Thuở ấy, vào những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, chiến tranh diễn ra khốc liệt trên cả miền Nam. Quê tôi nằm trong vùng khốc liệt ấy. Mọi người dân phải bươn bả, chui nhủi chạy giặc từ làng này sang làng kia, từ nơi này sang nơi khác, còn hơi đâu lo cho việc học hành của con trẻ. Với tôi - cậu bé mới lên mười lại mồ côi mẹ rất sớm, trong hoàn cảnh đó càng bi đát hơn.
Mười tuổi, tôi vẫn là cậu bé chưa một lần đến lớp, chưa hề biết đến việc học chữ là gì. Không chịu nổi với chiến tranh, với bao chết chóc đau thương, gia đình tôi phải di cư đến một làng quê của huyện bên cạnh - một làng quê được gọi là “vùng địch tạm chiếm”, vẫn đì đùng súng nổ chiến tranh nhưng có vẻ yên bình hơn. Sau vài tháng ổn định nơi ăn chốn ở, ba tôi cho tôi đi học.
Buổi mai hôm ấy, tôi lẽo đẽo theo sau dáng gầy guộc của ba tôi đến ngôi trường làng nho nhỏ nằm cạnh ngôi chùa đầu làng. Tuy là cậu bé lên mười đã già dặn hơn so với độ tuổi lên năm, lên bảy lần đầu tiên đến lớp nhưng cảm giác rụt rè, sợ sệt, bỡ ngỡ… vẫn ùa về trong tôi. Giờ nhớ lại lòng tôi dâng lên bao xao xuyến.
Ngôi trường lần đầu tiên tôi đến học do một nhà sư tự xây dựng để dạy miễn phí cho con em nghèo. Nó đơn sơ bằng tranh tre, trống hoang không vách. Ấy thế mà không phải ai muốn ra vào phía nào cũng được. Thầy tôi vẫn quy ước lối ra vào nghiêm túc. Học trò chúng tôi vẫn xếp hàng ngay thẳng trước khi vào lớp hay sau buổi tan trường, phải đi theo những quy chuẩn ấy.
Mấy chục năm trôi qua, hình ảnh thầy tôi vẫn hiện về rõ nét trong tâm trí. Ngày ấy, thầy vào độ tuổi trung niên, nước da trắng, dáng người thanh mảnh. Đặc biệt, sau đôi kính cận, đôi mắt thầy đượm buồn, thi thoảng lại hướng về xa xăm như gởi gắm bao nỗi niềm vào cõi trần hư thực mơ hồ, như hướng về lòng từ bi hỷ xả mà quên đi bao lụy tục của cõi phù trầm thiên biến. Có lẽ nỗi lòng ấy đã đẩy đưa thầy nương vào cửa Phật mà an nhiên phận người.
Thuở ấy, hình ảnh người học trò quê nghèo khó quần đùi áo cụt, đầu trần chân đất đến lớp để tìm học con chữ đã trở thành quen thuộc. Thậm chí, với vải vóc thô mộc thì việc toạc áo, sứt nút… là chuyện dễ xảy ra với tuổi thơ tinh nghịch. Lúc đó thầy là hiện thân của người mẹ hiền nơi lớp học. Thầy tỉ mẩn khâu vá lại từng đường kim mối chỉ luôn chuẩn bị sẵn trong chiếc cặp nhỏ của thầy.
Riêng tôi, thầy như một sự diệu kỳ, suốt đời tôi tri ân. Khi nói ra những điều này, chắc có người không tin đấy là sự thật. Từ một cậu bé lên mười chưa hề biết đến một chữ cái ban đầu, thế mà hơn một năm nhờ thầy dạy dỗ, vốn kiến thức của tôi đã hội đủ trình độ của một học trò lớp ba.
Mùa tựu trường năm sau. Nhờ người thân, tôi xin vào học lớp bốn của một trường công lập. Tôi biết thế nào là mùa thu tựu trường, được ngồi cùng chúng bạn trang lứa với gần đúng độ tuổi đến trường mà trước đây một năm tôi phải cách biệt họ ba lớp. Sung sướng hơn, tôi vẫn nằm trong tốp học trò dẫn đầu của lớp. Hai mùa thu nữa trôi qua, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, tôi cùng bạn bè trang lứa phải nỗ lực hết mình để vượt qua kỳ thi vào Đệ thất (lớp sáu bây giờ). Thế là tôi đã đỗ vào trường công lập sau kỳ thi ấy. Việc học của tôi được tiếp tục qua thời trung học, được cùng bè bạn hân hoan chào đón những mùa thu tựu trường kế tiếp…
Thời gian mải miết trôi kéo tôi vào cuộc mưu sinh. Thi thoảng tôi lại đi qua miền thương nhớ ấy. Tất cả đã khác xa. Giờ chỉ còn trong tâm tưởng. Duy chỉ còn lại ngôi chùa ngày xưa rêu phong cùng thời gian. Tôi lần hỏi thăm thầy nhưng chẳng ai biết thầy về đâu. Tiếng chuông chùa lại ngân lên trong thinh không, kéo tôi về thuở xa xưa đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ và kỳ diệu từ chốn này.
Bây giờ ngồi nhớ lại, lòng tôi cứ mãi rưng rưng nhớ thầy. Nhớ đến công ơn của thầy. Nhớ đến điều diệu kỳ mà thầy đã mở đường tạo nên tri thức của đời tôi.
Mỗi lần mùa hạ về, mùa thu tựu trường đến tôi cứ ngẩn ngơ hoài tưởng đến trường xưa, thầy cũ. Hình ảnh người thầy đầu tiên cứ ám ảnh suốt cuộc đời tôi. Và tôi luôn thương nhớ gọi thầm: Thầy ơi!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự