Ai cũng có mẹ, cũng có quyền được mẹ yêu thương, được tự hào về người mẹ của mình. Tôi cũng vậy. Mẹ của tôi tuy không được bằng cấp bài bản, công việc ổn định như những người phụ nữ khác nhưng cái cách bà ấy lam lũ, xoay xở với cuộc sống để lo cho bốn anh chị em chúng tôi nên người là cả một niềm tự hào mà tôi chẳng thể nào bỏ quên dù một giây, một phút.
Con dẫu mang hình tướng nào thì vẫn chỉ bắt đầu bằng cái hình hài ngày xưa mẹ tặng mà thôi - Ảnh minh họa
Mẹ tôi làm nghề bán rau và một số công việc vặt vãnh khác ở chợ chiều. Thời gian trong ngày dường như mẹ dành hết cho gánh rau quả nhỏ và công việc chợ. Chưa một lần mẹ cầm tay tôi nắn nót rèn chữ, mẹ sợ đôi bàn tay run run sẽ làm những nét chữ đầu đời của đứa con bị nguệch ngoạc, lệch hàng lối như chữ của mình. Mẹ cũng không thể giảng giúp chúng tôi những bài toán, câu thơ nâng cao. Nhưng điều mà mẹ luôn răn dạy chúng tôi hàng ngày, đó là bài học về sự nhẫn nhịn và sống thật với bản thân, sống đúng đạo làm người.
Ngày đó, tôi mới học lớp hai. Bạn bè tôi mỗi buổi lên lớp thường khoe những món đồ chơi mới được bố mẹ tậu cho, hay rôm rả ngồi kể về những buổi chiều cuối tuần được chở đi chơi công viên, đi biển. Còn với tôi, những món đồ chơi ấy được thay thế bằng những chậu cây nhỏ tôi tự kiếm trồng trong khoảng sân eo hẹp trước nhà. Tôi không mong sẽ thu được quả ngọt hay hoa thơm mà chỉ ngô nghê với mong ước những chậu cây này lớn lên sẽ tỏa tán lá rộng ôm ấp ngôi nhà nhỏ bé của tôi qua những trận mưa giông, để mẹ tôi không phải tất tưởi từ chợ trở về nhà, phụ bố tôi đối phó với những vết sẹo khổng lồ hằn trên lớp ngói đã cũ mỗi khi mùa mưa bão miền Trung kéo về.
Ngày nọ, mẹ tôi đi bán ở chợ về, nhìn dáng mẹ liêu xiêu dắt chiếc xe đạp chở những bao tải nặng lên dốc nhà, tôi chẳng những không phụ mẹ một tay mà còn mải mê với chậu cây mới vun. Mẹ tôi mệt nhọc, hạ chân chống xe rồi vô tình đạp vỡ những chậu cây nhỏ dưới đất. Nhìn những người bạn bé nhỏ của mình nằm ngổn ngang , tôi òa khóc, nằm dãy ra giữa sân. Chẳng hiểu lúc đó, bản tính nào khiến tôi khóc mếu máo, vừa giận dữ, vừa đập đổ hết những chậu cây còn lại - những món đồ chơi mà tôi đã nâng niu, ra sức vun trồng hằng ngày, miệng không ngừng trách móc mẹ mình.
Đôi mắt của thằng bé bảy tuổi lúc ấy nhòa đi vì nước mắt giận hờn mà không nhìn thấy người mẹ mình đang đứng lặng đi, khuôn mặt vừa buồn vừa sững sốt. Để tôi khóc lóc, trách móc chán chê, mẹ tôi đưa tay chấm những giọt lấm tấm trên mặt bỏ vào nhà, không buồn nói một lời nào. Sau lần đó, tôi biết đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc. Biết mình có lỗi nhưng cái thơ dại, bướng bỉnh trẻ thơ đã không cho phép tôi mở lời xin lỗi mẹ, và rồi tôi cứ im lặng, lầm lì cho qua chuyện.
Kể từ dạo đó, ngày rằm hay những tối cuối tuần, mẹ hay dắt chị em tôi qua chùa chơi và nghe thuyết pháp, kinh kệ. Ban đầu khi chưa quen, tôi buồn ngủ, hay quấy mẹ đòi mẹ dẫn về. Sau mỗi buổi nghe pháp như vậy, cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, mẹ lại hỏi tôi: “Hôm nay ở chùa con đã nghe kể chuyện gì, con học được những gì?” và cứ thế hằng đêm, mẹ đưa tôi vào giấc ngủ bởi những câu chuyện, những bài thơ, bài kệ mà mẹ nghe được ở chùa. Tôi bắt đầu thích đi chùa với mẹ, thích thú những câu chuyện kể về đạo hạnh của Đức Phật, với những bài thơ, bài kinh kệ mà tôi thấy thật gần gũi với cuộc sống bé nhỏ của mình. Nhưng hơn hết là vì khi tôi vui thì tôi cũng thấy niềm vui trong mắt mẹ.
Tuy có thể mẹ không cùng chúng tôi giải toán, viết văn nhưng mẹ mượn những giờ phút ở cửa chùa để tịnh tâm cuối tuần và uốn nắn chúng tôi bằng những bài học đạo đức, bài học làm người.
Năm lên 10 tuổi, tôi xuất gia. Chùa tôi ở cách xa nhà lắm nhưng cuối tuần mẹ vẫn cứ tranh thủ chiều tối bán buôn xong lại qua thăm tôi. Một lần, tôi tặng mẹ chiếc áo tràng để mẹ mặc đi chùa, cầm chiếc áo tôi tặng trên tay, mẹ lặng im, không nói gì và đây là lần thứ hai tôi thấy mẹ đưa tay chấm những giọt lấm tấm trên mặt, nhưng có lẽ tâm trạng mẹ lúc này khác với lần trước và tôi lại giữ im lặng mà chẳng nói được thêm lời nào.
Còn nhớ một buổi chiều mưa cùng sư phụ ra chợ mua hoa về làm Phật sự, nhìn trong thấp thoáng bóng mưa rả rích, tôi thấy mẹ vẫn ngồi ở góc chợ, dưới chân là tấm bạt nhỏ với những bông hoa đã chực tàn và vài bó rau, quả cà, trái ớt nhỏ. Trời vẫn cứ mưa, còn lòng tôi thì đang có bão.
Tuy bây giờ không được ở bên mẹ thường xuyên nhưng tôi vẫn chưa bao giờ quên giọng nói, tiếng cười, đôi bàn tay run run và cả những bài học tuổi thơ bên mẹ ngày cuối tuần nữa. Bởi những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt đó lại là nền tảng cho cuộc sống của tôi bây giờ. Chợt nhớ đến lời dạy của Đức Phật trong kinh báo hiếu cha mẹ mà tôi được nghe thưở nhỏ:
Ví có người vì ơn
dưỡng dục
Tự treo mình cúng Phật thế đèn
Cứ treo như vậy trọn năm
Trải trăm ngàn kiếp ân thâm chưa đền.
Nguồn tin: Thái Phương Từ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự