Hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng

Thứ hai - 13/12/2010 22:52
Trong những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQP-AN) cho các đối tượng và toàn dân đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh, tổ chức thực hiện hiệu quả.

Gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong quá trình thực hiện đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương.

 

Dân quân xã Mẫu Sơn tuần tra bảo vệ ANTT trên địa bàn - Ảnh: Sầm Văn Thạch

Đối với công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các cán bộ, đảng viên, thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến hết tháng 8/2010, toàn tỉnh đã bồi dưỡng được 45.277/50.883, đạt tỷ lệ 90%, trong đó đối tượng 1 đạt 94,44%, đối tượng 2 đạt 93,13%, đối tượng 3 đạt 95,49%, đối tượng 4 đạt 83,71%, đối tượng 5 đạt 90,08%. Tiêu biểu trong thực hiện công tác này là các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Viễn thông Lạng Sơn…

Thông qua việc đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành được trang bị những kiến thức cơ bản về quan điểm, đường lối QP, quân sự của Đảng, một số kỹ năng quân sự cần thiết, qua đó nâng cao nhận thức về nhiệm vụ QP-AN trong giai đoạn hiện nay, làm cơ sở để vận dụng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN ở các địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, trong năm 2009, thực hiện chủ trương mở rộng diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng GDQP-AN của tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 1 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 55 chức sắc, nhà tu hành, chức việc trong các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào tôn giáo đối với nhiệm vụ củng cố QP-AN, làm tròn nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận giữa đồng bào theo đạo với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang.    

Trong công tác GDQP-AN cho học sinh, sinh viên (HS,SV), thời gian qua Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng tổ chức thực hiện theo đúng các quy định của Bộ. Giai đoạn 2001-2007, thực hiện Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT, các trường tổ chức giáo dục cho HS,SV chủ yếu theo phương pháp học tập trung vào đầu năm học, giáo viên do nhà trường phối hợp với Ban CHQS các huyện, thành phố cử cán bộ quân sự giảng dạy.

Từ năm 2007 đến nay, thực hiện Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ, các quyết định của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH về công tác GDQP-AN, các trường đã tổ chức học môn QP-AN theo phân phối chương trình như các môn học khác. Để tạo điều kiện học tập môn GDQP-AN, năm học 2007-2008, Sở đã trang bị đồng loạt cho các trường THPT trong tỉnh về thiết bị dạy học môn GDQP-AN, góp phần khắc phục tình trạng dạy chay, học chay.

Nhiều trường chủ động cải tiến đồ dùng, mô hình học tập, ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp giảng bài bằng giáo án điện tử. Nhìn chung đội ngũ giáo viên GDQP-AN của các nhà trường đã cơ bản đảm bảo được nội dung chương trình, đưa công tác GDQP-AN cho HS, SV thực sự đi vào nền nếp, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao.

Thông qua đó giúp HS, SV nhận biết sâu sắc hơn tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, nâng cao trách nhiệm của HS, SV đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy có thể thấy rằng, công tác bồi dưỡng kiến thức GDQP-AN cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Cùng với đó, công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần động viên, khích lệ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác GDQP-AN cho các đối tượng một cách hiệu quả hơn nữa.

Đồng thời đẩy mạnh GDQP-AN toàn dân, nâng cao nhận thức cho nhân dân tại các thôn bản, khối phố. Thông qua đó sẽ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn tỉnh. Và ý nghĩa hơn hết chính là nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng quê hương Xứ Lạng nói riêng ngày càng giàu đẹp, bình yên.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây