Tôi kể cho sư đi
với chúng tôi nghe những gi tôi trao đổi với họ và nói với sư rằng tôi rất khâm
phục kiến thức và khả năng thuyết phục của họ khi trình bày về truyền
thống Phật giáo mà họ đang theo.
Sư cười, nói rằng
trung tâm thiền Dhammakya được coi như là một trung tâm thiền quốc tế, thường
mở các khóa tu thường xuyên cho người nước ngoài, nên phần lớn các phật tử làm
việc ở đây đều được trang bị kiến thức để có thể hướng dẫn, giải đáp mọi thắc
mắc của các Phật tử nước ngoài, đặc biệt là những người mới chân ướt chân ráo
đến với đạo Phật, những người này thường có rất nhiều thắc mắc, nghi ngờ
về các truyền thống Phật giáo khác nhau và muốn được giải thích rõ ràng trước
khi toàn tâm toàn ý tham gia vào khóa tu.
Sư cũng nói rằng
một số phật tử phục vụ tại thiền đường Dhammakya cũng tự nguyện tham gia phục
vụ trong các buổi lễ Vesak tổ chức một vài năm qua tại Thái Lan, nên họ ít
nhiều được huấn luyện do đó có kinh nghiệm khi giao tiếp với những người
muốn tìm hiểu về đạo Phật theo truyền thống Nguyên Thủy, để có thể
trình bày cho người tìm hiểu một cách thuyết phục về những cái hay, cái đẹp,
cái tinh túy của Phật giáo.
Tuy nhiên sư cũng
đồng ý với nhận xét của tôi là phật tử Thái ít mê tín. Họ không có thái độ cầu
xin trong việc tu tập bởi vì ngay khi học trong trường phổ thông, học sinh
Thái đã được các sư dạy trong những giờ giáo lý rằng Đức Phật là bậc toàn
tri, toàn giác nhưng không toàn năng. Đức Phật chỉ là người chỉ ra con đường để
đi đến giải thoát, và do không toàn năng nên Đức Phật không thể ban, cho,
thưởng, phạt bất cứ ai, do vậy cầu xin Ngài cũng chẳng ích gì.
Và sư kể cho tôi
nghe một trong số rất nhiều những câu chuyện về Đức Phật mà các em học
sinh Thái đã được học, qua đó dạy cho các em hiểu rằng nên tôn kính Đức
Phật vì trí tuệ, nhân cách vĩ đại và cao thượng của Ngài chứ không nên
coi Ngài như một bậc đầy quyền năng, nghĩa là nếu kính ngưỡng và
tuân phục Ngài thì Ngài sẽ ban phát cho các em mọi thứ, còn nếu như
ngược lại thì sẽ bị Ngài bị trừng phạt. Câu chuyện như sau:
Một thưở nọ tại Kỳ
Viên Tịnh Xá của trưởng lão Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ. Trong thời gian
cư trú ở đây, Đức Phật thuyết pháp cho đại chúng vào lúc bốn giờ chiều mỗi
ngày. Có một chàng thanh niên mỗi chiều đều đến đây để nghe chánh pháp.
Sau một thời gian,
chàng có một thắc mắc muốn hỏi Đức Phật nên một buổi chiều nọ, người thanh niên
quyết định đến Kỳ Viên Tịnh Xá trước giờ thuyết pháp để có thể gặp riêng
Đức Phật và nêu thắc mắc của mình.
Người thanh niên đỉnh lễ Đức Phật và nói, : “Bạch Đức Thế Tôn, con có điều
hoài nghi, thắc mắc, mong Đức Thế Tôn mở lòng từ bi giảng giải cho con được rõ.”
“Bạch Đức Thế
Tôn, từ khi Ngài đến thành Savathi này để thuyết pháp độ sanh, trong số những
người đến nghe pháp, có một số người đã chứng đắc đạo quả giải thoát, một số
người khác tuy chưa chứng đắc được đạo quả giải thoát, nhưng gia đình họ trong
sinh hoạt hàng ngày đã được sự an vui , một số người còn lại không những chưa
chứng đắc được đạo quả giải thoát mà vẫn còn ở trong phiền não, khổ đau và
trong số những người đó có con! Bạch Đức Thế Tôn, do nhân chi, xin Ngài mở lòng
từ bi giảng giải cho chúng con được rõ.”
Đức Phật hỏi, “Này
người thanh niên, ngươi chớ nên hoài nghi chánh pháp của Như Lai. Ngươi từ đâu
đến?”
- “Dạ,
con là người của Savathi này.”
Đức Phật lại hỏi,
“Như Lai trông ngươi không phải là người của Savathi này, vậy ngươi từ đâu
đến?”
- “Bạch
Đức Thế Tôn, con là người của Vương Xá Thành, con đến Savathi này để lập
nghiệp, con sống bằng nghề buôn bán.”
Đức Phật hỏi tiếp,
“Này người thanh niên, tổ phụ của ngươi có còn ở Vương Xá thành không?”
- “Dạ còn.”
- “Người
có thường tới lui thăm tổ phụ hay không?”
- "Dạ
có.”
Đức Phật hỏi, “Vậy
người có biết con đường đi từ đây đến nhà tổ phụ ngươi ở Vương Xá thành
không?”
- “Bạch
Đức Thế Tôn, con biết.”
- "Nếu
như có một người ở Savathi này muốn đến nhà tổ phụ ngươi ở Vương Xá thành,
liệu người có thể chỉ đường cho họ hay hướng dẩn cho họ đi hay không?”
- “Dạ được.
Ở đây mà muốn về Vương Xá thành thì phải đi qua thành Ba La Nại, khi đến đó thì
rẽ trái đi về hướng cây da, từ đây bắt đầu đi về hướng Vương Xá thành, nhà tổ
phụ con ở cách Vương Xá thành vài dặm, muốn đi thì con chỉ cho mà đi. ”
Đức Phật hỏi tiếp,
“Này người thanh niên, nếu ngươi biết đường chỉ cho họ mà họ không đi thì
họ có tới được nhà tổ phụ ngươi hay không?”
Người thanh niên
nhìn Đức Phật, tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi lại, “Bạch Đức Thế Tôn, sao lạ vậy,
con biết đường chỉ cho họ nhưng mà họ phải tự đi thì mới tới được, chứ
không đi thì làm sao tới, con đâu có cầm tay ai mà dắt đi được đâu?”
Đức Phật trả lời,
“ Này người thanh niên, giáo pháp của Như Lai cũng như vậy. Con đường đi đến
Niết Bàn, Như Lai đã từng đi qua, đi lại, đi tới, đi lui, Như Lai biết và chỉ
cho chúng sinh, nhưng muốn đến thì chúng sinh phải tự đi, Như Lai là bậc toàn
tri, toàn giác chứ không toàn năng nên Như Lai không thể đưa một người đến nơi
mà họ muốn tới nhưng họ lại không muốn tự đi.
Cũng tương tự
như vậy, nếu ngươi muốn gia đình của mình được an vui thì hãy áp dụng lời dạy
của Như Lai vào trong cuộc sống hàng ngày chứ Như Lai không thể ban hạnh phúc,
an vui cho bất kỳ một ai được .”
Do con người
cũng có những lúc khổ đau, thối chí, tuyệt vọng, lúc đó tôn giáo là chỗ dựa
tinh thần cho họ, nếu có một đấng linh thiêng nào đó để đặt niềm tin vào đó và
cầu nguyện, cầu xin giúp đỡ thì cũng đỡ khổ, vậy thì trong những lúc hoạn nạn
khó khăn, Phật tử Thái nương tựa thường nương tựa vào chư thiên.
Theo Phật giáo, có
những chư thiên chuyên hộ trì Phật pháp. Đại chúng tin rằng các chư thiên
này có thể cảm ứng và phù trợ cho họ nếu thường ngày họ làm những việc công đức
và hồi hướng phước báu của mình đến các chư thiên.
Vì vậy Phật tử
Thái thường làm những việc lành, hồi hướng đến các chư thiên như một hình thức
để dành tiền trong tài khoản. Thí dụ, nếu bạn là người cần kiệm, biết để dành
tiền phòng khi gặp khó khăn, và nếu trong tài khoản của bạn có một tỷ, nếu bạn
cần 200 triệu, bạn đến ngân hàng viết giấy lãnh tiền và đương nhiên nhân viên
ngân hàng phải chi cho bạn ngay 200 triệu, không thể từ chối vì bất cứ lý do
gì.
Trong trường hợp
nếu bạn ăn xài phung phí, không để dành được đồng nào trong tài khoản, thì rõ
ràng muốn lãnh một xu cũng không được.
Tương tự như vậy,
nếu bạn làm nhiều điều phước thiện hồi hướng cho chư thiên để cất trong tài
khỏan “phước” của bạn, khi bạn gặp khó khăn, bạn cầu cứu chư thiên thì chư
thiên mới cứu cho bạn được. Nếu tài khoản “phước” của bạn là “zero” hoặc tệ hơn
nữa bị “thấu chi”, thì có kêu cứu cách mấy, chư thiên cũng chào thua.
Với niềm tin như
vậy, Phật tử Thái khi gặp tai ương, hoạn nạn thường làm những điều
tốt đẹp để tạo thêm phước báu và quay về nương tựa nơi chư thiên để thân tâm
được an ủi và khuây khỏa, tuy nhiên Phật tử Thái hiểu rằng việc lễ bái, cầu
nguyện chư thiên chẳng bao giờ có thể giúp cho họ đạt được Niết Bàn.
Phật tử Thái tin
Quán Thế Âm Bồ Tát là một chư thiên tu hạnh Bồ Tát để cứu khổ cho chúng
sinh. Họ cũng lễ bái, tôn kính và thờ Ngài do sự linh ứng của Ngài, nhiều chùa
ở Thái Lan cũng dành những nơi hết sức trang trọng, tôn nghiêm để thờ Ngài.
Chỉ là một câu
chuyện đơn giản nhưng thực sự làm tôi xúc động. Đức Phật của tôi thật vĩ đại và
cao quý làm sao! Khác với những giáo chủ của các tôn giáo khác tự cho mình là
những đấng đầy quyền năng, tạo ra vũ trụ, tạo ra con người và buộc con người
phải hoàn tòan tuân phục mình.
Đức Phật, mặc dù
có rất nhiều thần thông, và mặc dù Ngài có thể dùng thần thông của mình để lòe
bịp lòng tin người khác để khiến họ tôn vinh và tuân phục Ngài như một đấng
toàn năng, Đức Phật vẫn thành thật tự nhìn nhận mình như một con người tuy phi
thường nhưng cũng rất bình thường như bao nhiêu con người khác. Đức Phật của
tôi vĩ đại và cao quý là ở chỗ đó.
Và bởi Đức Phật
của tôi tuy phi thường nhưng cũng rất bình thường, nên tôi, một con người hết
sức bình thường và tầm thường, mới dám mơ ước đến một ngày tôi cũng sẽ đạt đến
đạo quả giải thoát như Ngài nếu tôi đi đúng theo con đường mà Ngài đã chỉ dạy.
Tác giả bài viết: Quảng Hiền
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự