Vì sao ta không thể dứt ra được trong Tình yêu?

Chủ nhật - 01/09/2013 20:52
Địa cầu này có thể tan chảy nhưng tình thương thì đừng vỡ tan. Chính tình thương giữa con người và muôn loài mà tạo duyên cho địa cầu hồi sinh, cho sự sống ở các địa cầu khác trỗi dậy.
Dứt bỏ những ham muốn nhỏ nhoi để gìn giữ cái to lớn và vĩ đại hơn. Cuộc đời này vốn trong trẻo, đẹp đẽ và dễ thương lắm. Đừng để nó trôi đi một cách oan uổng trong lo toan, muộn phiền.

Mùa xuân đang đến và bên ngoài người ta bắt đầu nói đến chuyện tết này sẽ mua cây mai hay cây quất về chưng trong nhà. Gió xuân nhẹ thổi làm mát dịu cả da thịt. Tôi thường hay dậy sớm ngồi thiền và nghe tụng kinh. Giữa đêm khuya hay sáng sớm, ra ngoài ban công đứng, lắng nghe âm thanh tĩnh lặng cũng rất thi vị. Sự tĩnh lặng cũng có âm thanh của riêng nó, mà tĩnh lặng không phải là không có âm thanh gì cả. Thỉnh thoảng tôi nghe âm thanh một chiếc xe vụt qua, tiếng kẽo kẹt của người đẩy chiếc xe bán hủ tíu sáng hay tiếng con chuột kêu rút rít nữa.

Tĩnh lặng thì mới nghe được những âm thanh này, kể cả nhịp tim đập trong lồng ngực hay tiếng mạch đập ở cổ. Có những điều tưởng chừng sẽ mãi mãi ở bên người nhưng không ngờ, khi bình minh thức giấc, nó lại ra đi. Người có thể muốn níu kéo, muốn gây dựng lại, muốn hâm nóng hay muốn kéo dài thêm. Tình yêu có thể đẹp như bình minh buổi sáng, có nắng, có gió, có tiếng chim sơn ca, hay có dàn thiên lý, nhưng tình yêu cũng có thể là buổi trưa, nóng bức và ngột ngạt, rồi buổi chiều, mưa rơi ướt cả lối đi và lạnh lẽo. Do nóng bức nên mong mỏi sự mát mẻ như nắng hạn mong mỏi cơn mưa rào.

Do lạnh lẽo nên thèm thuồng sự ấm áp như bầu trời xám xịt mong mỏi vài tia nắng lẻ loi. Đã biết nhiều buồn phiền trong tình yêu, nhưng sao người không thể dứt ra được? Người nói, Mình sinh ra là để yêu mà. Đành là vậy, nhưng yêu thì phải có hạnh phúc chứ, còn nếu không có hạnh phúc thì người dứt nó ra đi. Người nói, Dứt làm sao được mà dứt, dứt tình yêu rồi mình không sống nổi đâu. Gì mà không sống nổi, tình yêu thôi mà, có gì ghê gớm lắm đâu. Có lẽ người cô đơn quá nên người cần tình yêu đến vậy, người chưa biết cách sống một mình, cách mà sống không cần đến tình yêu nhưng vẫn tràn ngập tình yêu.

Cuộc đời này vốn dĩ rất trong trẻo. Này đây là bầu trời trong trẻo, này đây là cái cây trong trẻo, này đây là nụ cười trong trẻo, này đây là đôi bàn tay trong trẻo. Ngày nào tôi cũng ra ngoài nhìn ngắm bầu trời. Không phải là tôi rảnh rang. Mặc dù có nhiều việc làm lắm, nào là đi dạy học, nào là làm việc, nào là viết sách, nào là ngồi thiền, nào là gọi điện thoại cho mẹ, nhưng tôi vẫn dành thời gian làm bạn với bầu trời. Bầu trời bao la, bàn tay tôi nhỏ bé không thể ôm trọn nhưng bầu trời có thể ôm lấy tôi. Ánh mặt trời đang ở trong tôi và cả bầu trời kia bỗng chốc là của tôi. Tôi thích ngắm nhìn bầu trời vì chẳng có ai giành bầu trời với tôi cả. Bầu trời không có ghen tỵ, không có tính toán, và đặc biệt là bầu trời rất chung thủy, không có lăng nhăng.

Buổi chiều bớt nắng, tôi ngồi nhìn bầu trời thật lâu và nhìn sâu vào thăm thẳm, tôi chẳng thấy gì ngoài sự trong trẻo của nó. Trước chỗ tôi ở không có cái cây nào nhưng lại có giàn thiên lý. Nhà người ta trồng giàn thiên lý nhưng tôi là người được hưởng. Vài chú chim thỉnh thoảng đậu gần đó hót tíu tít. Hết ngắm bầu trời rồi lại ngắm giàn thiên lý. Mấy bữa tôi nhập thất tu thiền, ngồi bên cửa sổ hay cửa ban công, bầu trời và giàn thiên lý là bạn của tôi, nhưng tôi không có lo mấy người bạn này chạy mất. Buổi tối tôi đi ngủ thật thoải mái vì tối biết chắc là ngày mai bầu trời sẽ vẫn còn ở đó và giàn thiên lý cũng sẽ ở đó, có khác chăng là bầu trời thêm xanh và vài bông hoa thiên lý lại nở ra.  Mấy đứa nhỏ đi học về ngang chỗ tôi ở. Tụi nó nói huyên thuyên rồi cười khanh khách. Nụ cười trong trẻo vang vào tận phòng tôi. Nghe được trẻ em cười là may lắm. Trẻ em là hòa bình và nụ cười trẻ thơ như bông hoa hòa bình vậy. Tôi cũng có thể trồng một nụ cười như thế.

Trẻ thơ không lo lắng gì ngoài việc học hành và vui chơi nên nụ cười của chúng rất hồn nhiên, không đắn đo, không kiểu cách. Tôi thích cười thoải mái. Nhiều khi lớn rồi mới học cách cười của trẻ thơ, cười một cách chan hòa. Rồi tôi ngắm nhìn đôi bàn tay. Đôi bàn tay thật kì diệu. nó có thể là bàn tay của mẹ hay bàn tay của Phật. Tôi hay đưa tay cho mẹ tôi xem. Mẹ tôi nói, Tay con trai gì mềm mại như tay con gái. Mà đôi bàn tay trong trẻo thật. Nếu đem bàn tay này chăm sóc cho bản thân và những người xung quanh thì đó là bàn tay của mẹ, còn nếu đem bàn tay chăm sóc chúng sinh thì đó là bàn tay của Phật. Mẹ là thương yêu và Phật cũng là thương yêu. Lắm lúc ngồi suy nghĩ, sao Phật ngày xưa giỏi quá, cái thì cũng có thể dứt ra được, nên Phật thật trong trẻo, còn mình thì cái gì cũng ôm vào, cũng mang cái đòn gánh vào nên ngày càng chuyên chở đủ thứ, không nỡ dứt ra. Cho nên, mình không có được trong trẻo lắm, mình chưa thể là mẹ, chưa thể là Phật. Nói vậy chứ thật ra mình cũng có khả năng làm mẹ và khả năng làm Phật, chỉ cần dọc đường, mình bỏ bớt vài thứ cho đến khi không mang vác gì nữa, lúc này mình mới thật sự trong trẻo.

Nếu vào chùa tu tập, người sẽ có những bạn đồng tu. Sống trong tăng thân, người không thấy cô đơn mà luôn được cưu mang hay soi sáng bởi những người bạn. Có câu, Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Tu tập một mình thì tốt, nhưng tu với bạn thì tốt hơn. Người may mắn được bao bọc bởi tăng thân và nương vào tuệ giác của tăng thân mà phát triển. Bạn đồng tu như một vị giáo thọ trẻ hay một tăng thân như vị sư phụ dẫn dắt người đi qua khỏi những khổ đau của thế gian một cách vững chãi và đường hoàng. Xây dựng tăng thân là nuôi dưỡng cộng đồng tu học, cộng đồng có niệm, có định, có tuệ, có hạnh phúc thực sự trong đời sống tâm linh. Nếu không tìm thấy hạnh phúc nơi thế gian thì sao không tìm hạnh phúc nơi đời sống tâm linh, đời sống mà có thể giúp người không còn dính mắc vào những ảo tưởng mông lung của thế gian nữa.

Trong thế gian, không thấy cái này thì thấy cái kia, như không thấy trăng thì thấy sao, không thấy hạnh phúc thì thấy khổ đau, không thấy niềm vui thì có thể gặp phải những chuyện buồn phiền. Thế gian không trong trẻo thì dứt thế gian mà đi. Thế gian có gì đâu mà phải lụy vào, nhưng dứt thế gian không có nghĩa là từ trần hay bỏ trốn. Dứt thế gian thì ở ngay thế gian mà dứt. Phật mang các yếu tố của chúng sinh, thánh mang các yếu tố của phàm và xuất thế gian mang các yếu tố của thế gian. Niết bàn chỉ có thể tìm ngay giữa lòng sinh tử. Người nằm trong vùng khổ đau của tình yêu, thấm thía nỗi đau đó mới quyết chí tìm cách chuyển hóa và học cách chấm dứt khổ đau. Muốn tìm hiểu sự thật thì đi vào vùng sự thật không được tôn trọng mà tìm. Nơi đó sự thật rành rành trước mắt nhưng không dám đón nhận sự thật. Cuộc đời trong trẻo là sự thật nhưng đem con mắt tán loạn nhìn cuộc đời, trong trẻo cách mấy cũng trở nên vẩn đục. Không được một người yêu thì thế giới này cũng đâu có sụp đổ, nhưng với con mắt đau thương, thế giới gần như sụp đổ vậy. Không yêu xin hãy là bạn, đâu có khó, chỉ tại người chịu không nổi khi nhìn thấy năm uẩn của người kia mà thôi.

Con người hầu như lúc nào cũng có ham muốn, không ham muốn cái này thì ham muốn cái khác. Ham muốn thế gian thì ở mãi nơi thế gian, không thoát ra được. Ham muốn tình yêu thì ở mãi nơi tình yêu. Tình yêu có nhiều khổ đau nên người có vẻ vẫn tha thiết với khổ đau. Ngoại cảnh hay nội cảnh đều là những giả danh, không thực có nhưng chúng hay có tính dẫn dắt. Nhìn thấy hai người yêu nhau, tay trong tay, đi trên đường và người mơ ước cũng được như vậy. Hai người kia dễ thương làm sao, người cũng có thể như vậy lắm chứ. Đâu có gì bền chắc, điều mà người nhìn thấy chưa hẳn là nội tình bên trong. Con người hay đóng kịch lắm. Người chỉ mới nhìn thấy vẻ bề ngoài của tình yêu. Ngoại cảnh đã không thực chất thì mơ ước cũng vậy, cũng ảo, nói đúng hơn là siêu ảo.

Ham muốn không thể diễn tả bằng lời, vì nó diễn ra trong nội tâm và biểu hiện ra ngoài bằng lời nói hay hành động. Ham muốn tình yêu thì người đi tìm kiếm tình yêu, mà tình yêu đâu có nắm bắt được. Đố người đem tình yêu ra mà nắm. Nó chỉ là cảm nhận, hay khái niệm, nhưng nếu muốn người khác hiểu được là người đang yêu, chỉ còn cách là người phải nói ra hay phải bày tỏ bằng hành động cụ thể. Lời nói cũng không thể nắm bắt. Lời nói có thể đem thu âm nhưng âm thanh thì chỉ nghe nhưng không thể nắm bắt. Hành động cũng vậy, như cử chỉ âu yếm hay chăm sóc, làm sao duy trì một khi không thể duy trì.

Tình yêu là một thứ phi ngôn ngữ và phi hành động. Người ta yêu nhau vì cảm xúc là chủ yếu và lắm lúc cảm xúc đó đánh gục lý trí. Cảm xúc không thực có thì tình yêu còn lại gì. Suốt đời, thế gian này chạy theo những cảm xúc không tênh, dù chỉ trong tích tắc, thế gian vẫn cố gắng kiếm tìm những cái tích tắc ấy. Sao người có thể dứt ra những điều to lớn nhưng không thể dứt ra được cảm xúc trong tích tắc? Một vài tích tắc không trong trẻo khiến cho cả đời mất đi sự trong trẻo vốn có. Câu nói, Khôn ba năm, dại một giờ, là vậy. Nhịn được ba năm, nhưng một giờ không nhịn được, ba năm kia trở thành uổng phí.

Sở dĩ cảnh được ham muốn là do tưởng cảnh là thật nên chấp vào cảnh. Thủ hay chấp thủ có khuynh hướng làm cho người mắc kẹt như cái bẫy sập. Chấp thủ vào tôi, vào của tôi và những vấn đề được cho là liên quan đến tôi. Nếu cho thân này là tôi, thì khi ăn thì tôi đang ăn hay tôi đang cho thân này ăn? Thân thể này biểu hiện ra do các yếu tố kết hợp, tự tôi không thể tạo ra thân thể này, không bắt nó khỏe mạnh hay ốm đau được. Yêu thương một người thì tôi đang yêu hay thân này đang yêu. Thân này được tôi ủy quyền vào việc yêu thương nói riêng và làm các hành động khác nói chung. Thân được gá cho sự yêu thương và dính vào đó do yếu tố muốn được cung phụng cảm thọ. Nếu cho người vợ hay người chồng là của tôi, thuộc về tôi thì đây là chấp thủ còn siêu ảo hơn nữa.

Ngay cả thân này cũng không phải của tôi thì người vợ hay người chồng kia làm sao nắm giữ. Hai vợ chồng sống chung với nhau, nhưng hai ý kiến có thể khác nhau, và nếu giống nhau thì mức độ đồng thuận cũng không ngang bằng. Nhiều vợ chồng li dị vì không thể là của nhau nữa và trở nên sợ hãi khi cứ phải là của nhau. Ban đầu thì muốn dính vào, sau đó thì muốn dứt ra. Các vấn đề được cho là liên quan đến tôi, bị ép buộc là của tôi, như sự nghiệp, tên tuổi, tình yêu, danh vọng, địa vị. Sự nghiệp là diễn tiến nhân duyên, một mình người không thể tạo nên sự nghiệp nếu không có đóng góp của nhiều đối tượng. Tên tuổi chỉ là cách gọi, được đặt ra để tiện giao tiếp, nó không nói lên được tính chất của người. Tình yêu là biểu hiện tình cảm giữa người với đối tượng nào đó, nhưng tình yêu nằm chỗ nào nếu không có đối tượng được yêu thương.

Danh vọng hay địa vị cũng chỉ là những tiêu chuẩn được đặt ra và người ta chạy theo để tự vỗ về và an ủi. Ái sẽ sinh chấp thủ, khiến người có khuynh hướng bảo vệ đối tượng được ái, và bao nhiêu ngụy biện, giải thích, trình bày, chứng minh, tranh cãi tuôn ra nhằm thỏa mãn điều người đang mắc kẹt. Cuộc đời vì thế không còn trong trẻo nữa vì ái không dứt ra được. Muốn cuộc đời vô nhiễm thì nhìn cuộc đời bằng con mắt không ái, chấm dứt ái. Quán chiếu sự chết, sự bất tịnh và khổ đau của đối tượng bị nhiễm ái để thôi đừng ái nữa. Ái nằm trong bốn tố gây phiền não: hỷ, nộ, ái, ố. Dứt khỏi ái thì cảnh hay đối tượng của ái có trần trụi cách mấy cũng không làm người xao động hay hề hấn gì.

Chúng ta đều có mặt trong nhau. Người và tôi đều có mặt trong nhau. Tôi gìn giữ cho tôi thì tôi cũng gìn giữ cho người. Sự có mặt trong nhau cũng là điều kiện giúp cho người này gặp người kia. Không có người thì tôi không thể là tôi nên tôi có mặt là do người có mặt. Ngắm nhìn địa cầu, người thấy trong địa cầu có mặt trời. Sức nóng mặt trời không làm ấm địa cầu thì sự sống chắc không thể bung ra. Thật không sai nếu nói không có mặt trời, địa cầu không thể là địa cầu. Trân quý sự có mặt của người là trân quý sự có mặt của mình.

Cuộc đời trong trẻo khi ai nấy đều trân quý lẫn nhau, mà đã trân quý thì gìn giữ cho nhau. Gìn giữ người thương như gìn giữ thân tâm người vậy. Xem người già như ông bà, người lớn như ba mẹ, người bằng tuổi như bạn bè hay anh em, xem người nhỏ như con trẻ mà sinh tâm yêu thương, gìn giữ, và hay hơn nữa là độ thoát họ khỏi khổ đau. Mọi thứ trên địa cầu này đều có mặt cho người, như gia đình, đất nước, người thương, bạn bè, khách hàng, và kể cả chú chim sơn ca, chú gà trống, chú nai tơ, hay cái cây, ngọn cỏ, bông hoa, làn gió thổi. Thử nhìn xem, cái cây đang thở, hít vào CO2 và thả ra ô xy.

Nếu cả địa cầu này, không có cái cây nào, ô xy thiếu thốn, chắc chắn người sẽ lo cho thân người trước. Người sẽ đi trồng cây gây rừng, kiếm nước tưới cây và thích thú nhìn cây lớn lên, thải ra ô xy trở lại. Thế giới này đã vốn mong manh, nói chi cái cây nhỏ bé kia hay sinh mạng của người. Có bài kệ như sau, Một trái đất tròn xanh – Vì nhân duyên mà thành – Nuôi dưỡng bao sự sống – Vĩ đại nhưng mong manh. Địa cầu này có thể tan chảy nhưng tình thương thì đừng vỡ tan. Chính tình thương giữa con người và muôn loài mà tạo duyên cho địa cầu hồi sinh, cho sự sống ở các địa cầu khác trỗi dậy. Dứt bỏ những ham muốn nhỏ nhoi để gìn giữ cái to lớn và vĩ đại hơn. Cuộc đời này vốn trong trẻo, đẹp đẽ và dễ thương lắm. Đừng để nó trôi đi một cách oan uổng trong lo toan, muộn phiền.

 
Cuộc đời này ôi trong trẻo làm sao
Gió mát đêm trăng và những vì sao
Đời sống thanh cao đi trong tỉnh thức
Niềm vui thơm phức xin tặng trần gian.

Buồn, yêu, giận, ghét ta vốn không màng
Chỉ mong rằng tình thương luôn chứa chan
Không gian thênh thang ta cùng dạo bước
Trời đổ mưa tha thướt giọt cam lồ.

Đường giải thoát từ nay đang rộng mở
Thuyền Bát Nhã ta một lòng bước lên
Trong sâu thẳm không còn những buồn tênh
Khi hạnh phúc đong đầy trên khóe mắt.

Nguồn tin: Đàm Linh Thất

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây