Hương thẳng, hương cong, đâu bằng “tâm hương”

Thứ sáu - 30/08/2013 15:11
Đi sâu tìm hiểu đạo Phật, nhờ có đạo Phật tôi thấy tự tin lên rất nhiều, không còn nghe theo lời tư vấn của những ông lang, bà cốt, thầy cúng, thầy bói...
Tôi cũng không cần nhờ đến dịch vụ mà ở đó nặng chữ "tiền", chữ "tính" dù là dịch vụ đó diễn ra ở đâu.
 
Dịch vụ bốc "bát hương" giá cả tùy hứng...
 
Dịch vụ bốc bát hương tuy không còn ồn ào, náo nhiệt như những năm trước, nhưng dịch vụ bốc bát hương vẫn tồn tại những điều đáng suy nghĩ.
 
Đầu xuân năm nay tôi đến một ngôi chùa ở Hà Nội, thấy cảnh người đông nườm nượp, khói hương ngút trời. Tôi cứ nghĩ có đại lễ gì to lắm, nhưng không phải, mà hàng trăm bát hương bầy la liệt, kín các bục, các bàn, rồi như chưa đủ chỗ, bát hương được bày ra cả hành lang, hay ngay dưới đất, miễn là có chỗ trống....
 
Hỏi ra mới biết, người ta đến đăng ký bốc bát hương, đó mới là thủ tục ban đầu, còn đợi làm lễ, sau một tuần đến nhận "bát hương" về.
 
Nhà chùa gắn với đời sống tâm linh của mỗi gia đình Việt, tục lễ đó thật đẹp và đáng quý. Mỗi gia đình khi có việc tâm linh đều đến hỏi quý Thầy, đó cũng là điều đáng quý, nhưng với bách gia trăm họ, nhận thức khác nhau, cách hiểu khác nhau, đáng ra điều gì không đúng tâm linh đạo Phật các quý Thầy nên cương quyết không nhận, hoặc khuyên bảo phật tử nên thực hành đúng chánh pháp thì mọi sự trở nên viên mãn hơn.
 
Các quý Thầy là người hướng đạo để chúng sinh nương tựa, chứ không phải là nơi để chiều theo "nhận thức" của chúng sinh?
 
Đằng này, tùy theo mục đích bốc bát hương, sẽ có giá khác nhau, bốc bát hương Thần tài một mức giá, bốc bát hương thờ hương linh mới mất lại một mức giá khác, bát hương Thần linh, bát hương Tổ cô, bát hương gia tiên...mỗi loại một mức giá.
 
Hóa ra, bốc bát hương cũng có phân cấp: Thánh, thần, thổ công, gia tiên, vong linh mới… Chắc, cấp càng cao, giá tiền càng cao?
 
Năm ngoái, nếu đến chùa PK ở Ngã Tư Sở bốc bát hương, thì bạn sẽ được chỉ chỗ vào ghi tên và hẹn ngày, nhà chùa thu 100.000 đồng (đồ lễ tự sắm). So với thời đó thì không thấp nhưng cũng không cao, vì nếu đi nơi khác nhờ mà họ bảo tùy tâm thì mình chắc cũng chi tầm đó. (trích ý kiến thành viên diễn đàn Làm cha mẹ, nick hanhphuc_trontron).
 
 
Đó là còn chưa kể bốc bát hương làm lễ khánh thành, chấn trạch, động thổ, động thủy, bát hương riêng nhà thờ họ… Nghĩa là, “nội dung” càng quan trọng, thì “hình thức” càng hoành tráng. Bát hương, chỉ là chuyện nhỏ, nhưng số ăn theo mới đáng nói: Nào vàng mã, cỗ bàn, tiệc tùng linh đình… Nhớ có chuyện trình đồng, mở phủ, chủ điện “căn” càng cao thì tiệc càng lớn, bội thu tiền công đức ngày “mở hàng”, dù chi phí vàng mã, cỗ, lộc… cũng vài chục thậm chí cả trăm triệu đồng là thường.
 
Ở các điện thờ, như thầy cúng, thầy bói bốc bát hương có dịch vụ hẳn hoi đã đành, ở Chùa sao lại làm như vậy, đó có phải là giáo lý đạo Phật không? - một nick name khác, chia sẻ trên diễn đàn.
 
Dẫu cong, hay thẳng: Đâu bằng “tâm hương”
 
Cái chuyện bốc bát hương vốn dĩ đã "phức tạp", lại còn việc thắp hương, đa dạng lựa chọn từ hương vòng đến hương nén, các chủng loại nào là hương trầm, hương thảo mộc, hương không uốn tàn, hương tốt cho sức khỏe, hương mùi quế…
 
Dù bây giờ, nhiều người đã dùng hương sạch, không chất bảo quản, không hóa chất độc hại, nhưng vẫn không ít người cầu kỳ: Hương để thắp là phải thơm, cây dài để cháy lâu, uốn tàn mới đẹp. Số nén hương được thắp, cũng quyết định không nhỏ may mắn, thành bại…Ôi thì đủ thứ niềm tin, đủ thứ lý thuyết mà không biết từ đâu ra?
 
Có người nói, thắp hương phải thắp 3 nén, vì đó là thể hiện chữ Tâm (mới đầu còn ngô nghê, tôi cũng nghe theo, thế là cứ về nhà, bát hương nào cũng phải 3 nén. Mà nhà tôi tận 5 bát hương, mỗi lần thắp phải thắp đủ 15 nén hương).
 
Một ngày, tôi giật mình như phát hiện ra điều gì to tát lắm: Tôi reo thầm, á à, 3 nén hương là Tam, mà Tam thì gần gần Tâm, thì gọi là Tâm. Và tôi nhớ, nào là 5 nén là số sinh, 6 nén là lộc, 9 nén là trường tồn…
 
Khi thắp hương xong, tàn hương cong, lượn, uốn tròn… với rất nhiều người, như thế mới thiêng, mới được phù hộ. Vậy thì, như tôi hiểu, nếu nén hương tàn hết, tàn thẳng đứng là tốt nhất, vì Tâm mình “ngay thẳng”, còn uốn tròn, thì không lẽ tâm mình lại vòng vo…?
 
Cứ có các buổi lễ, đương nhiên tại đền, đình hoặc tư gia… khi hương tàn gần hết, nếu uốn đẹp, ai cũng trầm trồ: Đấy các ngài chứng cho đấy… Sướng nhé!
 
Ơ, sướng cái gì nhỉ? Nếu là bạn, bạn thấy cảm xúc của mình thế nào?!
 
Dù chưa có điều kiện để có phòng thờ riêng, nhưng tôi luôn tâm nguyện, khi có điều kiện, tôi dành một gian riêng diện tích vừa phải, tôi sẽ sắp xếp, bao sái lại bát hương, bài trí lại ban thờ. Tự làm lễ, đọc Kinh, sắm sửa đồ trang trí. Tất nhiên gọn nhẹ, hợp lí về kinh tế. Cúng chay thôi, thanh bông hoa quả, không cần cầu kỳ chọn ngày, chọn tháng...thuận công việc, tủy hỷ công đức trong Tâm mà tiến hành...
 
Từ những việc mắt thấy, tai nghe, tôi đã đi sâu tìm hiểu đạo Phật, nhờ có đạo Phật tôi thấy tự tin lên rất nhiều, không còn nghe theo lời tư vấn của những ông lang, bà cốt, thầy cúng, thầy bói...Tôi cũng không cần nhờ đến dịch vụ mà ở đó nặng chữ "tiền", chữ "tính" dù là dịch vụ đó diễn ra ở đâu.
 
Sáng nào, trước khi ra khỏi nhà tôi cũng thắp một nén hương, với tôi đó là nén tâm hương.
 
Tôi rất cần những quý Thầy, những sứ giả của đức Phật nâng đỡ trên bước đường tu học, tôi không cần dịch vụ nặng tính mê tín dĩ đoan, thần bí.
 
Tôi biết, vốn dĩ cuộc đời đã lớp lớp vô minh che phủ, chúng tôi cần quý Thầy khai sáng, giúp tôi và giúp đời hiểu đúng chánh Pháp đạo Phật.
 
Điều đó đỡ phí một đời tu! - Thầy của tôi đã dạy tôi như vậy, Thầy nói đó là bổn phận và trách nhiệm chính của người tu hành!

Nhưng Thầy ơi?! Những điều Thầy dạy không phải ở ngôi chùa nào con cũng tìm thấy, vẫn còn đó những ngôi chùa - trách nhiệm của người tu hành, người trụ trì như thế nào để Chùa là nơi truyền bá chánh Pháp?

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây