1. Đồ ăn nhanh
Tuyến giáp sử dụng iốt từ chế độ ăn uống của chúng ta để tạo ra hormone T3 và T4. Thực tế thì tất cả mọi người đều không nên ăn nhiều đồ ăn nhanh, đặc biệt với người mắc bệnh tuyến giáp bởi đồ ăn nhanh có quá nhiều muối nhưng lại có rất ít iốt.
2. Thực phẩm đã qua chế biến
Cũng giống như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn cũng chứa rất nhiều natri nhưng hiếm khi sử dụng muối iốt. Một chế độ ăn uống có quá nhiều natri khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim và huyết áp cao. Thế nên chúng ta nên tự nấu ăn ở nhà để điều chỉnh các thành phần dinh dưỡng nạp vào cơ thể.
3. Lúa mì
Bệnh celiac là một hiện tượng rối loạn tự miễn, khi đó cơ thể không thể xử lý gluten trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen. Những người mắc bệnh celiac có nguy cơ rối loạn tuyến giáp cao hơn. Vì vậy, nếu bị chẩn đoán mắc bệnh celiac, bạn nên tránh gluten để hệ tiêu hóa hoạt động bình thường, từ đó giảm nguy cơ phát triển rối loạn tuyến giáp.
4. Đậu nành
Có một chút tranh cãi về đậu nành vì nó vốn được coi là món ăn lành mạnh thay thế cho các sản phẩm thịt. Nhưng ăn đậu nành có thể có tác động tiêu cực đến chức năng tuyến giáp, cụ thể là ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ iốt của tuyến giáp. Tuy vậy, nếu cơ thể bạn không bị thiếu iốt, bạn cũng không “ăn cả tấn” đậu nành một ngày, thì đây vẫn là thực phẩm ăn được, không phải kiêng hoàn toàn.
5. Nội tạng
Nội tạng như gan, thận và tim cung cấp rất nhiều axit lipoic, có công dụng giảm viêm và hỗ trợ chức năng nhận thức, nhưng axit lipoic cũng gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp nếu bạn ăn quá nhiều. Những người đã dùng thuốc tuyến giáp cũng không nên nạp axit lipoic vì nó có thể làm thay đổi chức năng của thuốc.
6. Rau họ cải
Các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải bắp, súp lơ, cải xoăn, rất tốt cho sức khỏe vì chúng cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất quan trọng. Các loại rau họ cải còn chứa các hợp chất lưu huỳnh gọi là glucosinolates có khả năng chống ung thư. Tuy nhiên, nếu bạn bị thiếu iốt, tốt nhất nên tránh xa các loại rau họ cải. Quá trình tiêu hóa cho loại sản phẩm đặc biệt này được cho là ngăn chặn khả năng sử dụng iốt của tuyến giáp. Tất nhiên bạn không cần kiêng hoàn toàn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết tình trạng cơ thể bạn được ăn bao nhiêu rau cải mỗi ngày.
7. Đồ ngọt
Các món ăn nhiều đường đã được chế biến sẵn là “kẻ thù chung” đối với mọi tình trạng sức khỏe. Hầu hết chúng ta đều ăn quá nhiều đường, thường xuyên mà không hề nhận ra. Đường không chỉ gây tăng cân, mà còn gây viêm khắp cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường, bệnh tim, sâu răng. Tuyến giáp hoạt động kém làm chậm quá trình trao đổi chất của bạn, và điều này sẽ dẫn đến hậu quả tăng cân nhanh chóng, kể cả khi bạn không ăn nhiều đường.