Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển là 44.185,172 tỷ đồng cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Năm 2022, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc là 15.444,801 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 chuyển sang), chiếm 45,36% tổng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho toàn quốc. Tính đến ngày 31/1/2023, ước thanh toán vốn đầu tư công thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là 4.575,217 tỷ đồng, cao hơn 2,81% so với trung bình cả nước.
Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là 10.874,152 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/1/2023, có 13/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc hoàn thành công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023 (trừ tỉnh Tuyên Quang đang hoàn tất kế hoạch phân bổ của năm 2023).
Cũng theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, những vướng mắc khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: các bộ, ngành vẫn chưa banh hành một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương; một số quy định do Trung ương ban hành hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế tại địa phương tạo ra nhiều khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; một số tỉnh được giao mục tiêu, nhiệm vụ nhưng không phù hợp với thực tiễn của tỉnh đó;… Đặc biệt là đối với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến nay, các bộ ngành trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể một số nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí; chưa hướng dẫn cơ chế lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia… khiến các tỉnh gặp khó trong triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Tính đến 31/1/2023, tỉnh đã phân bổ 100% số vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và năm 2023, trong đó đảm bảo phần vốn đối ứng của địa phương theo quy định. Tỉnh cũng đã ban hành cơ bản đầy đủ các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của tỉnh. Tiến độ giải ngân các chương trình tính đến 31/1/2023 của tỉnh Lạng Sơn đạt 58,8%.
Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nêu 2 kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương sớm giao bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho tỉnh để thực hiện tiểu dự án 2 của dự án 1 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để đưa huyện Văn Quan thoát nghèo giai đoạn 2022 – 2025 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép được chuyển nguồn vốn sự nghiệp ngân sách địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2022 sang năm 2023 để tỉnh sớm thực hiện.
Trong chương trình hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc đã phát biểu nêu những kết quả triển khai của, ngành, của tỉnh mình, đồng thời nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai; đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc để triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương cách triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia của các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhất là công tác giải ngân nguồn vốn. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn vướng mắc mà các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc đã gặp trong quá trình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Thủ tướng cũng đồng ý với một số đề xuất, kiến nghị của các tỉnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, ngành cần chủ động phối hợp để ngay trong quý I/2023 phải hoàn thành các văn bản còn thiếu, có thể rà soát một số nội dung có tính chất quyết định những văn bản còn chồng chéo hoặc chưa rõ, sau đó để báo cáo Quốc hội.
Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc cần tiếp tục rà soát lại các danh mục đầu tư theo từng chương trình để tránh dàn trải, đồng thời tính toán ưu tiên các chương trình, dự án có tính khả thi cao. Song song với đó tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện để kịp thời khắc phục vướng mắc phát sinh. Cùng đó, các tỉnh nên chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình thực hiện.