Giờ học chính trị của DQTV thị trấn Văn Quan - Ảnh: Khánh Ly
Quán triệt các Chỉ
thị của Đảng về công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới, thực hiện Nghị định
116/2007/NĐ-CP, ngày 10/7/2007
của Chính phủ về giáo dục Quốc phòng an ninh (QPAN), triển khai Quyết định số
79/2007/QĐ-BGD&ĐT, ngày 24/12/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chương trình
giáo dục QPAN đã được triển khai học chính khóa ở cấp trung học phổ thông
(THPT).
Giáo dục QPAN với vị trí là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh về lòng yêu nước, yêu CNXH, niềm tự hào và trân trọng đối với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, có ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Thực ra, chương trình GDQP đã được thực hiện từ lâu ở các trường THPT, theo đó, các nhà trường liên hệ chặt chẽ với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, thành phố để mời giáo viên về giảng dạy tập trung theo từng đợt, thường là 1 tuần vào dịp đầu năm học. Tuần lễ GDQP này, Ban chỉ huy quân sự giúp các nhà trường không chỉ về đội ngũ giáo viên mà còn cả các trang thiết bị, dụng cụ học tập.
Chương trình học tập tập trung vào các bài giảng về chính trị như tìm hiểu Luật nghĩa vụ quân sự, truyền thống giữ nước của dân tộc…, các bài về điều lệnh đội ngũ, kỹ thuật chiến thuật cơ bản, có bắn đạn thật… Có thể nói chất lượng giáo dục trong tuần lễ GDQP đạt được rất cao. Học sinh không những được giáo dục ý thức chính trị, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, được bồi đắp lòng tự hào dân tộc, mà còn có hiểu biết cơ bản về quân sự.
Những buổi học như thế tuy căng thẳng, song tạo được sự hào hứng
trong học sinh. Khi môn GDQP trở thành môn học chính khóa theo chương trình chung
của toàn quốc với 105 tiết/ năm cho cả cấp THPT (mỗi khối lớp có 35 tiết/ năm
học). Để thực hiện một môn học mới, ngành GD phải chuẩn bị nhiều thứ, trong đó,
quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy và học.
Về giáo viên, một mặt, ngành tiếp nhận, tuyển chọn giáo viên chuyên ngành GDQP từ các trường đại học, mặt khác, cử đội ngũ giáo viên môn thể dục tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN tại các trường quân sự để giảng dạy. Về thiết bị dạy và học, do tính đặc thù của thiết bị Quốc phòng, nên thiết bị dạy và học chỉ là những dụng cụ tự làm như lựu đạn, vòng ngụy trang, nẹp cứu thương…, một số được cấp theo tính chất “vũ khí giả” như súng trường CKC, tiểu liên AK nhựa, một số nhà trường mua sắm như túi, băng gạc cứu thương…
Do chương trình “rải đều” trong cả năm học nên sức ép về sân bãi không lớn. Tuy vậy, do giáo viên còn bất cập về trình độ, trang phục học sinh không “chính quy”, thiết bị dạy và học nghèo nàn đơn điệu, nên không tránh khỏi nhàm chán.
Qua 3 năm đưa môn GDQP vào chương trình chính khóa đã khẳng định tính cần thiết và tác dụng của môn học đối với công tác quân sự địa phương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Đình Hợi, Hiệu trưởng trường THPT Việt Bắc cho biết, thực hiện tốt môn học này, học sinh đã có những chuyển biến tích cực về nền nếp, tác phong cũng như ý thức công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Giờ học QPAN của học sinh trường THPT Việt Bắc
Qua 105 tiết học của cả cấp học, dù có thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ, được tiếp tục học môn GDQP ở trình độ cao hơn, hay về địa phương tham gia lực lượng dân quân tự vệ, học sinh sẽ được rèn luyện, bồi bổ thêm về kiến thức quốc phòng an ninh, họ sẽ trở thành những chiến sĩ dân quân xuất sắc, là nòng cốt trong lực lượng phòng thủ và có đầy đủ bản lĩnh trong đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự ATXH ở các địa phương.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự