Gương người xưa: Người có thể bao dung mới làm nên đại sự

Thứ tư - 25/10/2017 16:39
Lâm Tắc Từ, một vị quan thời nhà Thanh từng nói: “Biển vì dung nạp trăm sông mà trở nên rộng lớn”. Con người cũng vậy, chỉ khi có tấm lòng bao dung rộng lớn mới có thể làm nên đại sự, lưu danh muôn đời.

Sở dĩ biển rộng mênh mông không bờ không bến, không có giới hạn là bởi vì nó không cự tuyệt bất kỳ một giọt nước nào. Núi sở dĩ có thể đứng cao sừng sững vạn trượng là bởi vì nó không cự tuyệt bất kể một hòn đá nhỏ nào.

Lẽ trời cũng là lẽ của con người, chính bởi vì có thể bao dung mới có thể thành tựu được “biển rộng, núi cao”, cũng cải thiện được mối quan hệ giữa con người và con người, thành tựu được sự nghiệp to lớn lưu mãi ngàn đời của các bậc anh hùng, hào kiệt xưa nay.

Bao dung là một loại khí phách, cũng là một loại trí huệ. Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của Tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng quảng đại, rộng lớn bao nhiêu thì sự nghiệp sẽ to lớn bấy nhiêu.

Trong lịch sử, có rất nhiều bậc anh tài, tướng tài vì bao dung mà làm thành được việc lớn. Bào Thúc Nha biết rõ và quý trọng nhân tài, không so đo tính toán hiềm khích cũ mà bao dung tiến cử Quản Trọng. Lận Tương Như hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác, nên ba lần bảy lượt né tránh và bao dung cho sự khiêu khích ngang nhiên của Liêm Pha.

Gia Cát Lượng khéo dùng sách lược thuyết phục mà “bảy lần bắt, bảy lần tha” Mạnh Hoạch – người một mực không phục. Lý Thế Dân bao dung hết thảy những khuyên ngăn thẳng thắn của Ngụy Trưng… Chính bao dung đã thành tựu cho sự huy hoàng của họ, càng thúc đẩy sự phát triển của lịch sử loài người.

Sống không tranh, không đố kỵ được sử sách lưu danh, người người kính trọng

Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ điển hình về người đạo đức cao thượng, sống không tranh, bao dung rộng lượng, ung dung tự tại với đời. Lữ Dư Khánh thời nhà Tống là một trường hợp như vậy. Lữ Dư Khánh là cận thần của vua triều nhà Tống – Tống Thái Tổ. Ông là người không hề có tâm ghen tức đố kỵ, có đức hạnh và bao dung giản dị.

Thời gian Triệu Khuông Dẫn đang nhậm chức Đồng Châu Tiết độ sứ, đã nghe nói Lữ Dư Khánh có tài năng hơn người, bèn xin triều đình đề bạt ông làm Định quốc quân chưởng thư ký. Về sau, Triệu Khuông Dẫn được cử đi nhậm chức ở các nơi, Lữ Dư Khánh đều đi theo phụ tá ông.

Lữ Dư Khánh có thể nói là bề tôi trung thành và đứng đầu của Tống Thái Tổ. Sau khi Tống Thái Tổ lên ngôi vua, Triệu Phổ, Lý Xử Vân đều được thăng chức và bổ nhiệm làm quan, nhưng Lữ Dư Khánh lại không được trọng dụng. Thường thì người nào trong tình huống như thế cũng sẽ thấy bất bình trong tâm, nhưng Lữ Dư Khánh lại không để bụng chút nào.

Không lâu sau, Lý Xử Vân bị giáng chức làm quan coi sóc Tri Châu. Lữ Dư Khánh từ ngoại thành trở về đô, Tống Thái Tổ trưng cầu ý kiến của ông thật kỹ càng về chuyện của Lý Xử Vân. Đối với việc Hoàng đế trọng dụng Lý Xử Vân, Lữ Dư Khánh chẳng những không hề có tâm đố kỵ hay oán giận, mà còn phân biện và giải thích cho ông ta. Hoàng đế cho rằng Lữ Dư Khánh nói rất có đạo lý.

Một lần khác, Triệu Phổ làm trái với mệnh lệnh của Hoàng đế, những người xung quanh đều tranh nhau bài xích gièm pha Triệu Phổ. Chỉ có một mình Lữ Dư Khánh đứng ra biện giải cho ông ta, nhờ đó Tống Thái Tổ mới dần dần nguôi giận.

Lữ Dư Khánh có tấm lòng bao dung độ lượng, trung nghĩa vô tư, không có tâm đố kỵ, người thời đó đều ca tụng ông là vị trưởng lão có đức hạnh. Ông làm quan đến chức Thị lang bộ Lại, Thượng thư tả thừa, trong cuộc đời làm quan có rất nhiều thành tích phi thường lớn. Ông luôn sống đạm bạc, thản đãng, không tranh với đời như vậy được người đời vô cùng kính trọng và sử sách lưu danh ngàn đời.


Làm người, vừa phải bao dung được những thứ tốt và không tốt, còn phải bao dung chính mình. (Ảnh: Ydvn)

Chí công vô tư, lấy đại cuộc làm trọng mới làm được việc lớn

Tô Đĩnh là người huyện Vũ Công, Kinh Triệu vào thời nhà Đường. Thuở nhỏ ông tài hoa xuất chúng, 17 tuổi đã thi đỗ Tiến sỹ. Về sau, ông được thăng đến chức Trung thư xá nhân, cùng cha là Tô Hoàn quản lý việc cơ mật, phụ trách tiếp nhận các bản tấu trình của triều thần bốn phương và truyền đạt lệnh vua.

Tô Đĩnh bản tính thanh liêm tiết kiệm, làm quan thường ngay thẳng khuyên can, tài hoa bộc lộ, bao dung rộng lượng nên rất được Đường Huyền Tông (712 – 756) trọng dụng và khoản đãi.

Năm Khai Nguyên thứ 4 (tức là năm 716 Tây lịch), Tô Đĩnh được thăng chức Tử Vi hoàng môn, được phong làm Hứa quốc công, cùng với Tống Cảnh chủ trì chính sự (việc triều đình). Tống Cảnh là người cương trực, quả đoán, gặp chuyện thường hay tự mình cân nhắc quyết định mà không bàn bạc gì với Tô Đĩnh. Nhưng Tô Đĩnh đều không để tâm, rất tôn trọng những phẩm chất tốt đẹp của Tống Cảnh, dung nạp được hết những ý kiến của Tống Cảnh.

Tống Cảnh ở trước mặt Hoàng đế tấu trình sự việc, nếu có chỗ nào thiếu sót, Tô Đĩnh luôn ở bên cạnh trợ giúp và bổ sung, không hề so đo, khó chịu. Hai người họ phối hợp với nhau hết sức ăn ý, Hoàng đế thường vui lòng chấp thuận những kiến nghị của họ.

Tống Cảnh từng nói với người khác: “Ta và cha con nhà họ Tô cùng nhau làm Tể tướng. Phó xạ Tô Hoàn thì trung hậu và có tài năng thiên phú trong việc trị nước. Còn nếu nói về việc khuyên can khuyến cáo nhà vua, làm tròn bổn phận của bề tôi, gặp chuyện thì quyết đoán, chí công vô tư, ngày hôm nay Thừa tướng Tô Đĩnh đã vượt hơn cha mình“.

Một nhà thơ nổi tiếng từng nói: “Một con người vĩ đại có hai trái tim: Một trái tim chảy máu và một trái tim bao dung”. Khổng Tử cũng nói: “Khoan dung thì được lòng mọi người”. Trong kinh Phật cũng nói: “Chỉ một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi”. Cho nên, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ để khiến cho người xấu quay đầu hướng thiện.

Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không ai hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi.

Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ chi bằng bao dung hết thảy, chẳng phải sẽ được thản nhiên và tự tại sao?

Tuy nhiên, bao dung không phải là bao che cho sai lầm của người khác, không phải là dung túng để người khác phạm sai lầm mà là để tạo cơ hội tốt cho người khác sửa sai. Có những lúc, bao dung đem lại kết quả tốt đẹp hơn gấp ngàn lần sự trừng phạt. Đây cũng là lời khuyên răn và cách giáo dục của bậc thánh hiền xưa.

Nhà văn Victor Hugo của Pháp từng nói: “Trên thế giới thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn hơn đại dương lại là bầu trời. Mà thứ rộng lớn hơn cả bầu trời lại chính là lòng người”.

Biển rộng nguyện ý dung nạp những giọt nước thanh khiết nhất, và cũng nguyện ý dung nạp những giọt nước dơ bẩn nhất. Vì thế mà nó mới trở nên rộng lớn, không bờ không bến. Trăng sáng có thể chiếu rọi cho những nơi sông núi mịt mờ, cũng có thể chiếu rọi lên khắp mặt đất, không chê một ai. Làm người, vừa phải bao dung được những thứ tốt và không tốt, còn phải bao dung chính mình, bao dung người khác và bao dung vạn vật trên thế giới thì mới thành tựu được một cuộc đời mỹ mãn.

Nguồn tin: Tinhhoa.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây