Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Xuân Hoà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 125/151 nhiệm vụ do Chính phủ giao. Toàn ngành đã thẩm định 6.606 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, thi hành xong 579.256 việc và hơn 52.715 tỷ đồng.
Tỷ lệ hòa giải thành của cả nước đạt 83,13% (tăng 2,34% so với năm 2018). Ngành ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, nhiệm vụ kế hoạch công tác tư pháp năm 2019 đã đạt và vượt chỉ tiêu được giao, trong đó có một số thành tích nổi bật như: hoàn thành kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014 – 2018 và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo kết quả hệ thống hóa; tỷ lệ trả đúng hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân đạt 95,2%; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, hướng mạnh về cơ sở; tỷ lệ xử lý đơn, thư đạt 100%…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về báo cáo công tác tư pháp năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 và 4 báo cáo chuyên đề về: xây dựng pháp luật; phối hợp giữa hệ thống thi hành án dân sự với các cơ quan tư pháp trong tham mưu cho UBND các cấp chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; xử lý vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài…
Năm 2020, ngành tư pháp đã xác định 4 phương hướng và 9 nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư pháp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận những kết quả đạt được của ngành tư pháp trong năm qua. Đồng chí yêu cầu: Trong thời gian tới bộ, ngành tư pháp khắc phục hạn chế, thể chế hóa kịp thời đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể; hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác thi hành án dân sự, hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; xử lý tốt các vấn đề về pháp lý quốc tế; quan tâm nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ; các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế thực hiện nhiệm vụ được giao…