- Chúc chị lúc nào cũng an lạc, ra đi tỉnh táo nha.
- Ư... cảm ơn Hạnh Đoan.
Chị đã thu hết sức tàn, ráng nói cho tròn câu cảm ơn. Tôi gấp điện thoại lại. Nước mắt trào ra. Chị Hạnh Đạt bệnh nặng thật rồi, hình như chị đang yếu lả và sắp ra đi. Tôi cũng không ngờ mình khóc khi nghe câu trả lời của chị. Không ngờ nỗi buồn hòa lẫn với sự thương tiếc đang ập tới choáng cả tâm tư...
Là pháp lữ, tỷ muội đồng sư, thỉnh thoảng có gặp thì: “Nhìn nhau cười nửa miệng”, rồi ai lo việc nấy. Tôi với chị không gần mà cũng không xa nhau lắm. Vậy mà giây phút hỏi thăm cuối cùng, tôi mới biết mình thương chị, mới biết cảm tình mình dành cho chị không hời hợt như những câu chào hỏi xã giao mỗi khi hai đứa gặp nhau.55 tuổi, chị ra đi như vậy vẫn là trẻ lắm. Tôi không biết mình nên ngậm ngùi hay ganh tỵ? Người đi trước là khỏe nhất, vì còn nhiều bạn đồng đạo thân quen ở lại tiếc thương, tẩn liệm, tiễn đưa, lo cho khép mắt bình an. Chị sướng quá mà? Giờ thì tha hồ:
Khi hơi thở hắt ra không trở lại
... là buông tay đi vào cõi vô cùng
bao rắc rối để cho người ở lại
Ta đi về không cả nắm tay không...
(Thơ Như Thủy)
Mấy tháng trước chị còn qua cốc tôi, gãi đầu ấp úng xin mớ sách Trên đỉnh Thái Sơn cho mấy em thiếu nhi trong Gia đình Phật tử, còn cười đằm thắm, hứa sẽ chỉnh lại bức hình ngài Hư Vân giúp tôi, còn đứng nơi bếp nhón thử món nhưn thập cẩm tôi làm, xuýt xoa khen lấy khen để, bảo: “Khi nào thèm Hạnh Đạt sẽ qua ăn”... Vậy mà bây giờ chị đã thành người thiên cổ.
Từ Bát Nhã tôi xuống Viên Chiếu được vài năm thì chị vào. Lúc ấy chị chỉ khoảng hai mươi mấy, trông chị rất trẻ và khôi ngô. Tôi nhớ khi chị xuất hiện tôi đã phải quay đầu lại nhìn vì chị có dung nhan rất ngộ. Chị giống hệt người Ấn Độ với nước da ngăm ngăm, mày thanh mắt tú. Tôi chỉ có thể dùng từ khôi ngô hoặc thanh tú để tả chị chứ không thể dùng từ mỹ miều, vì chị đẹp rất hùng, chứ không dịu dàng ẻo lả.
Chị xuất gia cũng ngộ, chị bảo tôi: “Mới đầu em tự cạo, tóc em bay bay ở bờ suối trong rừng”... Hẳn là cánh rừng nào đó chứ không phải rừng Viên Chiếu. Vì chị đến Viên Chiếu đầu tóc đã được phát quang sạch sẽ, thân phụ chị đặt tên cho các con mình thật hay: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín... chị mang tên Hữu Lễ. Khi sư phụ thu nhận chị, ngài đã ban cho pháp danh Hạnh Đạt, cái tên nghe cũng hợp với người.
Chị đã từng là thanh niên xung phong, tất phải có sức chịu đựng cứng cỏi, song vào Viên Chiếu chị lại nói năng nhu mì hết mực. Chúng tôi thường đùa, trêu chị là... trưởng ban nghi lễ. Vì lúc nào chị cũng một dạ hai thưa, xưng em, xưng con ngọt xớt... ngôn ngữ thường mềm mỏng, nghe mát cái lỗ tai. Chị không bao giờ nói cộc lốc, lời tuôn ra khỏi miệng luôn tròn câu, đủ lễ. Y hệt với thế danh mà ba chị đã đặt. Vậy chứ chị hành động thao tác nhanh lẹ như bay. Dạo ấy chùa mới nuôi con chó đen tuyền bé xíu, nó không bao giờ đứng yên, cả thân hình luôn lắc lư, cái đuôi ve vẩy không ngừng. Chị vừa vuốt ve con chó vừa bảo tôi:
- Quý cô bảo em giống cái đuôi của tiểu Đen, lúc nào cũng lăng xăng, lăng xăng...
Ai nói gì, có phê bình gì, dù là chê đi nữa, thì chị cũng không hề lộ nét bất mãn ra mặt, mà thường cười rất tươi, đáp lại: “Dạ! Dạ!”.
Chị đàn hay, hát giỏi, viết văn, làm thơ... mặt nào cũng trội. Tôi thích nhất tài họa chân dung của chị, nét vẽ nhìn rất có hồn, có thần.
Dạo tôi nhập thất ở Đại Tùng Lâm, cốc chị và cốc tôi cùng nằm chung trong một khuôn viên, cách nhau một khoảng sân. Chị tự đào giếng, làm rẫy, trồng rau ăn. Có lần để cất thêm cái chái nhỏ phía sau cốc mình, chị tự cưa cây, đục, đẽo... kết làm rường cột và lay hoay dựng sườn nhà một mình, tình cờ có ông thợ mộc đi ngang trông thấy, hãi hùng bảo:
- Này, mụ bà nắn lộn cô hay sao ấy, con gái mà làm khiếp thế, dựng nhà như thế không khéo cây ngã nó đè nhẹp cô, để tôi phụ cho!
Thế là ông giúp chị đóng, dựng sườn nhà, phần còn lại chị tự lo. Chị chuốt tre, đào đất, nhồi rơm, trét vách... tất cả đều làm một mình. Ở chị toát ra một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần làm việc năng nổ, chị làm việc giống như một đấng nam nhi hào hùng nhưng cung cách nói năng lại lịch sự, yểu điệu như thục nữ. Có lần thấy tôi cứ tròn mắt nhìn, chị nghiêng đầu làm duyên, ỏn ẻn:
- Mình cũng là con gái mà...
Tôi chỉ biết bật cười. Còn chị quay mặt đi tủm tỉm...
Thơ chị làm rất nhiều. Tôi không nhớ hết nguyên bài mà cứ vương vấn lõm bõm vài câu. Tôi thích bài Lời dâng chị viết cho sư phụ, bài rất dài, rất hay và cảm động. Nhưng tôi chỉ thuộc hai câu đầu:
Con ngoảnh mặt hướng nhìn lên đại sảnh
Bóng thầy già cao cả ngự trên cao
Hoặc hai câu thơ trong một bài nào đó của chị mà tôi rất thích:
Trăng không nói một lời sâu đáy bể
Chiều hoàng hôn chưa vạch mối đêm về...
Hay một bài mà bây giờ tôi có thể đọc lên tiễn chị:
Thôi em ngủ giấc nghìn thu
Một vòm thái hoát một phù du tan
Trời không tuyệt dấu hành tàng
Xác hoa là bóng trăng vàng đáy sương.
Trong một năm mà tôi phải tiễn tới hai người ra đi, điều đáng nói là thái độ người đi khiến người ở lại... phát thèm. Chị Thủy khi khâm liệm ba tôi đã xuýt xoa: “Trời ơi! Sao mà nét mặt thanh thản nhẹ nhàng hạnh phúc quá!” Đúng vậy, nét mặt ông thể hiện trọn vẹn chữ buông xả. Khó thể diễn tả, nét mặt mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy lúc ông còn sống, bình an đến vô cùng.
Còn chị Đạt, nhắm mắt thiên thu mà nụ cười còn đọng lại, niềm bình an của phút giây “cởi áo hạ” - nhẹ nhàng vì trút hết, rũ bỏ hết mọi đa sự mệt nhoài của nhân gian. Ra đi trong hỷ lạc thì không cười sao được, không hạnh phúc sao được? Chỉ có người ở lại là bùi ngùi, vì biết kể từ đây nơi này vắng một pháp lữ, một cộng sự thân thiết mãi mãi...
Tác giả bài viết: Hạnh Đoan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự