Chùa
Nội, hiệu là Lưu Ly Tự thuộc thôn Nội, xã Yên Phong, thành phố Nam Định. Chúng
tôi đến chùa khi trời đã về chiều. Ngôi chùa nằm trên thửa đất rộng chừng hơn
một mẫu vào lúc xế chiều dường như thêm vẻ thanh vắng.
Là
những người khách lạ, đến không hẹn trước nên hỏi ra mới hay, sư thầy trụ trì
chùa đang đi học trên Hà Nội. Nhưng, những ngày sư thầy không ở chùa, học sinh
của thầy vẫn ngồi sắp hàng ngay ngắn trước sân chùa chăm chú ghi chép, tranh
thủ ôn luyện những bài giảng cũ, những điều đã được truyền dạy.
Dù
đã nắm được một chút thông tin về lớp học mang tên “Đạo tràng từ hiếu” nhưng
vẫn làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên…
Đến
nay, người dân sống quanh khu vực chùa Nội đã dần quen với cái nếp là cứ đến
ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng, con em mình tự giác đến lớp học “đạo” của sư
thầy Thích Minh Lâm. Lớp học còn mới lắm, chưa đến cái mốc kỷ niệm một năm ngày
ra đời, nhưng chẳng ai có thể phủ nhận sự “đặc biệt” của nó - Học sinh trong
vùng đến đây để học đạo đức, học hiếu lễ đối với mọi người, đặc biệt là cha mẹ
mình và học những phép tắc trong Phật giáo.
Theo
lời kể của người dân quanh chùa, có lẽ chưa một lớp học nào có số học sinh tăng
nhanh đến thế. Những buổi đầu, lớp học trong chùa có khoảng 25 em. Giờ đây con
số đã lên đến gần 120; và vẫn còn nhiều người muốn đăng ký thêm nữa. Học sinh
tha thiết muốn học, kéo nhau ở các vùng lân cận đến để được nghe thầy giảng về
“hiếu đạo”.
Các
bậc phụ huynh ai cũng muốn vào thưa chuyện để con mình được đến lớp học của
thầy. “Nhiều người cứ hỏi tôi là có phải đến xin thầy cho con theo học không?
Nhưng
thầy bảo, em nào muốn nghe thầy giảng thì cứ ghi tên rồi đến học luôn, bố mẹ
không cần phải vào xin” - Bà Đào Thị Hải, một tăng ni phật tử chùa Nội tâm sự -
“Lớp học giờ đông các em lắm, hiện giờ thầy bận học ở Hà Nội, chỗ Học viện Phật
giáo ấy, ngày nào học sinh cũng đến hỏi xem thầy về chưa để đi học.
Ban
đầu, thầy cho các cháu ra ngoài sân học, thầy đóng cho mỗi cháu một cái bàn cá
nhân các anh ạ! Bố mẹ các cháu cũng định đóng góp chút ít, nhưng thầy nhất định
không đồng ý, thầy bảo lớp học là để dạy đạo chứ không phải làm kinh tế. Rồi
thầy lại lo nhỡ ngày mưa ngày gió, các cháu lại không học được nên vay tiền mua
vôi mua gạch để xây ba gian nhà cho lớp học đằng sau chùa”.
Tẩn mẩn trò chuyện mới vỡ lẽ ra một điều, chính các em học sinh ở đây mong được
thầy kể những câu chuyện về đạo làm người và muốn được thầy dạy chữ Hán.
Em
Hoàng Thị Hướng, hiện đang là học sinh lớp 8, trường THCS Yên Phong kể rằng:
“Thầy Lâm cho chúng em luyện chữ Hán và căn dặn là chữ Hán khó, nhưng học được
thì rất ích lợi và cần thiết trong cuộc sống về luân thường đạo lý.
Thầy
bảo tên lớp học là “Đạo tràng từ hiếu”, trước tiên chúng em phải hiếu kính với
cha mẹ. Học thầy, em biết thêm rất nhiều điều. Trước đây, công việc ở nhà chỉ
bố mẹ làm thôi. Bây giờ em thường bảo bố mẹ để em làm giúp. Em chăm làm hơn và
không hay cãi bố mẹ như trước nữa”.
...
Rời chùa Nội quay trở về Hà Nội, chúng tôi mong được gặp “thầy giáo”, sư thầy
trụ trì chùa và nghĩ mãi về hình ảnh lớp học “Đạo tràng từ hiếu” này. Trong một
ngôi chùa nhỏ bé, tĩnh mịch có một “lớp học làm người” hiện hữu, đến hẹn lại
lên, một người thầy quây quần bên đám trò nhỏ.
Dưới
sân chùa, trò ngồi xếp bằng trên chiếu bên những chiếc bàn cá nhân nho nhỏ;
thầy bắc loa, thắp điện giảng giải về lịch sử Phật giáo, kể chuyện về đạo làm
con, đạo thầy trò, về mối quan hệ giữa con người với quê hương và con người với
sinh hoạt cộng đồng...
* * *
...“Em
cứ ra Bến xe Long Biên, đi xe bus số 15, đến ngã 3 đền Gióng, xã Phù Linh, Sóc
Sơn xuống xe, đi “xe ôm” chừng 3km là tới chỗ thầy đang học”… Giọng nói tròn
vành rõ chữ, âm vực vừa đủ nghe của sư thầy Thích Minh Lâm dẫn đường cho chúng
tôi đến với Học viện Phật giáo Việt
Con
đường đất lên Học viện thuở nào nay được thay bằng con đường đôi trải nhựa rộng
rãi. Ngồi sau anh “xe ôm”, một mình một đường, gió phả vào mặt, tôi cố dang
rộng cánh tay để cái gió lạnh lùa vào cơ thể... Địa hạt của sự linh thiêng hiện
dần trước mắt. Sư thầy Thích Minh Lâm đón chúng tôi tận ngoài cổng. Thầy còn
rất trẻ, người dong dỏng, nom bộ hơi gầy nhưng vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn qua
những bước đi có phần gấp gáp đầy vẻ bận rộn.
Tôi
và thầy cùng dạo bước, trò chuyện trong sân Học viện trong sự tĩnh mịch đến
tuyệt đối. “Lớp học của tôi có 2 buổi/tháng, mỗi buổi kéo dài trong 2 tiếng,
các em học sinh nhỏ nhất lên 8 tuổi, lớn hơn là 10, 17, 18 và 20 tuổi. “Đạo
tràng từ hiếu” là tên vừa là gốc làm nền tảng cho lớp học. Các tỉnh trong
Miền Bắc còn ít mô hình này nên tôi mạnh dạn triển khai” - Sư thầy Thích Minh
Lâm điềm tĩnh chia sẻ. Khi biết chúng tôi đã tìm chùa Nội, đến lớp học của thầy
ở Nam Định, thầy kể rằng thấy các em tha thiết muốn học, dù bận đến mấy vẫn
tranh thủ đi - về giữa Hà Nội và Nam Định để dạy cho các em vào các tối đã hẹn.
Có em chưa đến ngày đã gọi điện hỏi thầy “Bao giờ thầy về thế?”.
Không
ngại ngần kể về những năm tháng tuổi thơ vất vả và không có điều kiện học đến
nơi đến chốn của mình, thầy cho biết mình là người gốc Kim Sơn, Ninh Bình. Ngày
còn đi học, thầy thường phải lo bữa ăn từng ngày, không có điều kiện dành cho
việc học. Nhưng dù gia đình vất vả đến đâu, hai cụ thân sinh ra thầy cũng luôn
lo cho các con đủ cái ăn cái mặc.
Đó
là lý do để thầy dạy “Đạo tràng từ hiếu” cho học sinh - “Con đường đi đến
đạo thì dài lắm! Nếu không có người chỉ dạy, thì các em khó biết hết được ý
nghĩa của hai chữ “hiếu đạo”. Phật đã dạy rằng: Không bao giờ đền đáp đủ công
ơn của bậc sinh thành”…
Đó
là điều đặc biệt khi vào những dịp như ngày Phật Đản hay Vu Lan báo hiếu, thầy
cùng học sinh làm báo tường, thầy muốn các em thật hiểu ý nghĩa của chữ “hiếu”
đối với mỗi người. Lúc đi vắng, sư thầy không quên gọi điện về căn dặn những
người nhà chùa mở cửa phòng tiếp khách để các em vào học, để các em có thể tập
văn nghệ nơi sân chùa.
Hiện
giờ, lớp học “Đạo tràng từ hiếu” của sư thầy Thích Minh Lâm ngày càng đông,
thầy chia sẻ về dự định của mình cho chúng tôi: “Từ giờ đến tháng 7, phải cố
gắng xây xong 3 gian nhà cho các em. Khi tôi hoàn tất xong việc học, sẽ dạy các
em thường xuyên hơn, có thể là 1 tháng 4 buổi.
Cũng
chỉ hy vọng các em sẽ tốt hơn lên, có tri thức từ giáo dục nhà trường và sống
có tâm, có đạo qua những câu chuyện của tôi” - “Từ hồi xuất gia năm lớp 9 đến
giờ, tôi lúc nào cũng băn khoăn rằng có về Ninh Bình nơi mình sinh ra không?
Như thế sẽ gần và có thể giúp được gia đình. Nhưng là người xuất gia, nỗi lo
của nhân thế lại luôn canh cánh trong lòng, còn rất nhiều người cần được giúp
đỡ.
Vì
vậy, tôi đã về miền quê nghèo Yên Phong và qua lớp học này, mong sẽ có thể làm
được phần gì đó giúp ích cho nhiều người” - “Nếu có thể giúp các em học sinh
hiểu đạo và trở thành những người sống có tâm thì các em sẽ thành người tốt.
Con cái các em sau này cũng nhờ vào nền tảng và thiên lương của bố mẹ mà thành
người có ích. Nền tảng gia đình rất quan trọng”.
Là
người trụ trì một ngôi chùa nhưng thầy vẫn miệt mài tiếp tục con đường học tập
tại Học viện Phật giáo Việt Nam và khoa Triết học, trường ĐH Khoa học Xã hội
& Nhân văn; bởi vậy chăng mà mối quan hệ thầy - trò của sư thầy với các em
càng thêm gắn bó?
Ngôi
chùa nhỏ yên bình, các em đến nơi đây học tập vô tư và nhiệt thành. Chúng tôi
nghĩ đến những năm tháng tương lai sau này sẽ có một lớp trẻ đang trưởng thành,
tâm, trí và lực sáng dần lên sau cánh cửa chùa, ngay trong khoảng sân ngôi chùa
khuất nẻo.
Từ
nơi kinh mõ vang đều đặn, không phải là sự vắng vẻ, tịch mịch đến lặng người,
mà là những tươi mới của đời sống, của lớp học với bao ao ước mở mang, vươn lên
của đám trẻ, đã được lọc qua tiếng chuông chùa từ bi, vì thế càng trở nên thuần
khiết, hòa hợp.
Người
dân miền đất này hay kể về chùa Nội - về lớp học “Đạo tràng từ hiếu” như một
nơi đã giúp con người thấm nhuần những bài giảng đạo lý, những bài học làm
người càng được mài, được chuốt cho thêm tươi sáng, thêm trong trẻo từ mảnh sân
chùa rêu phủ hôm nay, từ hôm xưa trở lại và kéo dài tới tận mai sau...
Nguồn tin: Theo An ninh Thủ đô
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự