Nhiều
người ngạc nhiên tự hỏi Chùa là nơi thờ Phật, chốn tôn nghiêm chứ đâu phải là vườn
trẻ?!
Hỏi chuyện, mới hay rằng đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi được nhà chùa giang tay cứu vớt. Đúng là trẻ bị bỏ rơi chứ không phải trẻ mồ côi.
Vị sư bà trụ trì ở chùa phân biệt rất rành rẽ: “Nói các cháu đây mồ côi là không
phải rồi. Bố mẹ còn sống cả đấy”.
Có
nhiều con đường để trẻ con bị bỏ rơi đến với nhà chùa. Mẹ “gửi” bé ở chân gác
chuông. Mẹ để “quên” bé ở khoa sản bệnh viện. Mẹ nhờ các bác sĩ chuyển bé đến
tay sư bà…
Có
lẽ các ông bố không muốn biết đến sự tồn tại của bé. Các bà mẹ thì biết rõ mười
mươi là bé đang sống ở chùa, nhưng không một lần ghé thăm. Sư bà thấy mặt vài người
trong số đó: “Mẹ cháu này thấp lắm, cao chưa tới mét rưỡi. Về sau chắc cháu giống
mẹ, mới hơn một tuổi mà đã có bắp chân rồi. Còn mẹ cháu kia xinh lắm, lông mày đen
như kẻ chì. Có một cô không rơi giọt nước mắt nào khi dứt tình mẫu tử”.
Sư bà và các Phật tử cùng những “viên ngọc” của chùa Trăm Gian.
ảnh của Phạm Thế Duyệt.
Đối với
những cháu dưới ba tuổi, nhà chùa thuê người đến chăm sóc. Các cháu lớn hơn thì
đi học mẫu giáo, đến trường tiểu học. Sư bà bảo: “Các cháu phải học ở ngoài để
hòa nhập với xã hội, lớn lên sẽ tự quyết định con đường tiếp theo của mình. Chúng
tôi không cố ý hướng cho các cháu chọn con đường nương nhờ cửa Phật. Nếu người
mẹ nào về sau thu xếp được cuộc sống gia đình ổn thỏa, có điều kiện đón con về
thì nhà chùa sẵn lòng chấp thuận”.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi dường như cảm nhận được thân phận của mình từ rất sớm,
chúng “ăn nhanh, uống gọn”, ít khi quấy khóc. Duy có điều sức khỏe nhiều cháu không
được tốt. Người phụ nữ khi mang thai ngoài ý muốn thường không có điều kiện và
cũng không dám bồi bổ, thậm chí nhịn ăn và thắt chặt bụng để che mắt thiên hạ.
Trẻ sinh ra thiếu tháng, thiếu cân, hay ốm đau quặt quẹo. Sư bà cho biết: “Ngay
từ bé các cháu đã có ánh mắt rất buồn. Có lẽ nỗi buồn của người mẹ thấm vào con
từ khi bắt đầu mang thai”.
Sư
bà ở chùa Trăm Gian đã đón nhận 11 đứa trẻ, tất cả đều xa mẹ từ khi mới một hoặc
hai ngày tuổi. Hiện nay cháu lớn nhất lên tám tuổi, cháu bé nhất mới vừa đầy năm.
Các cháu gái đều được sư bà đặt tên rất đẹp – Yến Ngọc, Bích Ngọc, Hồng Ngọc,
Kim Ngọc, Thanh Ngọc… Cứ nhìn cử chỉ trìu mến của sư bà khi bế ẵm những đứa trẻ
có số phận thiệt thòi thì biết rằng bà nâng niu chúng như những viên ngọc quý.
Điều đáng ngạc nhiên nữa là hầu hết mẹ của các cháu bị bỏ rơi đều là sinh viên.
Qua được kỳ thi vào đại học ngặt nghèo thì chẳng khác nào "cá chép vượt vũ
môn", không phải muốn là thành. Lại được nhà trường dạy cho rất nhiều điều,
thu nạp biết bao kiến thức bổ ích. Thế mà có một điều rất đơn giản là cuộc đời của một con người, dù sang dù hèn, đều
đáng quý như ngọc thì họ lại dường như không hiểu được!
Nguồn tin: Thethaovanhoa.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự