1.
Vào ngày Quốc giỗ, hàng vạn người con nước Việt về hành hương núi Nghĩa Lĩnh
(Phú Thọ), nơi đặt đền thờ Quốc tổ. Dân gian vẫn có câu: “Dù ai đi ngược về
xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Qua bao biến thiên lịch sử và địa
lý, bao triều đại vẫn còn lại một niềm tin vĩnh hằng của dân tộc Việt vào chỗ
dựa sinh tồn của giống nòi.
Cây
có cội, nước có nguồn, người Việt có đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên. Có những
người ở đầu kia Tổ quốc cũng đi theo đoàn kéo ra tham dự. Tiền nong chi ra tốn
kém không ít. Đây cũng là dịp để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên nên họ
chuẩn bị chu đáo, thể hiện hết mình. Khi đến nơi, họ sắm những mâm lễ đắt tiền
gồm các loại bánh trái, gà luộc, lợn quay...
Cúng
lễ xong lại xin lộc, rồi thậm chí ngồi “chế biến” luôn ở một góc nào đó. Khi có
người đặt chân đến thì các dịch vụ cũng sinh ra theo, như ăn uống, nghỉ trọ,
đổi tiền, sắp lễ thuê, bán đồ lễ, đồ thờ, viết sớ...
Các
dịch vụ này mọc ra như nấm và luôn chèo kéo khách hành hương, biến hình ảnh lễ
hội thành ra nhếch nhác, bẩn thỉu, là điều tối kị ở những nơi tôn nghiêm. Nhiều
người lấy những ngày này để “hái ra tiền” và họ chẳng cần biết phải đối xử văn
hóa ở nơi lễ hội thế nào.
Họ
chỉ cần kiếm tiền và kiếm tiền. Đi đến bất cứ lễ hội nào như lễ hội Chùa Hương,
Bà Chúa Kho, Yên Tử, Đền Hùng... đều có dịch vụ sắp lễ thuê, thậm chí cúng
thuê. Những quầy hàng bầy la liệt, sát nhau lấn chiếm cả các lối đi lên di
tích, khiến cho quang cảnh trở nên bụi bặm, chợ búa, khó chịu và thực sự mất mỹ
quan.
Sau
tết Nguyên đán, ở khu di tích Đền Hùng, từ cổng chính dẫn lên khu di tích có
đến hàng chục phụ nữ cầm những xấp tiền giấy loại 200, 500 đồng mời khách đổi
tiền để dâng lễ, mời mua đồ lễ. Đền Hạ, là nơi mẹ Âu Cơ sinh hạ trăm trứng, khu
nội điện chật ních người dâng lễ với các mâm ngũ quả đầy đặn bắt mắt.
Vào
chính hội thì thảm cảnh chen lấn còn khốc liệt hơn nhiều. Ai cũng muốn mình đặt
được một vài tờ tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng lên ban thờ dù những hòm
công đức được bố trí ở khắp nơi, lại có bàn ghi công đức có người trực cả ngày.
Nhưng bàn ghi công đức rất vắng lặng.
Ở giếng
cổ, tương truyền là nơi tắm cho các con của mẹ Âu Cơ, người ta cũng ném tiền lẻ
xuống làm tiền vãi tứ tung, rồi các hiện tượng như nhét tiền vào kẽ chân thần
linh, thánh tượng, hay các biểu tượng trang trí, ngẫu tượng...
Họ
nghĩ rằng, tiền bạc và những vật phẩm cúng tiến phải đưa trực tiếp đến tay thần
linh thì mới thiêng. Và như thế, họ đã phá hoại sự thanh tịnh của đền, đình,
chùa... Có người chồng chất chen lấn nơi để mâm lễ, chen chỗ quỳ khấn thậm chí
xảy ra cãi cọ, xô xát.
Rất
nhiều người đi lễ nghĩ rằng bỏ tiền công đức nhiều nơi thì sẽ được phù hộ có
nhiều tài, lộc hơn. Nhiều người khẳng định phải thắp hương, thể hiện tấm lòng ở
tất cả các ban thờ thì mới thiêng.
Vì
thế, người đi lễ cứ thấy ban thờ, tượng... là thắp hương, để tiền. Mệnh giá
tiền phụ thuộc vào tình trạng kinh tế và lòng “thành kính” của người đi cầu lễ.
Phó giáo sư Lê Trung Vũ, Viện Nghiên cứu tôn giáo cho rằng, lòng thành kính
không nên được hiểu ở số lần để tiền mà ở thái độ văn hóa và cung cách ứng xử
với thần linh.
Ông
Lê Trung Vũ cho biết thêm: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải quản lý cách
tổ chức, quy định mỗi đền chùa, miếu, phủ... nên có tối đa hai hòm công đức.
Không nên để việc mở rộng đền chùa chỉ cho có thêm ban thờ mới, hương án mới,
hòm công đức mới. Tiền lẻ rải khắp nơi, rải vô tội vạ.
Như
thế, tôi tự hỏi mình, hỏi những người đi khấn lễ rằng: Có phải thần linh thích
tiêu tiền lẻ? Ai trả lời được?
2.
Vừa rồi, tôi đi xe máy về hướng đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh). Chỉ mới
chớm đoạn đường dẫn về di tích, tôi đã được một anh “chăn”. Anh mời tôi gửi xe,
hướng dẫn lối lên và trước khi lên khấn bái, cầu xin thì hãy vào quầy hàng của
vợ anh để mua sắm đồ lễ.
Có
đến hàng trăm quầy hàng lớn nhỏ kéo từ nhà gửi xe lên đến cửa đền. Nhiều người
cũng mời chào. Tôi nói với anh chàng đang “chăn” mình là tôi không mua đồ lễ,
đừng mất thời gian. Anh chàng này khó hiểu, hỏi lại: “Ơ, sao đi lễ mà không sắm
đồ”.
Khi
đi vào bất kể chỗ nào có người đang khấn vái ở đây, tôi đều được một ai đó mời
sử dụng dịch vụ khấn thuê. Ít thì 30 đến 50 nghìn, nhiều thì 100 đến 200 nghìn,
nói chung tùy vào mức độ thành tâm của khách đối với Bà Chúa Kho.
Ông
Nguyễn Duy Chính, một cựu chiến binh làm nhiệm vụ trông coi xe ở khu di tích này
nói rằng, vào chính hội, du khách sẽ khổ sở hơn nhiều vì các loại “cò” khấn vái
gây khó khăn. Các “cò” khấn vái chủ yếu là người địa phương. Họ học thuộc lòng
một vài bài khấn, đến khi được nhờ cúng lễ thì ghi họ tên, tuổi, nơi công tác,
sao chiếu mệnh để đọc lên thành lời.
Họ
tự do chào mời, ngã giá khiến chuyến tham quan của nhiều du khách bị cản trở. Nhiều
khách không biết còn bị... hớ vì người bán “hét” giá ở... trên trời. Sự việc
này diễn ra nhiều lần, nhiều năm. Nhiều khách khi ra bên ngoài hỏi đội bảo vệ,
hay những người trông coi xe ở di tích biết mình bị lừa mới ngã ngửa người vì
tiếc của.
Để
tránh tình trạng trên, Ban quản lý đền Bà Chúa Kho còn ghi những tấm biển lớn
cảnh báo với khách hành hương: “Quý khách về lễ đền. Mua lễ tùy tâm, giá cả
thỏa thuận, trả tiền trước khi lễ đền” để khách biết mà đề phòng.
Cũng
theo ông Chính, khi nào lực lượng chức năng đi “dẹp” thì các hành động trên mới
tạm “co vòi”, còn lơ là một chút là đâu lại vào đấy. Nhiều khi mệt mỏi, chẳng
ai quan tâm đến các hoạt động chướng tai gai mắt đó.
Vậy
đấy, ngay trong những đền, đình, chùa... nơi cảm tưởng chỉ có lòng hướng thiện
và sự lắng đọng của tâm hồn thì vẫn tồn tại những điều vô văn hóa, vô thánh
thần. Đến chốn tôn nghiêm vẫn gặp “cò”, vẫn bị lừa thì thử hỏi con người nên
đến đâu để khỏi mắc vào điều nghiệt ngã này? Vô hình trung, người ta coi thần
thánh có thể mua được, những lời cầu xin có thể dùng tiền và dùng vài ba lời
xằng bậy của người trung gian là động đến lòng trắc ẩn của thánh thần. Không.
Xin hãy cứu lấy văn hóa lễ hội.
3.
Làm sao để có những mùa lễ hội sạch, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng? Câu hỏi đặt
ra không chỉ đối với những nhà quản lý, các cơ quan quản lý di tích, lễ hội mà
còn đối với mỗi người dân. Vì đã nói đến lễ hội là người ta nghĩ ngay đến những
cảnh bán mua, ăn uống nhếch nhác, là rác thải bừa bãi, là ô nhiễm.
Đó
là sự ô nhiễm ở bên ngoài, ở “phần cứng”. Nạn này đã khó chữa, thiếu thuốc
chữa, nhưng ô nhiễm “phần mềm” còn khó chữa gấp bội. Đó là ô nhiễm hành vi, ô
nhiễm lối ứng xử với lễ hội và thần thánh.
Cơ
chế thị trường hiện rõ trong nhiều lễ hội lớn khiến nhiều địa phương đã có sự
mất cân đối giữa yếu tố “lễ” và “hội”, gây ra tình trạng lộn xộn thiếu văn hóa.
Chẳng lẽ những người dân chúng ta, khi đến với lễ hội lại mang trong mình sự
tạp uế của đời sống thực dụng ngoài đời? Chẳng lẽ mỗi người dân chúng ta đến
với lễ hội rồi hành vi cũng ô nhiễm như môi trường xuống cấp trầm trọng của lễ
hội đó?
Chúng
ta chất mâm cao cỗ đầy với những phẩm vật sang trọng, đắt tiền đặt trước thần
linh để làm gì khi lòng chúng ta không thực sự hướng đến những điều thánh
thiện. Phẩm vật cao nhất để hướng đến thánh hiền là phẩm chất trong suy nghĩ,
lời nói và hành động đẹp chứ không phải là tiền của hay mâm cao cỗ đầy.
Như
lời người xưa, kẻ đi lễ, hành hương nên sửa soạn tâm hồn mình để nó được trong
sạch. Khi đối diện với thần linh phải thể hiện lòng thành kính tuyệt đối, chứ
không thể dùng tiền để mua chuộc mà chuyển họa thành phúc được.
Có
rất nhiều chuyện bi hài trong việc cầu khấn cửa Phật khiến nhiều người nghe
cười ra nước mắt. Đã có người kêu lên rằng, ngày nay người ta đã trần tục hóa
lòng thành. Tất cả những gánh nặng, oan ức, vui vẻ, thăng tiến, vất vả người ta
đều đặt lên vai thần linh và nghĩ rằng, với số tiền họ bỏ ra, họ sẽ được chia
sẻ.
Có
nghĩa họ đã vô tình lấy “bụng mình suy ra bụng thánh thần”. Họ nghĩ rằng ở
ngoài đời, họ vẫn dùng tiền để mua chuộc, cầu xin, thì đến trước mặt thần linh,
quỳ gối chắp tay và dâng tiến, họ cũng sẽ được như ý.
Ngay
cả những người làm ăn bất chính như buôn lậu, kinh doanh và môi giới mại dâm;
hay những người đánh ghen, cướp của giết người cũng cầu xin thần linh cho
được... như ý, thoát khỏi sự bủa vây của lưới pháp luật. Chẳng lẽ thần linh lại
đi tiếp tay cho những đối tượng đó?
Ở Việt
Và
như thế, lễ hội vốn đã không được quản lý chặt chẽ lại bị biến tướng, lợi dụng.
Các nhà quản lý cảm thấy bế tắc, dẫn đến việc “thả cửa” cho tự phát, ảnh hưởng
đến tình trạng văn minh của xã hội. Phải khẳng định rằng, việc quản lý các lễ
hội còn quá “lởm khởm” và tính tự giác của người tham gia đều yếu kém.
Nếu
mỗi người tự ý thức được một phần việc mình làm thì chẳng đến nỗi gây lộn xộn,
om xòm ở các lễ hội vốn từ lâu bị biến tướng, coi trọng phần “hội”, vui chơi.
Chúng ta nên có một cái gọi là “Văn hóa lễ hội”, “Hành vi đẹp trong lễ hội”.
Tôi
và nhiều người khác mong sao yếu tố văn hóa lễ hội được tôn vinh. Phần “lễ” đem
lại yếu tố giáo dục truyền thống cao và phần “hội” đem lại niềm vui lành mạnh
cho mỗi người.
Và
để sau mỗi mùa lễ hội, ai nấy đều khỏe mạnh, tin yêu vào cuộc sống. Để họ mãi
tự hào là con Lạc cháu Hồng và mỗi năm lại hướng về ngày Quốc giỗ bằng lòng
thành kính và tâm hồn thanh sạch
Nguồn tin: Diên Khánh (Theo CAND)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự