Từ thuở ấu thơ cho đến trưởng thành, chúng ta được biết tới rất nhiều các câu ca dao tục ngữ hay những bài thơ ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm ông bà cha mẹ anh em v.v.. Tình yêu ấy đã nuôi lớn tâm hồn của mỗi chúng ta, cảm xúc của mỗi con người chúng ta dâng trào theo những tác phẩm thơ ca sâu lắng làm lay động lòng người. Bên cạnh đó nó còn được thể hiện qua những công trình nghệ thuật, những tác phẩm điêu khắc bất hủ nhằm nêu cao vấn đề luân lý đạo đức, tình cảm yêu thương.
Khi còn nhỏ chúng ta được sống quây quần bên gia đình người thân, lớn lên thêm chút nữa vì công việc học tập hay vì lý tưởng nào đó đã làm ta phải xa rời nơi chôn nhau cắt rốn, xa người thân yêu, để lại sau những niềm nhớ nhung da diết, đâu đó ta còn thấy những thiếu phụ vọng phu bồng con hóa đá chờ chồng, v.v... Những sự rung cảm đó, từ bậc quân vương cho đến thứ dân, dù là người lành lặn hay khiếm khuyết, ai ai cũng có thể ít nhất một lần rơi lệ.
Đó là những cảm nhận từ con người, còn cảm nhận về các loài vật khác thì sao? Giả sử nếu chúng ta hiểu ngôn ngữ của nó, thì khi ấy có lẽ trên cuộc đời này sẽ có nhiều hơn những tác phẩm ca ngợi tình yêu, cuộc sống đạo đức, cùng với những bản tình ca bất hủ v.v... rực rỡ qua từng thời kỳ. Thật tiếc thay, chúng ta không hiểu ngôn ngữ ấy, tuy nhiên với tư duy của mình đâu đó ta cũng cảm nhận đựơc một phần nào bằng ánh mắt của mình, khi nhìn đàn gà mẹ ủ đông hay tìm mồi cho đàn con mới nở, hay chú bê gọi bầy nũng nịu, và mỗi sớm mai từng đàn từng cặp chim muông hót vang tiếng hát ái tình, tiếng gọi đàn nghe tràn đầy hạnh phúc và dưới đại dương kia, loài hải tộc cũng đang vẫy vùng đùa vui.
Và trong chúng ta cũng thế, không ai thích chứng kiến cảnh vợ xa chồng, mẹ xa con, người thân bị ngược đãi v.v... nhưng chúng ta lại đem cái mong muốn hy vọng nguyện cầu đó của mình tưởng phản lại khi đối xử các loài vật khác. Từng nhát dao, từng lưỡi búa cắt đứt sinh mạng, chia rẽ niềm vui bầy đàn của chúng. Sao chúng ta không thử một lần suy nghĩ từ sự cảm nhận của cá nhân mình mà thông cảm đến muôn loài? Sao không tâm lý một chút để hiểu tình yêu đôi lứa của chúng, con người chúng ta luôn tự cho mình là đỉnh cao, là tối thượng, để các loài kia phải đem thân xác mình phục vụ.
Có lẽ tuổi thơ của chúng ta không có ai khi lần đầu tiên cầm con dao mà không run sợ. Nhưng cái tâm rung động đó bị hao mòn bởi thời gian, nó trở nên vô tình sỏi đá, để rồi biết bao thân xác bị ra đi dưới bàn tay của chúng ta, mà không bất kỳ sự cảm nhận nào. Lúc này tâm hồn nhạy cảm của chúng ta đã bị các thói quen ham muốn về tiền tài, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ v.v.. chiếm chỗ.
Đến khi về già, những cái ham muốn vụng về kia đâu còn chỗ nương thân, lúc ấy trong lòng mới cảm nhận được nỗi đau của đồng loại, nỗi đau của các loài. Hình ảnh con cá rướn mình đau đớn, con gà cố nhìn bè bạn, tiếng hét kêu gào v.v... Quá khứ tạo nên những gì thì giờ này hiện ra như cảnh cũ, chỉ có khác là sự cảm nhận hối hận tận đáy lòng. Song không còn cách để đền trả, vì sự sống luôn bình đẳng, sinh mạng nào cũng có giá trị như nhau, chỉ một thân một mạng thì làm sao bù đắp hết được.
Càng về giây phút cuối của cuộc đời, cái cảm nhận đó càng rõ ràng sâu sắc, cũng chính lúc này tâm hồn cảm nhận thế giới bên ngoài khách quan nhất, nhạy bén nhất, rung động nhất. Thế nhưng khi ra đi thì nhân nào quả nấy, chúng ta tự chọn con đường trả nghiệp khách quan nhất, bình đẳng nhất cho mỗi chúng ta.