Đời người, có gì đáng để tranh, để giận và để buồn?

Thứ tư - 19/04/2023 13:17
Đời người ngắn ngủi, chỉ như mây khói thoảng qua, đừng lãng phí thời gian quý báu của mình vào những tranh đấu, giận hờn và phiền muộn không cần thiết. Cũng đừng vì một chút yêu ghét, vui buồn và hơn thua cỏn con mà phá hủy đi sự tu dưỡng, sự tử tế và lòng lương thiện vốn có của bản thân mình.
Đời người, có gì đáng để tranh, để giận và để buồn?

Nữ văn sĩ Dương Giáng từng nói: “Một kiếp nhân sinh không gì khác hơn là nhận thức chính mình, tôi luyện chính mình, tự nguyện tự giác thay đổi bản thân; nếu không thế thì ta sống một đời chẳng khác chi loài vật”.

Là con người, chúng ta sẽ có lúc phải trải qua những thử thách và khó khăn, có vậy mới có thể giúp ta loại bỏ mây mù, nhìn rõ bản thân. và thay đổi một cách tích cực. Nếu không có sự suy tư và lắng đọng, động một tý là nổi nóng, như thế rất dễ khiến ta mất đi động lực, đánh mất chính mình, cuộc sống sẽ rất mệt mỏi và ức chế.

Càng sớm hiểu rõ ba điều dưới đây, bạn càng có thể mỉm cười ôm trọn sự yên bình, tĩnh lặng của năm tháng.

1. Đời người có gì đáng để tranh?

Mạc Ngôn, người đoạt giải Nobel Văn học năm 2012, ông là tác giả tạo nên cơn sốt văn học Trung Quốc tại Việt Nam thông qua một loạt các tiểu thuyết được chuyển ngữ và xuất bản từ thập kỷ trước như: Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận,… Tác phẩm của ông chứa đựng những điều mới mẻ, đặc biệt là “sự bùng nổ cảm giác” giúp độc giả như nghe thấy, nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy mùi vị cuộc sống qua mỗi trang viết và không nỡ bỏ sách xuống mỗi lần đọc.


Mạc Ngôn. (Ảnh: Wiki).

Ngoài viết sách, Mạc Ngôn còn rất thích thư họa, ông dốc lòng nghiên cứu thư pháp, còn tổ chức mấy lần triển lãm. Có người nhìn thấy, liền cười nhạo thư pháp của Mạc Ngôn, cho rằng ông viết rất tệ, không có gì đặc biệt cả. 

Sở thích của mình bị người ta chê bai, nếu nói không đau lòng, thì đó chắc chắn là nói dối. Đối mặt với những lời chê bai này, Mạc Ngôn không tranh luận, ngược lại rất điềm tĩnh xử trí: “Tôi dùng thực tiễn vụng về của mình làm tài liệu giảng dạy phản diện cho mọi người, bức thư pháp của tôi nếu như nói đẹp thì là nhúng mực viết càn, còn như nói xấu thì thôi không bàn luận thêm nữa”.

Những lời này không chỉ thể hiện sự khiêm tốn mà còn thể hiện phong thái mẫu mực, thật khiến người ta khâm phục.

Lão Tử từng nói trong Đạo Đức Kinh: “Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh” (Vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình), ý là khi một người không muốn tranh cãi với người khác, không có cái tâm so sánh với người khác, vừa khéo lại chính là thời điểm anh ta lợi hại nhất, bởi không ai là đối thủ của anh ta cả.

Đáng tiếc là, rất nhiều người không hiểu thấu đạo lý này. Trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều người hoặc là tính toán mọi cách để giành giật, không chịu nhượng bộ nửa phần, hoặc là bất chấp tất cả để tranh đoạt của cải, ảo tưởng có được tất cả. Nhìn thì có vẻ như là có được những gì mình muốn, nhưng vô hình trung lại mất đi nhiều hơn: Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào ngọn núi cao nhất, trong đầu chỉ có một mục tiêu cứng nhắc, bạn sẽ bỏ lỡ cảnh đẹp dưới chân; người luôn nghĩ đến việc đánh bại đối phương sẽ không hiểu được đạo lý hợp tác cùng có lợi, rất dễ dẫn đến bất hòa, gây thù chuốc oán với nhau,…

Tranh đấu tới lui, chẳng những không đạt được những gì mình muốn, không vượt qua chính mình trong quá khứ mà còn phơi bày nội tại hạn hẹp và yếu kém của bản thân.

Tôi rất tán thành với những lời này của nữ nhà văn Dương Giáng: “Một người không muốn trèo cao thì không sợ sẽ bị té đau, cũng không cần phải đấu đá, lật đổ nhau, có thể bảo trì thiên tính thuần chân, thuận theo tự nhiên và toàn tâm toàn ý hoàn thành những gì bản thân có thể làm”.

Thứ không thuộc về bạn, cố gắng tranh giành cũng vô dụng; còn thứ vốn thuộc về bạn, không cần giành giật cũng sẽ đến bên ta.

Trong cuộc sống, chúng ta không cần nhìn chằm chằm vào người khác, không cần tranh cãi gay gắt với người khác, chỉ cần kiên định với con đường của mình, mỗi ngày tiến bộ thêm một chút. Rồi bạn sẽ đột nhiên thấy rằng nội tâm sáng tỏ thông suốt, ngày tháng cũng sẽ bình thản và thiết thực.

2. Đời người có gì đáng để giận?

Ngày trước, tôi có một đồng nghiệp phải nhập viện vì suy kiệt tinh thần. Nhìn thấy một người vốn năng động hoạt bát, bị bệnh tật hành hạ đến chỉ còn hơi thở thoi thóp, chúng tôi đều không khỏi xót xa.


Ảnh: Freepik.

Người đồng nghiệp nói rằng cơ thể cô ấy chứa đầy độc tố phẫn nộ, trước đó rất lâu đã bị mất ngủ, tim đập nhanh, rối loạn nội tiết. Bác sĩ nhắc nhở cô phải bớt nóng giận, nhưng cô ấy lại không thể kiểm soát bản thân.

Tính cô nóng nảy, lại cầu toàn, trong cuộc sống gia đình thường ngày hễ có điều gì không vừa ý là lớn tiếng quát tháo chồng con, khiến không khí gia đình vừa căng thẳng, bản thân cũng mệt mỏi không yên.

Đồng nghiệp đều khuyên cô, lần này sau khi xuất viện, nhất định phải thay đổi tính khí của mình, hãy vui cười nhiều hơn, bớt nổi cơn tam bành.

Có nghiên cứu cho thấy, rất nhiều bệnh của chúng ta đều là tức giận mà ra.

So với những người tâm bình khí hòa, những người tức giận có nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim hoặc hội chứng mạch vành cấp cao gấp 4,74 lần và nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 19%.

Nếu bạn tức giận trong một thời gian dài, nguy cơ ung thư sẽ tăng lên rất nhiều và tuổi thọ bình quân cũng sẽ ngắn hơn.

Trong “Tăng Quảng Hiền Văn” có nói: “Nhẫn được nóng giận một lúc, tránh được cái lo trăm ngày”.

Nếu suy nghĩ kỹ một chút, bạn sẽ nhận ra rằng, rất nhiều chuyện gặp phải trong cuộc sống đều không đáng để chúng ta tức giận. Nếu chúng ta bình tĩnh và nhẫn nhịn một chút, chân mày cau có ban đầu liền có thể giãn ra.

Chỉ cần bình hòa tâm thái, xem nhẹ mọi việc, không dây dưa những chuyện nhỏ nhặt, thì có thể đánh bay những cơn nóng giận, và nở nụ cười mãn nguyện trên môi.

3. Đời người có gì đáng để buồn?

Có một câu chuyện như vậy:

Có một bà lão nọ cả ngày luôn khóc than. Bà có hai cô con gái, cô lớn lấy một nhà buôn ô, còn cô bé làm vợ một người nhuộm vải. Vào những ngày nắng, bà lo lắng cho con gái lớn: “Ôi, trời nắng đẹp thế này chẳng ai mua ô cả, cửa hàng ô mà phải đóng cửa thì biết làm sao đây?”

Lúc trời mưa, bà lạ lo lắng cho cô con gái nhỏ. Bà nghĩ: “Con bé lấy người nhuộm vải. Không có nắng làm sao phơi khô vải đây?”. Vậy là, bất kể trời mưa hay nắng, bà đều khóc lóc, quanh năm suốt tháng phải sống trong lo lắng buồn khổ. Hàng xóm xung quanh không thể an ủi và giễu cợt gọi bà là “khóc lão”, tức “bà lão hay than khóc”.

Một ngày nọ, bà gặp một vị thiền sư. Ông tò mò muốn biết vì sao bà lão cứ khóc lóc suốt như vậy. Bà kể cho ông nghe câu chuyện của mình. Vị thiền sư mỉm cười từ bi và nói: “Này bà lão, bà không nên lo lắng như vậy. Tôi sẽ chỉ cho bà cách để luôn có hạnh phúc và bà sẽ không phải đau khổ khóc than nữa”.

Bà lão nghe vậy rất đỗi mừng vui, lập tức xin lời khuyên của vị thiền sư. Ông nói: “Rất đơn giản thôi, bà chỉ cần thay đổi suy nghĩ của mình. Vào những ngày nắng thay vì nghĩ đến cô gái lớn không bán được ô, hãy nghĩ rằng cô gái nhỏ có thể phơi khô các tấm vải. Trời nắng như thế chắc chắn cô sẽ làm được rất nhiều tấm vải và việc buôn bán hẳn rất thuận lợi. Ngược lại, khi trời mưa hãy nghĩ đến cửa hàng bán ô của cô gái lớn. Mọi người chắc chắn sẽ mua ô che mưa, và cửa hàng của cô sẽ làm ăn phát đạt”.

Bà già tỉnh ngộ và làm theo lời khuyên của vị Tăng. Chỉ trong thời gian ngắn, bà không còn khóc lóc nữa mà ngày nào cũng mỉm cười vui vẻ. Từ đó người ta gọi bà là bà “tiếu lão” tức “bà lão hay cười”.

Nữ nhà văn Tất Thục Mẫn từng nói: “Tâm trạng tốt không phải vì mọi việc thuận lợi, mà nó phát triển từ một sự bình tĩnh và can đảm vững chắc”.

Cuộc sống không thể mọi việc đều suôn sẻ, nhưng hãy sống sao cho tâm hồn được bình thản, ung dung.

Đừng lo lắng về những việc sẽ không xảy ra, ngay cả khi bạn khóc cạn nước mắt và rụng hết tóc, điều đó cũng không được gì.

Đừng lo lắng về những gì đã xảy ra, dù bạn có hối hận nghìn lần và tự trách mình cả vạn lần thì cũng không ích gì.

Càng không nên lo lắng về những chuyện khó thay đổi, nếu đã thành thói quen thì dù bạn có cố gắng nhiều hơn cũng vô ích, chỉ tăng thêm phiền phức mà thôi.

Nếu có thời gian, chi bằng hãy ngắm nhìn thêm hoa cỏ cây cối xung quanh, lắng nghe thêm tiếng cười nói của trẻ thơ, nghĩ thêm về những gì mình có, bạn sẽ thấy thế giới này thật tươi đẹp, thật đáng để chúng ta mỉm cười.

Chỉ cần bạn sẵn sàng điều chỉnh tâm thái, nguy cơ cũng có thể biến thành cơ hội, khó khăn có thể trở thành nấc thang cho sự trưởng thành.

Hãy tĩnh tâm xuống và nghĩ thử xem, cuộc đời mỗi người chỉ có hơn 30.000 ngày. Thay vì sống trong sự căng thẳng, tức giận và thất vọng, chi bằng bạn nên mang theo bên mình 3 bộ “chìa khóa” này để bản thân thoải mái hơn một chút.

Không tranh chấp, lấy lùi làm tiến, chầm chậm tiến lên, có thể thưởng ngoạn phong cảnh bên đường.

Không nóng giận, nhìn thấu mọi việc, tâm bình khí hòa, có thể cảm nhận những niềm vui nhỏ bé.

Không lo lắng, học cách cởi mở, thay đổi góc nhìn và bạn có thể tìm thấy những bất ngờ mới của cuộc sống.

Nguồn dkn.tv

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây