cũng chính là phẩm hạnh của người quân tử.

Tuy nhiên trong cuộc sống, rất nhiều người thường không để hai chữ “thích hợp” này ở trong tâm.

Trong “Sử Ký” có ghi chép về một người như vậy. Năm xưa, anh ta với Trần Thắng cùng được người ta thuê cày ruộng. Sau này, sau khi Trần Thắng xưng vương, người này đến gõ cửa hoàng cung, nói rằng: “Tôi muốn gặp Trần Thắng”. Quân lính canh giữ hoàng cung không cho anh ta vào. Khi Trần Vương ra ngoài, anh ta đứng bên đường gọi tên Trần Thắng, Trần Vương nghe thấy liền cho triệu kiến anh ta và đưa anh ta trở về hoàng cung. Sau khi vào cung, nhìn thấy phòng ốc khang trang, màn trướng lộng lẫy, anh ta thốt lên: “Thật không ngờ, Trần Thắng ông sau khi xưng vương rồi, nơi ăn chốn ở thật là nguy nga lộng lẫy!”. Người này từ đó tự tiện ra vào hoàng cung, thường kể cho mọi người những chuyện khi xưa của Trần Thắng. Có người tâu với Trần Thắng rằng: “Người khách của ngài thật là ngu muội vô tri, suốt ngày ăn nói lung tung tổn hại tới uy danh ngài”. Trần Thắng nổi giận, bèn hạ lệnh xử tử anh ta.

Đây rõ ràng là cái họa tự mình chuốc lấy. Người này không hiểu một điều rằng, Trần Thắng lúc này đã xưng vương, thân phận và địa vị đều đã đổi khác, vậy nên anh ta không thể cư xử tùy tiện với Trần Thắng giống như ngày trước nữa, mà cần phải tuân theo khuôn phép, cần phải dành cho Trần Thắng sự tôn nghiêm cần có của một vị vua. Tuy nhiên, người này lại không hành xử thích hợp, mà đi lệch khỏi sự đúng mực này, vậy nên mới gặp phải số phận như vậy.

Người không biết chừng mực, giữ một thái độ thích hợp, thì giống như ma quỷ, sẽ chỉ mang tai vạ cho mình; người biết chừng mực mới là thiên sứ, sẽ mang đến sự bảo hộ, thậm chí là vận may cho bản thân.

Trong “Hán Thư” có ghi chép lại câu chuyện Công Tôn Hoằng hiểu được đạo lý “thích hợp” này. Năm đó, khi ông bẩm tấu sự việc lên hoàng đế, có những việc hoàng đế không đồng ý, và ông cũng không tranh cãi với hoàng đế giữa chốn triều đình. Ông từng thỉnh cầu Chủ tước Đô úy là Cấp Ảm xin được gặp riêng hoàng đế. Hoàng đế rất hài lòng về cách hành xử của Công Tôn Hoằng, về sau ngày càng vui vẻ tiếp thu ý kiến của ông, ngày càng gần gũi và trọng dụng ông. Nếu ông hơi một tý là tranh biện với hoàng đế ngay trước mặt mọi người, thế thì sẽ mạo phạm tới uy nghiêm của nhà vua, hậu quả thật không thể tưởng tượng. Sau này Công Tôn Hoằng trở thành vị quan nổi tiếng thời Tây Hán, việc này cũng liên quan chặt chẽ tới cách hành sự thích hợp của ông ta. Câu chuyện này chính là nói với chúng ta: Làm người hay làm việc đều nên bỏ công phu một cách phù hợp.

Một người làm việc có thích hợp hay không, thường chỉ có bản thân anh ta là rõ ràng nhất. Rất nhiều khi, chúng ta thường lấy cách nghĩ của mình để đo lường người khác, thậm chí còn mang lòng tốt muốn thay đổi quyết định và cuộc sống của người khác, nhưng kết quả lại gây nên tổn thất nhất định cho người khác. Có thể thấy, đôi khi sự phán đoán của chúng ta đối với người khác thường là sai lầm, sự giúp đỡ đối với người khác thường khởi tác dụng ngược lại. Đương nhiên khi chúng ta hồ đồ, hoang mang, thậm chí tuyệt vọng, thì sự nhắc nhở, chỉ bảo của người khác chúng ta vẫn cần khiêm tốn tiếp nhận.

Bởi vậy, trong một số vấn đề, chúng ta cần biết ứng biến kịp thời, tránh bị chấp mê bất ngộ. Cần biết rằng, vạn sự vạn vật trên đời đều có quy luật của riêng mình, còn gọi là sự thích hợp, nếu làm trái thường sẽ tạo thành kết quả không tốt. Ví như cá thích nước, nếu đưa nó lên bờ sẽ thành cá khô. Vì vậy, một khi thấy điều gì không phù hợp thì phải nắm bắt, điều chỉnh cho phù hợp, dù có thiện tâm làm một việc gì đó cũng không thể thay đổi được kết quả không tốt đó.

Trong cuốn “Trang Tử” có ghi chép một việc như vậy. Vua Nam Hải tên là Mau Lẹ; vua Bắc Hải tên là Thình Lình; vua Trung Ương tên là Hỗn Độn [tức không phân biệt]. Một hôm Mau Lẹ và Thình Lình gặp nhau ở xứ của Hỗn Độn, được Hỗn Độn tiếp đã trọng hậu, muốn đáp lòng tốt đó, bàn với nhau: “Người ta ai cũng có bảy lỗ để nghe, ăn và thở; mà anh Hỗn Độn không có một lỗ nào cả, tụi mình thử đục cho ảnh có đủ lỗ đi”. Thế là mỗi ngày họ đục một lỗ, tới ngày thứ bảy Hỗn Độn chết.

Từ đây có thể thấy rằng, thích hợp chính là đạo lý của thế giới này, cũng là thước đo của vạn vật. Với thức đo này, chúng ta có thể làm điều đúng đắn, và trở thành một con người chân chính.

Dữu Lượng, vị quan đại thần nổi tiếng triều Đông Tấn, đã nắm được thước đo này. Năm đó, ông có một con ngựa rất hung dữ, có người bảo ông bán đi, nhưng ông lại nói: “Nếu tôi bán thì tất nhiên sẽ có người mua nó thôi, nhưng nếu làm vậy thì há chẳng phải sẽ làm hại người chủ mới của nó hay sao. Lẽ nào chỉ vì nó không an toàn cho mình mà tôi lại mang họa gieo cho người khác?”. Cách hành xử này của ông thật sự rất chuẩn mực, và sự đúng mực này bộc lộ phẩm chất đạo đức cao thượng của ông.

Người quân tử chính là như vậy: Làm người và làm việc đều thích hợp, đồng thời cũng hiểu rằng sự thích hợp mà người khác và vạn vật cần có. Đây chính là thái độ sống tốt đẹp nhất của chúng ta, và với thái độ này chắc chắn sẽ đưa chúng ta bước vào một thế giới tốt đẹp hơn.

Nguồn Dkn.tv

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây