Ðộng lòng trắc ẩn, con cúi xuống đặt một số tiền vào bàn tay chìa ra ấy, rồi bước đi lòng thật nhẹ. Nhưng con có biết đâu, con đã là nguyên nhân của bao nhiêu ray rứt đổ thêm xuống người hành khất đó. Con thường chỉ nhìn kẻ hành khất như những kẻ đã mất hết tình cảm của con người, chỉ có mối quan hệ xin - nhận của bố thí với phần còn lại của nhân loại, trong đó có con.
Nhưng có thật là con đã “cho” một cái gì đó cho người xin chưa? Khi con đến với họ là mang theo tất cả ưu đãi của số phận để chỉ cho có một ít tiền. Họ khổ biết dường nào khi nhìn thấy con lành mạnh, áo quần sạch sẽ, tự do đi lại mọi nơi mà không bị ai xua đuổi, trái lại… và còn có chốn để trở về trong buổi tối. Con không muốn thấy sự thật này, vì điều đó khiến con bất nhẫn, không thể an nhiên thụ hưởng. Rồi viện lẽ: “mình cũng khổ, ai cũng khổ, dù ở trong hoàn cảnh xã hội nào”. Và lấy nỗi khổ của con làm tấm khiên. Con đã có vũ khí tự vệ, chống lại sự thông cảm với những hoàn cảnh cũng khổ ấy. Vì sao? Vì con sợ. Con không muốn nhớ sự bấp bênh của vật chất, không dám nghĩ: “Có thể một ngày nào...”
Vì làm sao có thể thấu rõ nghiệp quả của mình? Bố thí mà không có tâm Xả thì không phải là bố thí. Có tâm Xả dù không có gì để thí, vẫn hiện hạnh bố thí. Tiền bạc ở ngoài thì thành tướng phân chia đẳng cấp, ở trong con thì là gì? Là tâm chấp thủ, là ngã nhân, chúng sanh, thọ giả tướng. Chấp huyển là thật là của mình. Chấp có người khác ta, chấp có cuộc đời, có tướng xấu tốt, hay dở, chấp sự biến dịch của đất, nước, gió, lửa có thật tánh.
Phật dạy: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Phật cũng dồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh. Phật tánh không có số lượng, cao thấp, không có phân chia, nên không phải có kẻ có người không, kẻ nhiều người ít và bất cứ chúng sanh nào tu cũng quyết định sẽ thành Phật, tức Chân tánh hiển lộ khắp Tam Thiên Ðại Thiên Thế Giới. Con không thấy Chân tánh của mình không có thọ mạng ngắn ngủi, xoay vần theo có không của vật chất, hoại diệt từng thời, chuyên nắm bắt ảo giác mà tưởng lầm thật thể.
Làm sao thật được khi tiền bạc quyết định sự vui thích của con, chỉ tùy thuộc phúc lành đã tạo được, phúc hết thì tiền tài cũng hết. Và song song với việc lành đã tạo được cũng có quả báo của việc làm không hay, chưa gây dựng được, nên khi thọ hưởng tiền tài cũng không hoàn toàn hạnh phúc. Ðuổi theo ảo giác này là hy sinh thiên thu cho những tờ giấy vô nghĩa, cho một giấc mộng. Chấp thọ giả nên tưởng đến kiếp sống này, cố vun bón cho tròn đầy theo nghĩa ngũ dục, rồi bỏ thân. Kiếp sau lại cũng thế, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ, bình an. Và chẳng thể nào thoát được vòng lẩn quẩn của luân hồi quả báo.
Con tưởng rằng, những vật chất, tiện nghi mà con thấy là có thật sao? Ðó chỉ là những hạt bụi kết hợp thành vật thể theo tâm của con: Tâm chấp ngã nhân, thành tánh ganh đua, hiện tướng xe cộ, đẹp xấu, tốc độ nhanh chậm..., cũng là Ðịa ngục mà không biết. Chết chóc, đau khổ, vì những miếng mồi này, của vô minh không phải là ít, hiện tượng áo quần đẹp xấu, đắt giá... cũng gây đau khổ như Ðịa ngục; đồ dùng vặt vãnh, cho chí đến quyền lực cao nhất cũng chỉ có được những hạt bụi, chứ không có gì khác. Sự trọng vọng do đồng tiền mang đến không dành cho Bản ngã một người nào, mà dành cho tất cả mọi bản ngã nói chung. Bất cứ chúng sanh nào, với những điều kiện vật chất như thế, đều được ưu đãi như thế: đó là Nghiệp.
Con đã thấy có những người, chỉ vừa thoát kiếp súc sanh, nhân dạng chưa thuần, bản tánh lục súc hãy còn, do nghiệp báo được giàu sang thì Danh mà vật chất mang đến có bền không? Có thật sẵn dành cho kẻ ấy không? Nếu thật có một giá trị nào đó, tại sao tiền bạc ấy không trang trí cho bản ngã ấy một tính tình, ngôn ngữ, tư cách, sắc thái dễ coi dễ mến như bạc tiền của họ? Lại còn những cách tiêu xài sang trọng, đài các, hay những đồ vật làm đẹp người có nó, thực chất là gì? Nếu có những tướng ấy, vẻ đẹp đẽ, đài các mới xuất hiện thì vẻ đẹp là của đồ vật, chứ đâu ở chúng sanh, đâu ở con người. Nhưng không có lẽ vật vô thức lại làm sinh động loài hữu tình? Còn nếu vẻ thù thắng đã có sẵn trong tâm thì đâu cần nhờ vật bên ngoài mới hiển lộ. Như Lai còn không cần có tướng Phật để làm Phật, tại sao con cứ cần giả tướng?
Con cần tiền vì tiện nghi do tiền mang đến thì ít, mà chính ra vì muốn hơn kẻ khác thì nhiều. Ðó là ngã. Có ngã vì sợ cô đơn. Sợ kẻ đồng loại đẩy mình ra khỏi vòng quay của họ. Sợ bị khinh thường cũng chính là tướng Ngã. Thực chất của tiền cũng chính là Ngã. Thực chất của Ngã là vô minh. Thực chất của vô minh là sợ hãi. Sự sợ hãi sinh điên đảo vọng tưởng. Chính sợ hãi đưa con người tìm cảm thông nơi kẻ khác bằng phương tiện này hay phương tiện nọ mà phương tiện dễ nhất thường là tiền tài. Ðó chính là sự yếu đuối nằm trong tánh chúng sanh.
Khắc phục được sự yếu đuối này chính là tinh tấn. Tinh tấn tu thì sợ hãi tiêu tan, sự cô đơn không còn nghĩa cô đơn mà trở thành tự tại. Thì chính thân này là kho báu nương phương tiện đó mà tu, còn cần gì đến những huyển tướng sinh ra từ huyển hoặc là tiền tài sinh ra từ giả thân có thọ mạng ngắn ngủi? Cho nên nghĩ như con vẫn thường nghĩ, không phải là Tâm Bố Thí “muốn có tiền để làm phương tiện Bố Thí”. Tâm đã chẳng không có gì không là của mình mà gọi là thí? Thí tiền cho người nghèo theo kiểu của con là phân biệt Bố Thí. Có gì là giải thoát? có gì là không? Phải nghĩ đến thí tài cho người giàu hơn con nữa kìa, mới gọi là Bình đẳng Bố thí. Mới thật không chấp vào tiền mà Bố Thí, không chấp Bố Thí mà hành Bố Thí, đó mới là không còn Ngã mà hành Bố Thí, đó chính thật Bố Thí.
Hiểu như thế, thì thấy giàu nghèo, chẳng qua do sự phân biệt của từng người, không do một tiêu chuẩn bất di bất dịch. Thế thì trí phân biệt của chúng sanh về giàu nghèo cũng không thoát khỏi kiến chấp của mình. Nên tất cả kho báu mà con có thể tưởng tượng được ở thế gian, thù thắng nhất ở thế gian, tuyệt đối với mắt nhìn của con, cũng không thể nào sánh với các cõi trời, huống chi các cõi Phật là nơi không có tướng nên sự hạn lượng không có. A Di Ðà Phật quốc là nơi phước báu của Ðức A Di Ðà Như Lai hiển lộ thành tướng. Không phải vàng là vàng của thế gian uế tạp vì là nhân, vì là kết quả của bao mối tương tranh, mà là tánh của Vàng, tức sự tinh khiết, sự tuyệt đối viên mãn làm đẹp mắt người nhìn, vẫn không khiến Tham Si nổi dậy, trái lại càng sinh kính mến công đức tu hành. Tánh thật của Vàng, Ngọc hiện thành cung điện. Có một thứ Vàng Ngọc nào không khiến Tham Si nổi dậy. Ðó cũng chính là Vàng Ngọc của Phật.
Con đã thấy có ai dùng tiền xóa bỏ được địa ngục chưa? Địa ngục chính là các nỗi khổ tâm của chính người đó. Như con chẳng hạn, có đồng tiền nào cột mãi tuổi 30 lại với con, không già theo năm tháng? Tất cả những xảo thuật hiện có và sẽ phát minh cũng không thể nào thay đổi được thời gian, không thể nào mua được thời gian. Con vẫn thường nghĩ: “Nếu có tiền nhiều thì việc đã khác”, mỗi khi có việc chẳng thuận lòng. Nghĩ như thế, vì cho rằng tiền có thể giải quyết mọi việc. Con đừng nên nghĩ thế. Việc gì xảy đến cho con cũng đều do nghiệp của các tiền kiếp, xấu tốt hãy khoan luận bàn trên tướng.
Như một người bệnh ngặt nghèo, không tiền thang thuốc. Họ không thấy khổ đau của mình là kết quả của các việc làm đời trước. Từ khổ nạn ấy mà tu càng chóng tiêu tan nghiệp quả, lại than trách cái nghèo của mình, cho rằng bệnh còn vì không có tiền, thì thật là sai lầm. Nếu người ấy giàu có, nghiệp bệnh vẫn theo bằng cách biểu hiện thành một bệnh nan y mà tiền nào cũng không mua được thuốc. Ðừng quy cho tiền bạc một trách nhiệm cũng như một lợi ích nào, vì bản thân nó chẳng có, muôn sự là do Tâm.
Rốt lại tiền cũng chỉ là Ngũ uẩn, cũng là Căn, cũng là đắm theo cảm giác của thân. Ðể trị các mê đắm của Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý ấy là THIỀN ÐỊNH. Không một cảm giác nào có thể sánh với trạng thái tọa Thiền Nhập Ðịnh. Tiền bạc chỉ có thể mang đến sự vui thích hạn chế theo khả năng cạn cợt của các căn, còn Thiền Ðịnh là một sự bùng vỡ, tuôn trào của hạnh phúc khôn nguôi, của An Lạc. Thiền Ðịnh mở từ khớp xương, từ sớ thịt, từ lỗ chân sớ lông, từ tạng phủ trong người, từ nơi bí mật nhất của não bộ, tóm lại từ tất cả những gì gọi là thân của con, những cửa ngõ đưa con vào bể Cực Tịnh, Cực lạc, thân tâm không còn tướng.
Thương những người nghèo khó, không trụ tướng nghèo mà thương. Bố thí tiền cho kẻ khác, không trụ tướng Bố Thí, cũng không trụ vào tiền. Nhìn những người nghèo sinh thương xót, là dụng tâm bất bình đẳng đối với chúng sinh. Con thương người nghèo, sẽ sinh ghét người giàu có. Và từ tâm mình bất bình đẳng, thấy mọi sự đều là bất công. Không ít kẻ trách Trời Ðất Thánh Thần cho đến ta, cũng vì thế. Con phải quán sát đúng như thật thì mới có giải pháp hợp lý nhất mà giúp đỡ. Tất cả chúng sanh đều khổ. Không nhìn tướng giàu nghèo, chỉ nhìn thấy nỗi khổ chung của chúng sanh mà bình đẳng thương cảm.
Cho nên thí tiền cho người nghèo vì họ cho đó là khổ, và con cảm thương tâm trạng khổ ấy, chứ không vì cảnh nghèo là đáng thương. Ðó là sự thương hại, mà thương hại là một tình cảm rất giả dối, hạ phẩm giá của người ấy như là một sinh vật thấp hơn con. Con nên biết 49 năm Thế Tôn tại thế thuyết pháp là 49 năm không nhà, không vật thực độ thân tiên liệu cho ngày mai. Tướng ấy thực có hay không thực có? Nếu thực có sao gọi Như Lai là thân Phước Điền của chúng sanh?
Vả lại khi Bố Thí cũng không nơi đâu có thể trụ tâm, trụ tướng được mà tự cho “mình Bố thí cho kẻ khác”. Tiền ấy khi ở trên tay con thì còn là của con, khi ở trên tay người kia, là của họ. Có gì còn là của con mà gọi là thí? Nếu nói: “Ðã là, đã cho” thì nói về quá khứ, thế thì tiền ấy cũng có quá khứ không phải của con. Ngay khi cho cũng không nói là cho được. Vì thời gian đâu có Ngừng. Ðang: chỉ có một nghĩa tương đối. Như Phật thuyết: “Này Tỳ Kheo, ngay chính ông bây giờ cũng đang sinh, đang già, đang chết” chỉ rõ sự hoại diệt không dừng của tướng. Thì làm sao con lại dám nói “Có bố thí” cho ai? Ở nơi không Trụ mà hành Bố Thí thì mới là Chân Bố Thí.
Việc kẻ khinh người trọng mà con hay qui tội cho Tiền là suy nghĩ sai lầm. Gặp kẻ khinh thường vì chấp tiền thì con giận kẻ ấy, giận số phận, giận cả Mẹ vì cầu mãi mà chưa cho tiền, nhưng khi bị cướp chú ý, bị mất trộm, bị gạt tiền thì con chỉ giận trộm cướp không giận tiền của mình biến con thành mồi của họ; không có thì đòi hỏi, khi có và bị nguy hiểm vì tiền cũng không nhận thấy bản tánh của Tiền không tốt, không xấu là còn chấp trước. Bản tánh của tiền bạc cũng như vạn vật là Không.
Có một đời sống không tiền bạc, vàng ngọc, châu báu nào giúp con đến được là đời sống vĩnh cữu của chân không thường trụ, không ở trong thân, không ở nơi đâu nhất định, mà vẫn có thể phương tiện hiện trong thân, hiện thành tướng. Một đòi sống bao trùm cả vũ trụ, đưa con dạo chơi trong không gian, thời gian, cho con đủ các hình tướng, ở ngoài tất cả mọi suy lường của con.
Con có mơ bay giữa đám mây bay, bay đến các vì sao con vẫn thấy hằng đêm trên bầu trời, bằng thân mà con đang tạm có? Với thân này, dù có dùng thần lực của Mẹ mang con đặt giữa các đám mây, con cũng chỉ có cảm giác buốt lạnh và không nhìn thấy gì, vì mắt sẽ bị lóa thì làm sao còn thích thú? Với thân này ta mang con đến các vì sao con cũng chẳng thấy thích thú nào khác ngoài cảm giác nóng lạnh, ngộp hay khó thở, hoặc có khắc phục được cũng không mang lại cho con thích thú, vì cảm quan của con không giống với các thế giới ấy. Một đôi mắt có thể cho con thấy tất cả mọi sự diễn ra trên mặt đất, cùng lúc cho con thấy sự di chuyển của các vì sao, một thân có thể đến với mọi loài, cảm theo cảm quan của loài nào cũng được, giúp con đi từ mặt đất đến nơi xa, một thân thật to lớn để con có thể nhìn mỗi ngôi sao là một quả cầu xinh xắn, có thể bước trên các vì sao như đi trên gạch lát đường, một thân vô bệnh, trường thọ... thân như thế mới đem lại thích thú khi thực hiện những giấc mơ. Và thân ấy là thân Vô Tướng. Đời Sống thật ấy cho con một thân Vô Tướng, biến hoá không ngăn ngại, hành sự không ngăn ngại, gọi là PHÁP THÂN.
Tiền không thể làm gì cũng được, không phải là tất cả, con hãy để nó sang một bên. Hãy mong cầu thân Vô Tướng. Mong cầu nơi đâu? Trở lại BẢN TÂM dứt bặc mong cầu thì sẽ thấy.
Tác giả bài viết: Khuyết Danh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự