Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài: Tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam

Thứ hai - 24/04/2023 03:23
Sáng 22/4, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến điểm cầu các tỉnh thành trong toàn quốc, 37 điểm cầu của các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và 83 điểm cầu tại nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương; đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam…

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn. Tham dự hội nghị có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo đề dẫn của Bộ KH&ĐT tại hội nghị, trong 35 năm qua, đầu tư nước ngoài đã khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Sau gần 40 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt gần 4.100 USD (tăng gần 22 lần so với mức 188 USD năm 1991).

Trong quý I/2023, cán cân thương mại xuất siêu của Việt Nam đạt 4,07 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022; giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm tăng 19% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,3 tỷ USD; tăng trưởng kinh tế quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước;… Hiện Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, tính đến thời điểm này, trên địa bàn có 34 doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó có 29 doanh nghiệp thành lập thực hiện dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 207,3 triệu USD.
Mặc dù gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng với những giải pháp hỗ trợ linh hoạt của chính quyền tỉnh, hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh vẫn hoạt động ổn định. Cụ thể, năm 2022, vốn thực hiện đạt 6.399.012 USD, doanh thu đạt khoảng 1.850.000 USD, nộp ngân sách đạt 550.000 USD.

a
Đại diện một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh Lạng Sơn tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; đề xuất một số giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến và đề xuất tâm huyết, sâu sắc, xác đáng của các bộ, ngành, địa phương và nhất là từ phía đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Việt Nam đã bước vào năm thứ 3 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nhanh và bền vững.

Theo đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, mở ra không gian phát triển rộng lớn từ những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đặc biệt, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cũng như tiếp tục phát triển khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Để hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và phát triển khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; các hiệp hội kịp thời cung cấp và báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan, nhất là xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan tới tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu, bất động sản, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính…; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, nhất là phát triển hạ tầng chiến lược; chủ động theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam;… Đặc biệt, các bộ, ngành trung ương khẩn trương nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây