Tình thương tự nhiên

Thứ sáu - 27/02/2009 08:13
Một hôm, tôi có dịp được kinh nghiệm sự chân tình của một người bạn qua điện thoại. Tôi vừa trải qua một cuộc giải phẫu thăm dò, thử xem một cục bướu trong người tôi có tính chất ung thư hay không. Người đàn bà qua điện thoại, tôi không quen biết nhiều, đang mang chứng bệnh ung thư mà tôi vừa được xác nhận là mình không có. Tôi cũng mới được báo tin về kết quả cuộc xét nghiệm chỉ vài ngày trước đó.

Khi nghe tôi nói cục bướu là vô hại, bà thốt lên với một giọng mừng rỡ: “Sharon, mấy ngày nay tôi nghĩ về chị nhiều lắm. Nghe tin này tôi mừng quá!” Lời nói của bà dường như vượt lên trên một lòng tốt bình thường. Bà có thể chỉ cần nói với tôi: “Tôi hiểu chị khổ tâm đến mức nào khi sợ là mình sẽ bị ung thư. Tôi mắc chứng bệnh ấy, nhưng mà rất vui khi biết chị không bị gì.”

Những lời tương tự như vậy cũng đủ là đẹp lắm rồi. Nhưng câu nói của bà dường như có một cái gì đó tốt lành hơn thế. Trong khi bày tỏ nỗi quan tâm, bà vẫn không hề có ý muốn làm cho mình quan trọng, tình trạng của bà không phải là điều mà bà muốn đề cập đến. Sự lo lắng của bà có tính cách sốt sắng và một chân tình, bà mừng vui khi thấy tôi được khỏe mạnh, thế thôi.

Điều làm tôi cảm động nhất là sự tự nhiên trong hành động của bà. Mà kỳ lạ lắm, tính cách tự nhiên này không có chút gì là bó buộc hoặc cố gắng hết, nó thường được những “bậc nghĩa hiệp” nhắc đến, nhất là những người dám hy sinh mạng sống của mình cho một kẻ hoàn toàn xa lạ.

Khi được hỏi điều gì đã xui khiến họ có những hành động bất vị kỷ ấy, họ thường đáp: “Tôi đâu biết phải làm gì khác hơn bây giờ?” Mặc dù đối với chúng ta, hành động ấy có thể như phi thường, nhưng đối với họ nó rất hòa hợp với cái nhìn của họ về cuộc đời – rất là bình thường.

Một vị thầy khác của tôi, ngài Munindra có một người học trò tên là Carol. Trong Thế chiến thứ hai, suốt 5 năm trời bà đã làm việc bí mật tại Hà Lan, giúp những người Do Thái trốn thoát khỏi sự lùng bắt của quân Đức quốc xã. Bà hai lần bị quân Đức bắt và tra tấn, và hầu hết những người bạn làm việc chung với bà đều bị giết hại gần hết.

Giải thích việc làm của mình, bà chỉ nói: “Tôi lúc nào cũng cảm thấy tội nghiệp và xót xa cho thế giới này, đầy dẫy những bất công, hận thù, chiến tranh, tàn nhẫn, khủng bố nhau. Mà làm con người ai cũng phải lãnh chịu những khổ đau ấy. Đời tôi, tôi muốn sống như là một chiến sĩ chống lại tất cả những gì tôi cảm thấy là sai quấy và nhất là những bất công của cuộc đời.”

Sự tự nhiên và chân tình trong câu trả lời của Carol không có nghĩa việc bà làm là dễ dàng, hoặc bà đã không phải trả một giá rất đắt. Thật ra bà đã sống với những cơn ác mộng hãi hùng và một nỗi sợ hãi ăn sâu vào tâm trí trong hơn ba mươi năm qua. Nhưng tình tương thân và nỗi quan tâm là bản chất cái nhìn của bà đối với cuộc đời, và cá tính trung trực đã khiến bà phải hành động theo lối nhìn ấy.

Chúng ta có thể nhìn Carol, hoặc những người như bà, và cho là mình không thể nào có được một tình thương sâu sắc như thế. Mặc dù có thể là một số điều kiện đặc biệt nào đó đã giúp cho hành động của bà, nhưng chủ yếu vẫn là chúng đã được thúc đẩy bởi cái nhìn của bà về cuộc đời. Và cái nhìn ấy, chúng ta ai cũng có thể có được! Con đường Bát Chánh Đạo của đức Phật bắt đầu với chánh kiến, tức là thấy biết một cách chân chính, chỉ cho ta một phương cách để thực hiện điều ấy.

Đức Phật dạy: “Như bình minh đi trước, báo hiệu cho mặt trời sắp mọc, cũng thế, chính kiến là điều đi trước, là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu cho những trạng thái tốt lành.”

Cái nhìn và sự thấy biết của ta sẽ làm khuôn mẫu cho tác ý, và tác ý của ta sẽ đúc khuôn cho hành động của mình. Sự thấy biết về cuộc đời là một nền tảng cho hành động và cách sống của ta. Với chính kiến, ta sẽ hiểu được sự liên kết mật thiết của mọi sự sống, và ý thức rằng hành động của mình có thể tạo nên sự khác biệt, chừng ấy ta sẽ có thể hành động vì người khác mà không hề toan tính.

Trong tiếng Pali, chữ dùng để diễn tả sự lo âu còn có thể dịch là “tách ra”. Khi ta tách rời với kinh nghiệm của mình, khi ta cảm thấy xa lạ và cách biệt với người chung quanh, ta sẽ cảm thấy lo âu. Khi chúng ta tự đóng kín mình lại hoặc tách rời ra, ta sẽ không cho phép mình có cảm xúc, và cố nhiên ta cũng không còn để ý gì đến người khác nữa. Rồi ta cố gắng xua đuổi sự âu lo ấy, trốn tránh nó bằng cách càng tách rời ra xa hơn nữa.

Thế giới của ta mỗi lúc càng trở nên trống vắng và quạnh quẽ. Vì không thấy được chân tướng của sự sống, ta không thể nào tưởng tượng được vì sao một người lại có thể dám liều mạng, hy sinh sự sống của mình cho người khác được.

Thực tập thiền quán có thể hàn gắn lại sự tách rời ấy và mang ta trở về với sự nối liền ban sơ. Khi sự thấy biết của ta về thế giới thay đổi thì cuộc sống của ta cũng sẽ được chuyển hóa. Và từ đó, hành động của ta sẽ bắt nguồn từ một lòng thương yêu chân thật chứ không phải bị sai sử bởi những toan tính, lo âu và ích kỷ.

Cũng như món quà mà người bạn qua điện thoại đã tặng tôi, sự chăm sóc ấy ban niềm vui cho người nhận lẫn người tặng, như nhau. Một cái nhìn sáng tỏ sẽ giúp ta ý thức được rằng mình nối liền với tất cả vạn vật, và điều đó dẫn đến hành động. Cuộc sống này sẽ là một biểu tượng cụ thể cho sự thấy biết của ta về chính mình và cuộc đời.

Nguồn tin: theo Hoằng Pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây