Mùng một lễ chùa

Thứ hai - 26/01/2009 20:26
Sau lễ cúng Giao thừa, nhà nhà rời nhà đi lễ chùa đầu năm mới, thắp một nén nhang lên ban, hái chút lộc đầu xuân mang về đặt lên bàn thờ gia tiên và cầu chúc một năm mới an lành đến cho gia đình. Người Việt không theo hẳn đạo Phật, nhưng tâm linh lại luôn hướng về hướng cửa Phật, hướng về với nhân đức. Vào mùng 1 hay ngày Rằm hàng tháng, chùa nào cũng đông nghẹt người đến thắp hương, cầu mong may mắn an lành. Đêm Giao thừa, sau một năm vất vả với nhiều lo toan, sau bữa cơm quây quần với cả gia đình xum họp, sau bữa cúng Giao thừa thường lệ, nhà nhà lại rủ nhau đi lễ chùa, cầu một năm bình an và sức khỏe cho cả gia đình, người thân và những người bạn. Sáng mùng 1 đầu năm, chùa nào cũng đông người đến thắp hương dâng lễ.

Ai cũng mong mình có được một năm nhiều may mắn hơn và hạnh phúc, khỏe mạnh hơn.

Chùa Trấn Quốc

Được đánh giá là ngôi chùa cổ nhất của đất Hà thành, chùa Trấn Quốc nằm trên một vị trí đẹp bậc nhất tại Hà Nội. Dịu dàng soi bóng xuống Hồ Tây lộng gió, như một ốc đảo xanh bên những bộn bề lo toan thường nhật tấp nập ngày ngày của đường Cổ Ngư xưa - Thanh Niên nay.

Chùa Trấn Quốc được xây dựng vào thời kì tiền Lý Nam Ðế (544- 548) với tên gọi "Khai Quốc" (nghĩa là mở nước, ứng với sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân). Sau này tên gọi của chùa còn thay đổi nhiều lần như "An Quốc" năm Ðại Bảo đời Lê Thánh Tông (1434- 1442), "Trấn Quốc" năm Vĩnh Tộ thứ X (1628); "Trấn Bắc" năm 1844 do vua Thiệu Trị đặt nhân dịp nhà vua ra thăm xứ Bắc và đến ngày nay thì người dân Hà Nội vẫn gọi chùa là chùa Trấn Quốc.

Đường vào chùa đi qua hai hàng cau mướt xanh, tứ phía là Hồ nước sóng sánh. Từ lâu ngôi chùa không những là điểm đến của các phật tử trong thủ đô mà còn là điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Du khách đến chùa không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp hữu tình thơ mộng của ngôi chùa.

 


Đền Quán Thánh

Cùng nằm trên con đường Thanh Niên là đền Quán Thánh - một trong tứ trấn của Hà Nội. Ðược tạo dựng từ đời vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028) để thờ thánh Trấn Vũ - vị thần trấn giữ phương Bắc. Vì thế, còn có tên là Đền Trấn Võ, Quan Thánh Trấn Võ, hay Quán Thánh.

Trong đền có tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng đen, được đúc năm Vĩnh Trị thứ hai (năm 1667) đời Lê Hy Tông, cao 3,69 mét, nặng 4 tấn, chân không mang giầy, tay trái bắt quyết, tay phải chống kiếm trên lưng rùa, có rắn lượn quanh kiếm. Theo truyền thuyết, rắn và rùa là hai con vật tượng trưng của thần trấn phương bắc. Tượng Trấn Vũ là một công trình điêu khắc độc đáo tại Việt Nam, đánh dấu kĩ thuật đúc đồng và tạc tượng của ông cha ta cách đây hơn ba thế kỷ.

 


Chùa Láng

Nằm trên con phố cũng tên, chùa Láng. Tên chùa có ý nghĩa rằng: "Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền". Chùa tương truyền được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 đến 1175), thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã được trùng tu nhiều lần, những lần quan trọng nhất là vào các năm 1656, 1901 và 1989.

Chùa Láng nằm trong một khuôn viên rộng với rất nhiều cây xanh và một sân trước thoáng đãng. Có rất nhiều sinh viên hội họa đã dừng chân nơi chùa để vẽ tranh và nghe giảng Kinh phật mỗi chiều.

 


Chùa Tảo Sách

Nằm trong quần thể chùa, đình, phủ, miếu nổi tiếng ven Hồ Tây, Hà Tam quan Hà Nội, chùa Tảo Sách (hay còn gọi là Tào Sách, Linh Sơn tự) là một trong số những ngôi cổ tự khá hiếm hoi còn lại ở thủ đô vừa giữ được vẻ cổ kính, u tịch, trang nghiêm không gian Phật đài, vừa rất đẹp, cảnh sắc tốt tươi.

Ngôi chùa có tuổi đời gần 600 năm này từ lâu đã được giới trẻ say mê hội họa và thư pháp biết đến. Vào những ngày cuối năm, phía ngoài cổng chùa trên đường Lạc Long Quân là dọc dãy bán hoa đào, càng tôn vẻ đẹp mùa xuân cho ngôi chùa cổ.

 


Chùa Quán Sứ

Mặc dù không có lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo như nhiều ngôi chùa khác ở Hà Nội, nhưng chùa Quán Sứ lại được nhiều người Việt Nam biết tới, coi như một ngôi chùa thiêng bậc nhất của Thủ đô. Chùa được Hội Phật giáo lấy làm trụ sở, lại ở giữa thành phố và cũng có một lịch sử khá đặc sắc. Chùa tọa lạc ở số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Nguyên vào giữa thế kỷ 14 đời Trần Dụ Tông, ở khu vực này có nhà Công quán của triều đình dùng để đón các sứ thần của các quốc gia phía Nam, như Chiêm Thành, Vạn Tượng, Nam Chễởng... Vì các sứ thần này theo đạo Phật nên để tiện cho việc cúng tế của họ trong những ngày dài chờ đợi được tiếp kiến, giải quyết công việc... triều đình cho lập ngay cạnh Công quán một ngôi chùa. Có lẽ vì thế mà người ta gọi ngôi chùa này là chùa Quán Sứ.

 


Chùa Hà

Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp trung niên, các cụ ông cụ bà, đến để giải hạn, để lễ bái, thì chùa Hà được đông đảo học sinh, sinh viên biết đến với một cái tên khác – Chùa Tình yêu. Họ đến đây để cầu duyên.

Chùa Hà có tên tự là Thánh Đức, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Chùa nằm ở vị trí phía Tây kinh thành Thăng Long, nổi tiếng là một vùng quê văn hiến của Xứ Đoài xưa. Tương truyền chùa được xây dựng từ rất lâu đời, tường xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, xưa có tên là chùa Vồi.

 


Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. Không chỉ những người dân Hà Nội, mà đa số du khách khắp nơi khi đến thăm Hà Nội thì đều đến thắp hương cầu phúc ở Phủ Tây Hồ.

Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây. Ở ngay đầu làng có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Hàng năm vào rằm tháng riêng âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây và địa danh khác của Hà Nội.

 

lechua.gif 

 

Đầu năm đi lễ chùa, để cầu cho một năm yên vui và nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, tiền bạc rủng rỉnh cho nhiều thành công năm mới.

Tác giả bài viết: Lam Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây