Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh có các đồng chí: Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Xuân Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng…
Theo báo cáo, những năm qua, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện nghiên cứu 16 đề tài khoa học và công nghệ trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp với các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh như: na, bưởi, hồi, thuốc lá, ớt, ngựa bạch…
Nhờ đó, giá trị ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực. Ước thực hiện đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có 35 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 376,7 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 138 ha cây ăn quả có múi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Năm 2019, huyện Chi Lăng được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận cho 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng 3 sao (cao khô Vạn Linh, tinh bột nghệ Hồng Nhung, xã Quan Sơn). Năm 2020, huyện phấn đấu phát triển thêm 4 sản phẩm mới và nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao đối với cao khô Vạn Linh.
Trong chương trình, các thành viên đoàn đã thảo luận làm rõ một số nội dung như: nhân rộng các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản; phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi sản phẩm nông nghiệp…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đánh giá cao kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện Chi Lăng.
Trưởng đoàn giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh, huyện Chi Lăng trao đổi về
việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cây ăn quả có múi.
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu khoa học tiếp tục đồng hành cùng người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó tập trung nghiên cứu, phát triển vào cây trồng chủ lực, lợi thế là cây na; đặc biệt quan tâm nghiên cứu công nghệ bảo quản, chọn lọc giống, quy trình sản xuất sạch, thị trường tiêu thụ, mở rộng quy mô diện tích sản xuất.
Cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân cùng vào cuộc nghiên cứu, tìm kiếm những cây trồng mới để ứng dụng vào phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, hình thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Đoàn giám sát trao đổi với chủ vườn na xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng.
Trước đó, đoàn đã khảo sát mô hình ứng dụng công nghệ rải vụ thu hoạch na và mô hình thâm canh bưởi tại thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng.