Tham dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, các ban Quản lý dự án, nhà thầu liên quan. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Dự phiên họp tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, năm 2023 và ngay trong những ngày đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra trực tiếp tại hiện trường để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình hạ tầng giao thông và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng…
Qua đó nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại từ lâu đã được tập trung xử lý; công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được đẩy nhanh; nhiều công trình, dự án đã được đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư; với các dự án mới triển khai, các tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng; các chủ đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực thi công với quyết tâm cao…
Cụ thể, đối với công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bình Dương đã phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 7 dự án; Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Tiền Giang, thành phố Hà Nội đã phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi 5 dự án; Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định dự án Dầu Giây-Tân Phú, Tân Phú-Bảo Lộc.
Về công tác thực hiện đầu tư các dự án, các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công; các nhà thầu đã khai thác được một số mỏ cát và cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công; một số dự án Tuyên Quang-Hà Giang, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Vành đai 4 Hà Nội, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột… có nguồn vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu, các địa phương đang triển khai thủ tục để khai thác.
Đối với công tác triển khai thi công, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã hoàn thành 9/11 dự án thành phần giai đoạn 2017-2020 và dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ theo đúng kế hoạch, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.892 km; dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội và dự án Bến Thành-Suối Tiên hiện các địa phương đang rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong hợp đồng; dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang thi công nhà ga hành khách, gói thầu xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay…
Đối với tỉnh Lạng Sơn có dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng và dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh (đoạn qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km). Hiện nay, UBND các huyện, thành phố Lạng Sơn và các cơ quan liên quan đang triển khai các thủ tục để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tiến độ triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất một số giải pháp cụ thể tháo gỡ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, người dân trong việc triển khai các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm ngành giao thông vận tải trong thời gian qua. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan cần chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, qua đó phấn đấu hoàn thành tiến độ các công trình, dự án đúng tiến độ, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường; trong quá trình triển khai thực hiện, khó khăn ở đâu phải giải quyết ở đó; các chủ đầu tư, chủ thể có liên quan đề cao trách nhiệm, thẩm quyền của mình chủ động phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn trên thực tế; quan tâm đặc biệt đến công ăn việc làm, sinh kế của người dân, trong đó trọng tâm là hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội cho người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi công trình, dự án, trong đó phải đảm bảo nơi ở mới phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, phát sinh vấn đề phức tạp, đối phó…Qua đó giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc, thực hiện các công trình, dự án với tinh thần “vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, thi công 3 ca 4 kíp”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự