1. Nếu ai hiểu đó là một lời khuyên “đừng xuất gia” thì có phần thiển cận, chỉ mới nhìn thấy bề nổi của lời khuyên mà không thấy được phần chìm vốn rất quan trọng trong triết lý “đạo ông bà” của người Việt. Đạo ông bà - là đạo lý thờ cúng, tôn trọng, hiếu dưỡng ông bà, cha mẹ khi người còn sống và đã khuất. Đạo Phật với lời dạy nền tảng “hạnh hiếu là hạnh Phật” khi vào Việt Nam vì vậy đã nhanh chóng hòa hợp, tiếp nhận một cách tích cực, trở thành quốc giáo xuyên suốt.
Dù có được chánh danh hay không thì trong lòng người Việt, đạo Phật cũng chính là “quốc giáo” gần gũi với tâm hiếu kính ông bà, cha mẹ - một đạo đức sáng ngời, thể hiện rõ lòng tri ân, báo ân của những ai là con người, mang đầy đủ ý nghĩa viết hoa của hai chữ ấy.
Ở nơi tịnh thất quê nhà, mẹ tôi vẫn ngày ngày kệ kinh - Ảnh: L.Đ.L
Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói đến ân trọng của đấng sanh thành và ví von với ân trọng Tổ quốc, quê hương rằng: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Tôn trọng truyền thống, đạo đức dân tộc, hài hòa với văn hóa Việt Nam nên Phật giáo liền giữ vị trí tiên phong là giáo dưỡng con người trở nên có đạo đức, có phẩm hạnh để làm người. Và trước khi tu để làm bậc Thánh (giải thoát) thì ta phải thực tập làm người với giá trị đầu tiên cần phải gìn giữ là hiếu kính cha mẹ, ông bà, biết ơn tổ tiên trong giềng mối huyết thống tiếp nối nhiều đời.
Do vậy, “Tu đâu cho bằng tu nhà” chính là lời khuyên về giữ đạo hiếu như một điều kiện tiên quyết để trở thành bậc Thánh trong hành trình tu tập, liễu sanh thoát tử sau này.
Hơn nữa, trong quan niệm của đạo Phật, hình ảnh cha mẹ với ân trọng như núi Thái Sơn, như biển cả mênh mông là hình ảnh của “hai ông Phật hiền đầu tiên và mình được gặp mỗi ngày”. Nên, trở về phụng dưỡng, chăm sóc đời sống vật chất - tinh thần cho cha mẹ thực ra cũng chính là cúng dường Phật.
Phật gần gũi như vậy đó, bởi Phật thực ra là hiện thân của tình thương, sự hiểu biết. Tình thương con, hiểu con của cha mẹ là một lẽ tự nhiên như tình thương mà Phật thương chúng sinh vậy, nên ta sẽ có và đã có những vị Phật rất gần mình, tưới tẩm cho mình hạt giống Phật nẩy nở trong tâm. Hạt giống Phật trong mình trước tiên và trên hết được khai nở từ tình thương và sự hiểu biết của ba mẹ, hạt giống ấy mang tên hiếu kính và biết ơn. Khi ta hiểu điều này thì ta sẽ thấy, dường như trong tâm thức của mỗi người con hiếu kính ông bà, tổ tiên, biết ơn và báo ơn cha mẹ thực sự đã là một Phật tử trong đạo tràng “nhà tôi”, nơi được nhiều người ví von là “tổ ấm”, là “chốn về bình yên” của mỗi người!
2. Gia đình là chốn về bình yên của mỗi người. Câu nói này làm tôi liên tưởng tới mái chùa cũng là nơi mỗi tâm hồn tìm về nương tựa để khuyến thiện chính mình, để giãi bày và hóa giải những nỗi khổ niềm đau, để thấy vô lo, không phải toan tính, mệt nhọc, lao chen như bên ngoài. Vì sự bình an của ngôi nhà hay của mái chùa nên người ta gọi đó là chốn bình yên. Bình yên bởi vì nơi đó có những con người thương nhau thật thà, tình thương toát ra tự đáy tâm hồn chứ không hề có một mảy may tính toán. Ở đó, bài học chị ngã em nâng cũng gần gũi như là bài học tu hành có bạn, giúp nhau đứng dậy, vượt qua, đi tới trước mọi lỗi lầm, cám dỗ!
Tình anh em, chị em trên phương diện huyết thống hay tâm linh cũng đều có chung cái gốc là thương nhau, hiểu nhau nên tin nhau, biết giúp đỡ nhau. Sự gần gũi đó tạo cho người ta cảm giác về nhà như là về chùa và ngược lại. Ý nghĩa đó, tôi học được từ một người bạn đồng đạo của mình. Và cũng vì thế, để hiểu và thương con nhiều hơn, chị đã khuyến khích con cùng đi chùa với chị, nghĩa là truyền cho con thông điệp: cùng nhìn về một hướng với mẹ!
Thiết nghĩ, người mẹ là người gần gũi trong việc giáo dục con cái hơn người cha, nhưng, nếu người cha biết tạo điều kiện cho người vợ có tâm lực, trí lực tốt thì cũng là gián tiếp góp phần giáo dưỡng con cái. Người ta hay thắc mắc và vẫn hay có cái nhìn hơi nặng nề về chuyện sao đàn ông ít đi chùa, chùa toàn phụ nữ. Thoạt đầu, tôi cũng có buồn và có gay gắt về chuyện các ông sao không chịu tới chùa để làm mới tâm mình, nhưng nhìn sâu tí mới thấy các ông cũng đang tu ở nhà, cũng đang cùng vợ mình, mẹ mình đi chùa, dù ít khi tới chùa.
Tôi nói với chị bạn của mình rằng: “Sỡ dĩ tôi nói vậy, nghĩ vậy là vì nếu các ông không đồng tình để cho người phụ nữ thân thương của mình đi chùa, thậm chí ra sức cản trở thì làm sao các bà có thể toàn tâm toàn ý tới chùa tu tập, làm việc thiện cho được. Người phụ nữ là hậu phương cho chồng mình trên chiến tuyến kinh tế gia đình, ngoại giao xã hội (nhìn chung), nhưng người đàn ông lại chính là hậu phương cho vợ trên chiến tuyến trau dồi nội tâm cao thượng nơi cửa chùa một cách an vui”.
Kể thêm để minh họa cho điều đó, chính là câu chuyện của chị Phật tử Diệu Trí - bạn đạo ở chùa Phước Viên (TP.HCM). Chị kể: “Chồng mình dễ thương lắm, khi mình đi chùa hoặc tụng kinh ở nhà ảnh đều chăm con giúp. Nếu không có ảnh giữ con thì mình không đi chùa, không công phu được đâu. Vì vậy, dù anh ấy chưa có đi chùa, tụng kinh, niệm Phật như mình nhưng ảnh cũng đang gián tiếp cùng mình làm những việc đó”. Chị bảo, đó là may mắn của cá nhân chị!
Tất nhiên, khi đến chùa được trực tiếp học và hành theo giáo lý Phật dạy một cách rốt ráo thì vẫn hơn, vẫn là điều mong ước. Nhưng, nếu được sự đồng tình, yểm trợ về mặt vật chất, tinh thần để người phụ nữ được tới chùa cũng là điều rất đáng tuyên dương, rất đáng để người phụ nữ trong nhà trân trọng biết ơn (như chị bạn Diệu Trí của tôi - NV), để ta không chỉ nhìn vào hình thức những người đàn ông trong nhà ít tới chùa hơn mình mà phiền muộn, trách móc…
Và tất nhiên là, người phụ nữ đi chùa về cũng cần phải thể hiện việc “thấm tương chao” của mình trong ứng xử (nghĩ-nói-làm) hàng ngày thì mới thuyết phục được những người thân thuộc của mình đến với đạo giải thoát. Đó là điều tôi được nghe cô Chúc Dưỡng ở Quảng Nam, nơi đạo tràng Viên Minh tự chia sẻ.
Phật tử Hà Thị Nuôi (Chúc Dưỡng) biết lời Phật dạy, hồi đầu quy y Tam bảo - Ảnh: L.Đ.L
Từng là người nơi cửa chợ, cô trải qua đầy đủ những sự buôn-bán với những tham muốn lãi nhiều, cho đến khi tiếp xúc với giáo lý, cô hiểu rõ một điều đó là những tâm-ý xấu ác, việc làm bất thiện. Rồi, từ chỗ thích ăn những món ngon vật lạ có nguồn gốc động vật, cô hồi đầu hướng thiện, phát tâm chay tịnh, đến trường trai. Đó là một sự “lột xác” từ tâm đến thân và cảnh, biểu hiện chính là: “Giờ cô không thích ăn mặc se sua, không sưu tập phấn son xịn, đồ hạng sang, không buôn bán những món hàng “vốn ít, lời cắt cổ” như xưa…”. Tin vui từ chính sự đổi thay ấy đồng thời là những đứa con gái yêu thương của cô hiểu đạo, thương ba má, biết lo học đạo, học kiến thức ngoài đời, sống thuận thảo…
Nhìn những biến chuyển mang tính chất an lạc đó, tôi quán chiếu và thấy được y báo, chánh báo của một người thực sự thiết tha tu tập sẽ được thay đổi ngay hiện đời, không chờ đợi gì xa xôi. Và khi, bản thân và con cái cùng có một mối quan tâm và hiểu biết như vậy cũng giúp cho chính hạnh phúc gia đình, giềng mối quan hệ mẹ con, cha con, vợ chồng trở nên khắng khít, thông hiểu và yêu thương nhau hơn!
3. May mắn đó cũng đến với chính tôi, trong đạo tràng “nhà tôi” giữa tôi và mẹ. Mẹ con tôi may mắn gặp Phật pháp, một trong những điều khó theo Đức Phật dạy (là “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”). Nghe, hiểu, tin và sách tấn cho nhau tu tập, đó là điều mà tôi vẫn thường “khoe” với mọi người về hai mẹ con, là niềm hạnh phúc mà tôi vẫn thầm cảm, biết ơn mẹ rất nhiều.
Thi thoảng, bạn bè vẫn hay hỏi về cái sự ăn chay trường, cái sự “độc thân” của tôi… có làm mẹ tôi buồn không. Những lần như vậy tôi vẫn thường… phân bua rằng: “Không có, không những không buồn, mẹ mình còn bảo mình nhanh nhanh xuất gia nữa đó chứ”. Và, sau lời “nói thêm cho rõ” đó luôn là cái nhìn ngạc nhiên của bạn, của những ai mới biết tôi, tò mò về những điều là lạ (thuộc về một người trẻ thời nay: ăn chay, độc thân, đi chùa!), và là lạ về mong ước của một bà mẹ (thông thường, bà mẹ nào cũng mong con mình thành gia lập thất, cháu con đề huề, thì mẹ tôi…).
Mẹ là bạn đạo hay con là bạn đạo. Đó là điều hạnh phúc và mơ ước của những ai liễu tri đạo Phật, bởi khi thực sự thấm lời dạy của Đức Thế Tôn mình sẽ thấy rằng, việc cùng với người thân-thương của mình thực tập Phật pháp chính là may mắn lớn. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì đó chính là “thuận duyên” tăng trưởng đạo tâm, giúp mình đi trên con đường giác ngộ vững chãi hơn.
Không ít quý thầy ban đầu trốn đi tu (từ những câu chuyện mà tôi nhận được bởi chuyên mục Chuyện những Thiên thần quét lá trên Giác Ngộ), sau thời gian tu tập có an lạc, hạnh phúc thì trở về giúp cha mẹ biết đạo, tu tập giải thoát như mình. Đó cũng chính là hành theo lời Phật dạy, hành theo công hạnh của những bậc giải thoát như Đức Phật (thuyết pháp độ Đức Tịnh Phạn Vương trước lúc mất, hay lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Thánh Mẫu Maya) hay Ngài Mục Kiền Liên (thiết lễ trai tăng cúng dường để nhờ thần lực mười phương Tăng chú nguyện, cứu mẹ thoát địa ngục - duyên khởi của ngày Vu lan).
Ngẫm nghĩ và nhớ về công hạnh của những bậc tu giải thoát, những bậc hiện tiền Tăng, những Phật tử chí hiếu để soi chiếu tự thân, để nhớ một điều rất căn cơ là: khuyến tấn cha mẹ biết tu tập, thiết lập đạo tràng “nhà tôi” cũng là báo hiếu, là dựng đạo tràng khắp nơi nơi, là xiển dương giáo pháp trên tinh thần “Phật hóa” những người thân-thương, gần gũi bên mình…
Nguồn tin: Lưu Đình Long
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự