Đoàn Kinh tế quốc phòng 338: Thế đứng mới nơi địa đầu

Chủ nhật - 02/01/2011 19:21
-Về thăm Đoàn kinh tế quốc phòng 338 lần này, chúng tôi cảm nhận được cái vui của cán bộ, chiến sĩ khi rừng mà họ hướng dẫn dân trồng đã lên xanh, đàn bò đầu tư cho dân ngày một phát triển, các làng bản đã nhộn nhịp, bi bô tiếng trẻ học bài.

Tất cả những điều ấy đã tạo nên một thế đứng mới của cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn cùng nhân dân biên giới nhân rộng thêm những điển hình mới.

 

Cán bộ Nông lâm trường 196 đoàn KTQP 338 ươm cây trồng rừng

Trong niềm vui chung, đại tá Phạm Khắc Đức, Đoàn trưởng cho chúng tôi biết, thành công nhất của đơn vị là hướng dẫn nhân dân trồng rừng, cung cấp cây giống, cùng nhân dân tạo nên một dải khăn xanh nơi biên giới, và từ lải khăn xanh ấy biên giới như mạnh lên, điện, đường, trường, trạm cũng từ rừng mà ra, chìa khoá để làm giàu đã có.

Nhớ lại những ngày mới đặt chân lên biên giới với nhiệm vụ hoàn toàn mới là giúp dân làm kinh tế, tạo những điểm sáng. Xác định thế mạnh biên giới là rừng, cán bộ, chiến sĩ bắt tay vào trồng rừng. Ai cũng thấy cái lợi của rừng, nhưng trồng rừng thì đâu có dễ, ngay việc làm cho dân hiểu cũng là khó. Hôm đầu tiên đi trồng rừng, anh Hà Tiến Lưu, Phó Chính uỷ nhớ lại, nhân dân cứ nghĩ, bộ đội trồng rừng thì rừng sẽ thuộc về bộ đội, riêng chuyện ấy thôi mà mất cả mấy năm giải thích, và cách thuyết phục tốt nhất không gì hơn đó là làm cho dân nhìn thấy.

Bắt đầu từ đó các đội sản xuất ươm cây cho dân, mục tiêu hạn chế tới mức thấp nhất cây chết, vì thế cán bộ, chiến sĩ trong đoàn nâng niu từng bầu cây. Có cây, đoàn bắt đầu mở đường vào các bản, hiện trường trồng rừng. Phong trào làm đường cho dân đi lan rộng, chẳng bao lâu hàng chục km đường từ Pó Pằm- Nà Mìu, Mẫu Sơn- Trà Ký, Kiên Mộc, Song Phe, Phạ Tầm đã nối những cánh rừng trồng.

Cách làm là “mưa dầm thấm lâu”, vừa vận động vừa cùng bà con trồng rừng, chẳng bao lâu những khu rừng phòng hộ ở biên giới, rừng sản xuất ở Xuất Lễ (Cao Lộc), Bính Xá, (Đình Lập), Mẫu Sơn (Lộc Bình) đã hình thành.

Tính đến nay, toàn đoàn đã cùng nhân dân trồng trên 3.800 ha rừng, riêng năm 2010 đã trồng 334 ha. Cũng từ trồng rừng, người dân có thu nhập từ rừng. Bước sang năm thứ 9 trồng rừng, nhiều khu rừng đã cho thu nhập, qua đó người dân mới hiểu hết ý nghĩa việc trồng rừng và cùng bộ đội quyết tâm trồng rừng nơi biên giới.

Rừng biên giới đã tạo nên một dải khăn xanh từ Bắc Xa đến Xuất Lễ. Từ trồng rừng, nhiều công trình phục vụ dân sinh được hình thành như mương nước tự chảy, xây dựng lớp học, giúp, hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà, hỗ trợ khai phá nương, vườn... đã trở thành điểm sáng đoàn kết quân dân thực sự.

Trong gần 6.000 hộ dân vùng dự án với gần 30.000 nhân khẩu cơ bản là đồng bào biên giới nghèo, nhưng qua 9 năm, số hộ nghèo ngày càng giảm, hiện chỉ còn 446 hộ nghèo. Khi các hộ tái định cư biên giới về bản mới điều kiện sản xuất tốt hơn, chắc chắn số hộ nghèo sẽ càng giảm.

Cũng theo đại tá Phạm Khắc Đức, qua phong trào trồng rừng, nhân dân càng tin yêu bộ đội, mỗi ngày ra quân trồng rừng là cả một dải biên giới như một ngày hội, qua việc làm quân dân gắn kết, cũng từ đây Đoàn đã hình thành thế đứng mới, thế đứng ấy chính là trong lòng dân.

Qua phong trào giúp dân làm kinh tế, điểm sáng làng bản văn hoá biên giới cũng hình thành. Những làng bản như Song Phe, Phạ Tầm, Bắc Lệ... đã đông vui dần, đấy là cả một quá trình đi lên đầy gian khó của toàn Đoàn tạo dựng niềm tin trong dân.

Giờ đây, rừng biên giới với bàn tay của các chiến sĩ Đoàn 338 và nhân dân trồng đã khép tán, khẳng định thành công của điểm sáng kinh tế. Nhưng thành công hơn là khẳng định vị thế của Đoàn trong lòng người dân biên giới.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây