Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,22%, trong đó lĩnh vực vực nông, lâm nghiệp tăng 5,01%, công nghiệp xây dựng tăng 11,03%, dịch vụ tăng 6,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông, lâm, thuỷ sản chiếm 21,1%, công nghiệp - xây dựng tăng 24,4%, dịch vụ chiếm 49,98%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,52%, GRDP bình quân đầu người đạt 51,72 triệu đồng.
Cụ thể, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đại diện Bộ Quốc phòng phát biểu một số nội dung liên quan tại buổi làm việc.
Các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn được triển khai hiệu quả, tỉnh đã hỗ trợ vay ưu đãi 319 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập mới 22 hợp tác xã; hỗ trợ phát triển thương hiệu mở rộng thị trường cho 16 đối tượng, hỗ trợ phát triển 32 sản phẩm OCOP…; trồng rừng mới đạt hơn 13.330 ha (trong đó, năm 2022 trồng mới được 9.300 ha và 4 tháng đầu năm 2023 trồng mới 4.030 ha), đến hết tháng 4/2023, toàn tỉnh có 86 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Về tình hình đầu tư xây dựng và triển khai các dự án trọng điểm, trong năm 2022, toàn tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư được giao đầu năm đạt 92,8% kế hoạch; giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 75,3%, đối với kế hoạch vốn năm 2023, tính đến hết quý I/2023 toàn tỉnh giải ngân được 589 tỷ đồng, tương đương 15,2% kế hoạch.
Về thực hiện các dự án trọng điểm, hiện tỉnh đang tập trung đôn đốc triển khai 16 dự án trọng điểm và phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh liên quan thúc đẩy công tác chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đối với tình hình xuất, nhập khẩu, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá qua địa bàn đạt 3,1 tỷ USD, trong 4 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá diễn ra tương đối thuận lợi. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn đạt 1,345 tỷ USD, tăng 120,5% so với cùng kỳ 2022.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho tỉnh đối với 4 nội dung; kiến nghị các bộ, ngành, tháo gỡ cho tỉnh với 9 nội dung. Đây là những khó khăn, vướng mắc đã được tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ giải quyết trong nhiều năm liên quan đến thực hiện công tác đầu tư công, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng… nhưng vẫn còn tồn đọng chưa được xử lý.
Ngoài ra, tỉnh có 10 kiến nghị mới với Chính phủ liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách; kiến nghị với các bộ, ngành liên quan đối với 48 vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch - đầu tư, xây dựng, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn…
Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh, đại diện các bộ, ngành đã tiếp thu và thông tin giải đáp trở lại ngay tại buổi làm việc; đối với những nội dung chưa rõ, các bộ sẽ trả lời tỉnh Lạng Sơn bằng văn bản.
Đồng chí Đào Hồng Lan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn đồng chí Bộ trưởng, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ, các bộ, ngành của trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Lạng Sơn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng; cũng như giải quyết nhanh, kịp thời các kiến nghị của tỉnh đã gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng đoàn công tác của Chính phủ đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung của UBND tỉnh Lạng Sơn phục vụ buổi làm việc của đoàn công tác cũng như những nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, tỉnh làm rất tốt công tác thông thương hàng hoá qua cửa khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả nước thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN với Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp thời gian qua.
Tuy nhiên, Lạng Sơn còn nhiều khó khăn trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh như: thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn, đồng chí trưởng đoàn ghi nhận, tiếp thu toàn bộ các nội dung ý kiến kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ liên quan đến cơ chế điều hành thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại; thực hiện hiệu quả chương trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” của địa phương trong phát triển.
Đối với thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, đồng chí trưởng đoàn đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh thi công, giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch.