Ở đây thì lại khác. Trong cái lạnh buốt da, trong nỗi bận rộn thường nhật của người dân bản xứ, tết đến thật ngỡ ngàng, chỉ còn là chút dư hương hoài niệm. Con người sống nhiều bằng những kỷ niệm, về một thời quá khứ xa xưa…; vì thế, cửa chùa là nơi thật lý tưởng để đón tiếp những người đồng hương xa xứ, Phật tử cũng như chưa phải Phật tử. Tết ở đây rất khác xa với Tết ở quê hương…
Ở Đức, nơi đồng bào Việt Nam - khoảng độ 100.000 người - có mặt ào ạt vào những năm 1979, 1980 và sau đó, qua vụ sụp đổ bức tường Berlin, chùa chiền đã được xây dựng với sự đóng góp của các Phật tử. Đầu tiên là ngôi chùa Viên Giác tại Hannover thuộc tiểu bang Niedersachen, tiếp theo là những Niệm Phật đường (mà nay, với thời gian, đã biến thành những ngôi chùa), như chùa Bảo Quang ở Hamburg, chùa Thiện Hòa ở Munchen-Glachbach, chùa Linh Thứu ở Berlin, chùa Phật Bảo ở Barntrup, chùa Quan Thế Âm ở Aachen, chùa Phật Huệ ở Frankfurth, chùa Tam Bảo ở Reutlingen, chùa Tâm Giác ở Kirchseeon Munchen, Niệm Phật đường Viên Âm ở Nurnberg, Niệm Phật đường Liên Trì ở Leipzig, và mới đây, là ngôi chùa Viên Đức ở Ravensburg, gần Bodensee, thuộc miền Nam nước Đức,…
Vì ngôi chùa Viên Giác được thành lập đầu tiên tại Đức, đúng lúc đúng thì nên được chính quyền Đức giúp đỡ về mọi mặt, tài chánh cũng như tinh thần. Họ muốn có một nơi để cho người Việt xa xứ lui tới sinh hoạt, chăm bón phần tâm linh, đạo đức, hầu góp phần cho việc ổn định trật tự xã hội. Các ngôi chùa khác, sinh sau đẻ muộn, nên không được hưởng quy chế đó. Ngày Tết ở đây thường rơi vào tháng Một. Hãy còn là mùa Đông, tiết trời âm u lạnh lẽo. Người Đức lo vật lộn với đời sống, chẳng ai biết đến cái Tết ở một nơi xa xôi nào đó trên quả địa cầu này. Người Việt cảm thấy cô đơn lạc lõng, âm thầm chịu đựng.
Để hoài niệm về một kỷ niệm êm đềm xa xưa, họ quây quần bên nhau dưới mái chùa thân yêu, trò chuyện hỏi han nhau, chia sẻ những buồn vui trong đời sống tha hương. Có chùa đón giao thừa đúng giờ giao thừa tại Việt Nam, nghĩa là vào 6 giờ chiều giờ địa phương; còn đa phần thì đợi đến 12g khuya mới làm lễ đón giao thừa, với thời kinh cầu an đầu năm và bài kệ Di Lặc. Trước đó, vào buổi chiều đã có lễ Sám Hối cuối năm để tiêu trừ nghiệp chướng, hầu dọn mình đón năm mới. Sau đạo từ chúc Tết của vị trụ trì và phần múa lân là lễ phát lộc. Một phong bì lì xì đỏ chói với 1$
Chùa Viên Giác có hàng mấy ngàn người về dự, GĐPT phải làm hàng rào giữ trật tự, để từng người một có thể lên nhận quà. Sau đó, mồng một, mồng hai, rồi mồng ba… thưa dần. Đến rằm tháng Giêng (15-1 âm lịch) chùa lại rộn lên với hàng ngàn người về lễ Phật cầu an, xin xăm, giải hạn, đúng như câu tục ngữ: “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Các Chi hội thuộc địa phương nào không có chùa thì luân phiên nhau tổ chức đón Tết mừng Xuân tại một hội trường thuê mướn rộng lớn, với lễ Cầu an đầu năm, với các trò chơi, bầu cua, cá, cọp… và không quên phần văn nghệ mừng Xuân. Địa phương này tuần này, thì địa phương khác tuần khác, như vậy thì chư Tăng mới về tham dự được. Nếu trùng ngày thì làm sao đi? Vì địa phương nào cũng muốn “nhân vật chính” phải xuất hiện! Chư Tăng chùa Viên Giác còn phải qua tới tận bên Ý, Tiệp Khắc, Đan Mạch… để chủ trì lễ Tết ở đó.
Trước đó một vài tuần, chùa đã bận rộn lo trang trí, sơn quét, chùi rửa, cũng như đánh bóng tượng đồng. Các anh chị em thuộc Gia đình Phật tử lại có dịp trổ tài, vừa góp công quả giúp chùa, vừa lo tập văn nghệ để giúp vui đón ngày Tết. Ngày Tết thường chủ yếu lo phần lễ lạc, xin xăm, cầu an giải hạn…, vì thế phần văn nghệ thường là do “cây nhà lá vườn” đảm trách, không có mời các ca sĩ nổi tiếng từ Mỹ hoặc Pháp sang như các ngày lễ trọng đại như Phật đản, Vu lan. Tuy nhiên, cũng có chùa tổ chức cho Phật tử vui Xuân thật lớn, với phần văn nghệ rình rang, như chùa Phật Huệ, hoặc chùa Tâm Giác…Tại các nước khác, như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển… cũng vậy, vì tất cả đều thống nhất. Chỉ có Pháp là hơi khác, vì ở đó có rất nhiều tổ chức Phật giáo: Tổ chức của thầy Minh Tâm, của thầy Nhất Hạnh, thầy Huyền Vi, thầy Thiện Châu v.v… mỗi tổ chức cứ làm theo lịch trình của mình, có trùng hợp cũng không sao.
Dù ở nơi đâu, dù trong tổ chức nào, người Việt ly hương vẫn tìm đến nhau dưới mái chùa để cùng nhau chia sẻ niềm vui trong những ngày Tết, hòa cùng niềm vui đang lên của dân tộc, bởi vì:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông!”
Tác giả bài viết: Thích Hạnh Thức
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự