UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6/2018

Thứ bảy - 16/06/2018 04:18
Hôm nay (14/6), đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6/2018. Phiên họp tập trung bàn, cho ý kiến về 12 nội dung quan trọng.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về Đề án sáp nhập xã Xuân Lễ với xã Bằng Khánh, nhập xã Lục Thôn vào thị trấn Lộc Bình (huyện Lộc Bình), sáp nhập xã Hữu Vĩnh vào thị trấn Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn). Việc sát nhập xã, thôn nêu trên sẽ góp phần phát huy tổng hợp nguồn lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giảm đầu mối quản lý, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc sáp nhập là cần thiết, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, nêu rõ lý do về quy mô, diện tích tự nhiên, dân số; sự cần thiết phải sáp nhập, làm rõ cơ sở pháp lý, đánh giá cần rõ hơn… Bên cạnh đó có đánh giá tác động của việc sáp nhập, đề xuất giải pháp, lộ trình thực hiện.

Thảo luận về Đề án đề nghị công nhận thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn là đô thị loại II. Theo đó, căn cứ theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về phân loại đô thị, 5 tiêu chí phân loại thành phố Lạng Sơn đều đạt mức tối thiểu trở lên và tổng số điểm của các tiêu chí đạt 87,38 điểm (khung điểm quy định là từ 75 – 100 điểm). Vì vậy, thành phố Lạng Sơn đủ điều kiện cần thiết để xét công nhận là đô thị loại II. Với Đề án này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý thông qua để trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp thứ tám tới đây. Đồng thời nêu rõ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Lạng Sơn sẽ tập trung khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, khắc phục, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện các mặt kinh tế – văn hóa – xã hội.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luân 74-KL/TU ngày 15/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 3/4/2009 về lãnh đạo triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn. Theo dự thảo báo cáo, trong giai đoạn 2013 – 2017, ngân sách Nhà nước đã bố trí 3.892 tỷ đồng để tập trung, đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình. Từ đó đến nay, 50 công trình quan trọng đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua địa bàn. Giai đoạn 2013 – 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 19.297 triệu USD, bình quân tăng 26%/năm. Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cần đánh giá cụ thể, trong quá trình đánh giá cần đối chiếu với 7 nhiệm vụ trong Kết luận 74 đã đề ra. Ban cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 7 tới.

Đặc biệt, phiên họp thường kỳ tháng 6/ 2018 đã tập trung bàn, cho ý kiến cụ thể về báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh và dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Lạng Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo, đời sống cư dân nông thôn có nhiều đổi thay, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn những mặt hạn chế. Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Báo cáo cần nêu rõ những hạn chế đó là: nền sản xuất nông nghiệp còn ở quy mô nhỏ, nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, việc liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ còn thiếu bền vững… Báo cáo cần đối chiếu với các mục tiêu của nghị quyết; đặc biệt là đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đối với dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần tập trung nêu cụ thể ở việc thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ cốt lõi, trong đó tập trung cho những nhiệm vụ trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đề xuất những giải pháp thực hiện cụ thể những năm tới, trong đó có mục tiêu cụ thể đối với các xã biên giới…

Ngoài các nội dung nêu trên, phiên họp lần này cũng bàn, cho ý kiến về một số dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và nghị quyết của HĐND tỉnh do Sở Tài chính, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Nội vụ trình.


Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây