Khóe mắt hơi cay, tôi thương cảm cho ông. Ở độ tuổi này, đáng lẽ ra ông phải được hưởng sự an nhàn, thảnh thơi. Thế mà ông vẫn phải mưu sinh kiếm sống giữa “chợ đời”. Trận mưa có thể gột rửa sạch mọi dơ bẩn, nhưng nó chẳng thể nào rửa được “những đắng cay kiếp người”, tôi tự hỏi: không biết giờ này người ba nơi vùng quê nghèo của tôi sao rồi?
Cơn mưa to và kéo dài khá lâu, tôi có cảm giác nó cũng giống như cái nghèo, cái đói đeo bám chặt với người dân quê tôi, bám chặt lên cuộc đời ba. Tôi nhớ…! Ba thường kể cho tôi nghe về cuộc đời của ba khổ ngay từ khi ba còn là một đứa trẻ.
Ba sinh ra trong một gia đình có bốn anh em trai, ba là anh cả. Do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khổ, ba đành phải nghỉ học từ lớp hai để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp ông bà nội, và cũng muốn để ba người em của mình có cơ hội cắp sách đến trường.
Khi lớn lên ba lập gia đình và sinh ra tôi. Lúc tôi vừa chào đời được hai tuần tuổi, thì một nỗi bất hạnh ập đến: “mẹ qua đời”. Ba phải đóng vai “gà trống nuôi con”, vỗ về khi con khóc, săn sóc lúc con đau, lo lắng từng bầu sữa cho con bú.
Cứ như thế, tôi lớn dần lên trong tình thương yêu của ba, tôi cũng được ba cho đi học như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Để có tiền cho tôi đóng học phí, có sách vở, có quần áo mới khi đến trường.v.v…ba phải đi làm thêm.
Ban ngày ba đi làm thợ hồ, tối đến ba đi khắp các nẻo đường, các hẻm phố để thu nhặt những bọc nilon, những cái chai vứt bỏ đem về bán kiếm thêm tiền cho tôi ăn học.
Nhiều khi nhà hết gạo, ba xin hàng xóm cho tôi được một chén cơm, ba nói: “hôm nay ba không đói, nấu cơm mất thời gian con ăn chén cơm này đi rồi đi học”. Còn ba thì chạy ra trước sân có cái bể nước mưa, ba múc hai ca nước to rồi uống một cách ngon lành. Tôi vừa ngồi ăn, vừa nghĩ: chắc là trời nắng ba khát nước, nên uống cho hết khát.
Thật đúng là suy nghĩ của trẻ con, tôi chẳng hiểu gì hết. Mãi về sau khi tôi lớn, tôi mới biết ba uống nước như thế là cho đỡ đói…
Thương ba, muốn thoát ra cảnh đói nghèo, tôi cố gắng học và trở thành một học sinh giỏi trong những năm ngồi trên ghế nhà trường. Và có lẽ món quà duy nhất mà tôi có thể dâng tặng cho ba là khi trên tay tôi cầm tờ giấy “trúng tuyển đại học”. Ba nở một nụ cười thật tươi mà chưa bao giờ tôi thấy ba cười tươi như vậy, nhưng ngay sau đó thì nét buồn lại trở về trên khuôn mặt gầy xanh của ba. Tôi chợt hiểu…ba sẽ phải lo tiền học phí cho tôi nữa.
Lần đầu tiên rời xa ba lên thành phố học, mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm. Nhưng ba là nguồn động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, tôi vừa học vừa kiếm việc làm thêm để phụ giúp một phần nào học phí, cho ba bớt khổ.
Bốn năm đại học cũng kết thúc, tôi ra trường và may mắn tìm được việc làm ngay sau đó. Hàng tháng tôi trích một phần lương ít ỏi của mình gửi về cho ba khi ba tuổi già sức yếu, nó chẳng đáng gì so với sự hi sinh thầm lặng cả một đời của ba nhưng đối với tôi, nó là tất cả tâm tư, tình cảm của một người con gửi vào trong đó.
Thường ngày, sau thời gian làm việc tôi hay đến chùa tụng kinh để hồi hướng công đức cầu nguyện cho ba được mạnh khỏe. Khi tụng kinh Vu lan, nghe những lời dạy của Đức Phật về công ơn cha mẹ to lớn khó gì có thể so sánh được, khiến con nhớ và thương ba nhiều hơn.
Sáng chủ nhật, khi đang ngồi thư giãn đầu óc sau một tuần làm việc căng thẳng, tôi nhận được một cuộc điện thoại của chú Hà (người em trai út của ba). Không khí trở nên nặng nề, ảm đạm khi tôi nghe chú nói: “Ba con ho kéo dài cả tháng uống thuốc không khỏi, chú đưa ba con đi khám bệnh bác sĩ nói ba con bị lao phổi nặng, khó qua được…”.
Tôi khóc. Tôi sợ. Tôi thương ba. Chỉ vì nghèo khổ, chỉ vì muốn cho cuộc đời tôi sau này sung sướng mà ba phải hi sinh cả cuộc đời, thức khuya, dậy sớm; buôn tảo bán tần. Giờ kết quả ba lại bị căn bệnh lao phổi hành hạ. Những tưởng cuộc đời ba sẽ có những tháng ngày hạnh phúc khi tuổi già, nhưng trớ trêu thay…
Ba ơi! Những cơn ho kéo dài hành hạ thân xác ốm gầy của ba, thì nó cũng đang xé tan từng mảnh tim miếng phổi của con ba ạ. Việc con có thể làm lúc này là cầu nguyện Đức Quan Thế Âm Bồ-tát hầu mong ba có thể vượt qua căn bệnh này.
Mong ba mạnh lành bên con, nha ba...
Nguồn tin: Diệu Huệ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự